IAS 7 – Báo cáo lưu chuyển tiền tệ


Bản dịch tiếng Việt của IAS 7 được cập nhật theo Bản dự thảo dịch tiếng Việt xin ý kiến của Bộ Tài chính (2019)

Truy cập Trang thông tin tổng hợp về IAS 7 để xem Tóm tắt, Chuẩn mực tiếng Anh, bản dịch tiếng Việt và các bài viết liên quan

Mục đích

Thông tin về các dòng tiền của một đơn vị hữu ích trong việc cung cấp cho người sử dụng báo cáo tài chính căn cứ để đánh giá khả năng mà đơn vị đó tạo ra tiền, các khoản tương đương tiền và nhu cầu của đơn vị sử dụng các dòng tiền này. Các quyết định kinh tế do những người sử dụng thông tin thực hiện đòi hỏi cần đánh giá về khả năng mà đơn vị tạo ra tiền, tương đương tiền cũng như thời gian và mức độ chắc chắn của khả năng đó.

Mục đích của chuẩn mực này là quy định việc cung cấp thông tin về những biến động trong quá khứ liên quan đến tiền và tương đương tiền của một đơn vị thông qua một báo cáo về các dòng tiền, trong đó phân loại các dòng tiền trong kì theo hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.

Phạm vi

1. Một đơn vị phải lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ phù hợp với các quy định của chuẩn mực này và trình bày báo cáo đó như một phần của các báo cáo tài chính được lập cho mỗi kì.

2. Chuẩn mực này thay thế cho chuẩn mực kế toán quốc tế số 7 – Báo cáo về thay đổi tình hình tài chính, được phê chuẩn vào tháng 7 năm 1977.

3. Người sử dụng báo cáo tài chính của đơn vị quan tâm đến cách thức đơn vị đó tạo ra và sử dụng các khoản tiền và tương đương tiền. Đây là thực tế không phụ thuộc vào (không xét đến/không kể) bản chất các hoạt động của đơn vị, ngay cả khi tiền là sản phẩm của đơn vị đó, như trường hợp của các tổ chức tài chính. Các đơn vị cần tiền vì những lý do cơ bản như nhau ngay cả khi các hoạt động chủ yếu tạo ra doanh thu là khác nhau. Các đơn vị cần tiền để thực hiện các hoạt động, thanh toán các nghĩa vụ và chi trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Vì vậy, chuẩn mực này quy định tất cả các đơn vị phải trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Lợi ích của thông tin về các dòng tiền

4. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, khi được sử dụng cùng với các báo cáo tài chính khác, sẽ cung cấp thông tin giúp người sử dụng đánh giá biến động về tài sản thuần của một đơn vị, cấu trúc tài chính của nó (bao gồm tính thanh khoản và khả năng thanh toán) và khả năng ảnh hưởng đến quy mô, thời gian của các dòng tiền nhằm thích ứng với những thay đổi của bối cảnh và cơ hội. Thông tin về các dòng tiền là hữu ích trong việc đánh giá khả năng mà đơn vị tạo ra các khoản tiền, tương đương tiền và giúp người sử dụng phát triển các mô hình đánh giá, so sánh giá trị hiện tại của các dòng tiền tương lai với các đơn vị khác. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng nâng cao khả năng so sánh của thông tin về hoạt động của các tổ chức khác nhau vì nó loại trừ ảnh hưởng của việc sử dụng các phương pháp kế toán đối với các giao dịch và sự kiện tương tự.

5. Thông tin về dòng tiền quá khứ thường được sử dụng như một tín hiệu về quy mô, thời gian và tính chắc chắn của các dòng tiền tương lai. Thông tin này cũng hữu ích cho việc kiểm tra tính chính xác của những dự báo đã thực hiện về các dòng tiền tương lai và xem xét mối quan hệ giữa khả năng sinh lời và dòng tiền thuần cũng như với tác động của biến động giá cả.

Các định nghĩa

6. Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:

(a) Tiền bao gồm tiền mặt và các khoản tiền gửi không kì hạn.

(b) Tương đương tiền là các khoản đầu tư ngắn hạn có tính thanh khoản cao dễ dàng chuyển đổi thành một lượng tiền xác định mà không chịu nhiều rủi ro về số tiền được chuyển đổi.

(c) Dòng tiền là dòng thu vào và chi ra của tiền và tương đương tiền

(d) Hoạt động kinh doanh là các hoạt động tạo ra doanh thu chủ yếu của đơn vị và các hoạt động khác không phải là hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính

(e) Hoạt động đầu tư là các hoạt động mua sắm, xây dựng, thanh lý, nhượng bán các tài sản dài hạn không thuộc các khoản tương đương tiền.

(f) Hoạt động tài chính là các hoạt động tạo ra các thay đổi về quy mô và kết cấu vốn sở hữu và vốn vay của đơn vị.

Tiền và tương đương tiền

7. Các khoản tương đương tiền được nắm giữ cho mục đích đáp ứng nhu cầu tiền trong ngắn hạn hơn là cho các khoản đầu tư và các mục đích khác. Các khoản đầu tư được phân loại là tương đương tiền phải dễ dàng chuyển đổi thành một lượng tiền xác định và chỉ chịu ít rủi ro trong việc chuyển đổi đó. Do vậy, một khoản đầu tư thường được phân loại là tương đương tiền chỉ khi nó có thời gian thu hồi ngắn, thường là không quá 3 tháng kể từ ngày đầu tư. Các khoản đầu tư vào vốn chủ sở hữu thường được loại ra khỏi tương đương tiền trừ khi, xét về bản chất, chúng là các khoản tương đương tiền, như trường hợp đầu tư vào cổ phiếu ưu đãi được cam kết mua lại ở một thời điểm xác định trong ngắn hạn.

8. Các khoản vay ngân hàng thường được phân loại thuộc hoạt động tài chính. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, các khoản thấu chi được hoàn trả theo yêu cầu là một phần của công tác quản trị tiền của đơn vị. Trong các trường hợp này, các khoản thấu chi thuộc các khoản tiền và tương đương tiền. Đặc điểm của thỏa thuận này với các ngân hàng là số dư tài khoản tại ngân hàng có thể biến động từ số dương sang số âm.

9. Dòng tiền sẽ không bao gồm các khoản biến động giữa tiền và tương đương tiền bởi vì các khoản này đều thuộc công tác quản trị tiền của đơn vị chứ không phải là các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư hay hoạt động tài chính. Công tác quản trị tiền bao gồm hoạt động đầu tư đối số dư tiền vào các khoản tương đương tiền.

Trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ

10. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ phải trình bày các dòng tiền trong kì được phân loại theo hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.

11. Đơn vị phải trình bày các dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính theo cách thức phù hợp nhất với hoạt động kinh doanh của nó. Việc phân loại theo các hoạt động sẽ cung cấp thông tin cho phép người sử dụng báo cáo đánh giá tác động của các hoạt động này đến tình hình tài chính của đơn vị và giá trị các khoản tiền và tương đương tiền. Thông tin này cũng có thể được sử dụng để xem xét mối quan hệ giữa các hoạt động này.

12. Một giao dịch đơn lẻ có thể liên quan đến các dòng tiền được phân loại khác nhau. Ví dụ, tiền dùng để thanh toán một khoản vay bao gồm cả tiền lãi và nợ gốc, cấu phần tiền lãi được phân loại thuộc hoạt động kinh doanh và cấu phần nợ gốc được phân loại thuộc hoạt động tài chính.

Hoạt động kinh doanh

13. Quy mô của các dòng tiền phát sinh từ hoạt động kinh doanh là một chỉ số chính cho thấy hoạt động của một đơn vị có tạo ra đủ tiền để thanh toán các khoản nợ, duy trì hoạt động bình thường của đơn vị, thanh toán cổ tức và thực hiện các khoản đầu từ mới mà không cần đến các nguồn tài chính bên ngoài. Thông tin quá khứ về các yếu tố cấu thành dòng tiền hoạt động kinh doanh, kết hợp với các thông tin khác, sẽ hữu ích trong việc dự báo các dòng tiền trong tương lai.

14. Dòng tiền thuộc hoạt động kinh doanh thường liên quan đến các hoạt động tạo ra doanh thu chủ yếu của đơn vị. Do vậy, các dòng tiền này thường phát sinh gắn với các giao dịch và sự kiện được ghi nhận để xác định lãi/lỗ. Ví dụ về các dòng tiền thuộc hoạt động kinh doanh gồm:

(a) Tiền thu được từ bán hàng và cung cấp dịch vụ;

(b)  Tiền thu từ phí bản quyền, phí, hoa hồng và doanh thu khác;

(c) Tiền chi trả cho người cung cấp hàng hóa dịch vụ;

(d) Tiền chi trả cho người lao động, đại diện người lao động;

(e) (đã xóa)

(f) Tiền chi nộp thuế, các khoản được hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp trừ khi các khoản này được phân loại là hoạt động tài chính hoặc hoạt động đầu tư;

(g) Tiền thu hoặc chi từ các hợp đồng được nắm giữ cho mục đích kinh doanh.

Một số giao dịch, như giao dịch bán một phần nhà máy, làm phát sinh một khoản lãi hoặc lỗ được ghi nhận trong báo cáo lãi/lỗ. Dòng tiền liên quan đến các giao dịch này là dòng tiền thuộc hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, tiền chi để xây dựng, mua sắm tài sản nắm giữ để cho thuê và sau đó nắm giữ để bán được quy định trong đoạn 68A của chuẩn mực kế toán quốc tế số 16 – bất động sản, máy móc, thiết bị là dòng tiền thuộc hoạt động kinh doanh. Các khoản tiền thu từ cho thuê và thu từ bán các tài sản này cũng được phân loại là dòng tiền thuộc hoạt động kinh doanh.

15. Một đơn vị có thể nắm giữ chứng khoán vốn, chứng khoán nợ cho mục đích kinh doanh, khi đó, các khoản đầu tư này cũng tương tự như hàng tồn kho được mua để bán lại. Do vậy, dòng tiền phát sinh từ việc mua và bán các chứng khoán kinh doanh được phân loại thuộc hoạt động kinh doanh. Tương tự, các khoản tiền ứng trước, các khoản nợ do các tổ chức tài chính thực hiện cũng được phân loại thuộc hoạt động kinh doanh vì chúng liên quan đến các hoạt động tạo ra doanh thu chủ yếu của các đơn vị này.

Hoạt động đầu tư

16. Việc trình bày riêng biệt các dòng tiền thuộc hoạt động đầu tư là quan trọng vì các dòng tiền này phản ánh các khoản chi tiêu cho các nguồn lực tạo ra thu nhập và dòng tiền tương lai. Chỉ các khoản chi tiêu được ghi nhận thành tài sản trên báo cáo về tình hình tài chính mới có thể được phân loại thuộc hoạt động đầu tư. Ví dụ về các dòng tiền thuộc hoạt động đầu tư bao gồm:

(a) Tiền chi mua sắm, xây dựng bất động sản, máy móc thiết bị, tài sản vô hình và các tài sản dài hạn khác. Các khoản thanh toán này bao gồm các chi phí triển khai được vốn hóa và bất động sản, máy móc thiết bị tự xây dựng;

(b) Tiền thu từ thanh lý, nhượng bán bất động sản, máy móc, thiết bị, tài sản vô hình và các tài sản dài hạn khác;

(c) Tiền chi mua các công cụ nợ, công cụ vốn chủ của các đơn vị khác và góp vốn vào liên doanh (ngoại trừ các khoản thanh toán cho các công cụ được phân loại là tương đương tiền hoặc được nắm giữ cho mục đích thương mại);

(d) Tiền thu từ bán các công cụ nợ, công cụ vốn chủ của các đơn vị khác và thu hồi vốn góp vào liên doanh (ngoại trừ các khoản thanh toán cho các công cụ được phân loại là tương đương tiền hoặc được nắm giữ cho mục đích thương mại);

(e) Tiền chi cho vay đối với các bên khác (ngoại trừ các khoản cho vay của các tổ chức tài chính);

(f) Tiền thu hồi cho vay đối với các bên khác (ngoại trừ các khoản cho vay của các tổ chức tài chính);

(g) Tiền chi cho các hợp đồng tương lai, hợp đồng kì hạn, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng hoán đổi, trừ trường hợp các hợp đồng này được nắm giữ cho mục đích thương mại hoặc các khoản thanh toán được phân loại thuộc hoạt động tài chính.

(h) Tiền thu từ các hợp đồng tương lai, hợp đồng kì hạn, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng hoán đổi, trừ trường hợp các hợp đồng này được nắm giữ cho mục đích thương mại hoặc các khoản thanh toán được phân loại thuộc hoạt động tài chính.

Khi một hợp đồng được kế toán như một sự phòng ngừa cho một trạng thái nhất định thì dòng tiền của hợp đồng được phân loại phù hợp với dòng tiền của trạng thái được phòng ngừa.

Hoạt động tài chính

17. Việc trình bày riêng biệt các dòng tiền thuộc hoạt động tài chính là quan trọng vì nó hữu ích trong việc dự báo các dòng tiền tương lai từ những người cung cấp vốn cho đơn vị. Ví dụ về các dòng tiền thuộc hoạt động tài chính bao gồm:

(a) Tiền thu từ phát hành cổ phiếu hoặc các công cụ vốn chủ khác;

(b) Tiền chi trả cho chủ sở hữu từ việc mua lại cổ phiếu;

(c) Tiền thu từ việc phát hành trái khoán, trái phiếu, các khoản vay có thế chấp, các khoản vay ngắn hạn và dài hạn khác;

(d) Tiền chi trả các khoản nợ vay;

(e) Tiền chi bởi bên đi thuê để thanh toán khoản nợ liên quan đến thuê tài sản.

Báo cáo các dòng tiền thuộc hoạt động kinh doanh

18. Đơn vị phải báo cáo các dòng tiền thuộc hoạt động kinh doanh theo một trong các phương pháp sau:

(a) Phương pháp trực tiếp, theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu về tiền thu, tiền chi gộp được trình bày, hoặc

(b) Phương pháp gián tiếp, theo đó, lãi hoặc lỗ được điều chỉnh cho ảnh hưởng của các giao dịch không bằng tiền, các khoản phân bổ hoặc dồn tích liên quan đến các khoản tiền chi, tiền thu trong quá khứ hoặc tương lai, các khoản thu nhập hoặc chi phí liên quan đến hoạt động đầu tư hoặc hoạt động tài chính.

19. Đơn vị được khuyến khích báo cáo về các dòng tiền thuộc hoạt động kinh doanh theo phương pháp trực tiếp. Phương pháp này cung cấp thông tin hữu ích để dự báo dòng tiền tương lai mà phương pháp gián tiếp không thể cung cấp. Theo phương pháp trực tiếp, thông tin về các dòng tiền chủ yếu được lập như sau:

(a) Tổng hợp từ các ghi chép kế toán của đơn vị;

(b) Điều chỉnh doanh thu, giá vốn hàng bán (tiền lãi và các khoản thu nhập tương tự, chi phí tiền lãi và chi phí tương tự đối với một tổ chức tín dụng) và các khoản mục khác trên báo cáo kết quả toàn diện cho:

  • (i) Thay đổi trong kì của hàng tồn kho, các khoản phải thu và phải trả;
  • (ii) Các khoản mục không bằng tiền khác;
  • (iii) Các khoản mục khác mà ảnh hướng của tiền thuộc dòng tiền đầu tư và dòng tiền tài chính.

20. Theo phương pháp gián tiếp, dòng tiền thuần thuộc hoạt động kinh doanh được xác định bằng cách điều chỉnh lãi hoặc lỗ cho ảnh hưởng của:

(a) Thay đổi trong kì của hàng tồn kho, các khoản phải thu, phải trả thuộc hoạt động kinh doanh;

(b) Các khoản mục không bằng tiền như khấu hao, các khoản dự phòng, thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại, chênh lệch tỷ giá hối đoái chưa thực hiện, lợi nhuận chưa phân phối từ các công ty liên kết; và

(c) Các khoản mục khác (mà ảnh hưởng của tiền) thuộc dòng tiền đầu tư hoặc dòng tiền tài chính.

Ngoài ra, dòng tiền thuần thuộc hoạt động kinh doanh có thể được trình bày theo phương pháp gián tiếp bằng cách trình bày các khoản doanh thu và chi phí trên báo cáo thu nhập toàn diện và những thay đổi trong  kì của hàng tồn kho, các khoản phải thu, phải trả thuộc hoạt động kinh doanh.

Báo cáo dòng tiền thuộc hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính

21. Đơn vị phải báo cáo riêng biệt các chỉ tiêu chủ yếu về các khoản tiền thu, tiền chi gộp phát sinh từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính, trừ các trường hợp các dòng tiền được mô tả trong đoạn 22 và 24 được trình bày trên cơ sở thuần.

Báo cáo dòng tiền trên cơ sở thuần

22. Các dòng tiền sau đây, phát sinh từ hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính, được báo cáo trên cơ sở thuần:

(a) Các khoản thu hộ, chi hộ khách hàng phản ảnh dòng tiền liên quan đến hoạt động của khách hàng hơn là các hoạt động của đơn vị; và

(b) Các khoản tiền thu, chi có vòng quay nhanh, số lượng lớn và thời gian đáo hạn ngắn.

23. Ví dụ về các khoản tiền thu, chi được đề cập trong đoạn 22 (a) bao gồm:

(a) Tiền gửi và tiền rút từ tài khoản không kì hạn ở ngân hàng;

(b) Các quỹ mà đơn vị quản lý quỹ đầu tư nắm giữ cho khách hàng;

(c) Tiền thuê thu hộ và chi trả cho chủ sở hữu tài sản.

23A. Ví dụ về các khoản thu, chi được đề cập trong đoạn 22 (b) gồm các khoản ứng trước và thanh toán cho:

(a) Tiền vay liên quan đến thẻ tín dụng của khách hàng;

(b) Mua và bán các khoản đầu tư;

(c) Các khoản vay ngắn hạn khác có thời hạn thanh toán không quá 3 tháng.

24. Các dòng tiền thuộc một trong các hoạt động sau của tổ chức tín dụng có thể được báo cáo trên cơ sở thuần:

(a) nhận và thanh toán các khoản tiền gửi có kì hạn với thời gian đáo hạn cố định;

(b) Gửi tiền và rút tiền gửi từ các tổ chức tài chính khác;

(c) Các khoản ứng trước, cho vay và thanh toán, thu hồi các khoản ứng trước, cho vay với khách hàng

Dòng tiền liên quan đến ngoại tệ

25.  Dòng tiền phát sinh từ các giao dịch có gốc ngoại tệ được ghi nhận theo đồng tiền chức năng của đơn vị bằng việc áp dụng tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền chức năng và ngoại tệ tại  ngày phát sinh dòng tiền.

26.  Dòng tiền của công ty con ở nước ngoài phải được chuyển đổi theo tỷ giá giữa đồng tiền chức năng và ngoại tệ tại ngày phát sinh.

27. Dòng tiền có gốc ngoại tệ phải được báo cáo theo cách thức phù hợp với chuẩn mực kế toán số 21 – Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái. Chuẩn mực này cho phép áp dụng tỷ giá xấp xỉ với tỷ giá thực tế. Ví dụ, tỷ giá bình quân gia quyền của một kì có thể được áp dụng để ghi nhận các giao dịch có gốc ngoại tệ hoặc chuyển đổi dòng tiền của các công ty con ở nước ngoài. Tuy nhiên, chuẩn mực 21 không cho phép sử dụng tỷ giá cuối kì báo cáo để chuyển đổi dòng tiền của công ty con ở nước ngoài.

28. Các khoản lãi/lỗ chưa thực hiện do thay đổi tỷ giá hối đoái không phải là dòng tiền. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá đối với các khoản tiền và tương đương tiền có gốc ngoại tệ được trình bày trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ để đối chiếu các khoản tiền, tương đương tiền đầu kì và cuối kì. Khoản mục này được trình bày riêng biệt, tách khỏi các dòng tiền thuộc hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính và bao gồm các khoản chênh lệch mà các dòng tiền này được báo cáo theo tỷ giá cuối kì (nếu có).

29. (đã xóa)

30. (đã xóa)

Các khoản tiền lãi và cổ tức

31. Dòng tiền về các khoản tiền lãi, cổ tức được nhận hoặc thanh toán phải được trình bày riêng biệt. Các dòng tiền này được phân loại thuộc hoạt động kinh doanh hay hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính theo cách thức nhất quán giữa các kì.

32. Tổng các khoản lãi vay chi trả trong kì được công bố trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ bất kể chúng được ghi nhận là chi phí trên báo cáo lãi/lỗ hay được vốn hóa theo quy định của chuẩn mực kế toán quốc tế số 23 – chi phí đi vay.

33. Lãi vay đã trả, lãi vay và cổ tức đã nhận thường được phân loại thuộc hoạt động kinh doanh đối với một tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, cách phân loại này không áp dụng với các đơn vị khác. Lãi vay đã trả, lãi vay và cổ tức đã nhận có thể được phân loại thuộc hoạt động kinh doanh vì các khoản này được ghi nhận để xác định lãi/lỗ. Ngoài ra, các khoản này có thể được phân loại thuộc hoạt động tài chính và hoạt động đầu tư vì chúng là chi phí huy động các nguồn tài chính hoặc thu nhập từ hoạt động đầu tư.

34. Cổ tức đã trả có thể được phân loại thuộc hoạt động tài chính vì chúng là chi phí huy động nguồn lực tài chính. Ngoài ra, cổ tức đã trả cũng có thể được phân loại thuộc hoạt động kinh doanh nhằm giúp người sử dụng thông tin đánh giá khả năng chi trả cổ tức của đơn vị từ dòng tiền kinh doanh.

Thuế thu nhập

35. Dòng tiền phát sinh từ thuế thu nhập phải được trình bày riêng biệt và được phân loại thuộc hoạt động kinh doanh trừ khi chúng liên quan trực tiếp, riêng biệt tới hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.

36. Thuế thu nhập phát sinh từ các giao dịch liên quan đến dòng tiền thuộc hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Trong khi chi phí thuế có thể xác định riêng biệt liên quan đến hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính thì dòng tiền về thuế thường khó phân loại và có thể phát sinh không cùng kì với dòng tiền của giao dịch liên quan. Do vậy, tiền thuế đã nộp thường được phân loại thuộc hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, khi có thể xác định được dòng tiền nộp thuế gắn với từng giao dịch cụ thể thuộc hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính thì dòng tiền thuế tương ứng cũng được phân loại thuộc hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Khi dòng tiền thuế được phân bổ cho nhiều hơn một hoạt động thì đơn vị phải thuyết minh về tổng số thuế đã nộp.

Đầu tư vào công ty con, công ty liên kết và liên doanh

37. Khi kế toán khoản đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh hoặc công ty con theo phương pháp vốn chủ sở hữu hoặc phương pháp giá gốc, nhà đầu tư giới hạn báo cáo, trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, đối với các dòng tiền giữa nhà đầu tư và bên nhận vốn đầu tư, ví dụ, các khoản cổ tức hoặc ứng trước.

38. Đơn vị báo cáo lợi ích trong công ty liên kết, liên doanh theo phương pháp vốn chủ sở hữu thì trình bày trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ đối với các dòng tiền về các khoản đầu tư của nó vào công ty liên kết, liên doanh cũng như dòng tiền về các khoản phân phối, các khoản thanh toán khác giữa bên đầu tư và công ty liên kết, liên doanh.

Thay đổi lợi ích của chủ sở hữu trong công ty con và các đơn vị kinh doanh khác

39. Dòng tiền tổng hợp phát sinh từ việc đạt được hoặc mất quyền kiểm soát đối với công ty con hoặc đơn vị kinh doanh khác phải được trình bày riêng biệt và phân loại thuộc hoạt động đầu tư.

40.  Đơn vị phải công bố, số tổng hợp, về việc đạt được hay mất đi quyền kiểm soát công ty con hoặc đơn vị kinh doanh khác trong kì đối với mỗi khoản mục sau:

(a) Tổng các khoản thanh toán nhận được hoặc chi trả;

(b) Phần được thanh toán bằng tiền và các khoản tương đương tiền;

(c) Lượng tiền và tương đương tiền của công ty con hoặc các đơn vị kinh doanh khác mà đơn vị đạt được hoặc mất đi quyền kiểm soát;

(d) Giá trị của tài sản, nợ phải trả không phải là tiền, tương đương tiền của công ty con hoặc các đơn vị kinh doanh khác mà đơn vị đạt được hoặc mất quyền kiểm soát, được tổng hợp theo từng khoản mục chủ yếu.

40A. Đơn vị quản lý quỹ đầu tư, như định nghĩa tại chuẩn mực quốc tế về báo cáo tài chính 10 – báo cáo tài chính hợp nhất, không phải áp dụng đoạn 40 (c) hoặc 40 (d) đối với khoản đầu tư vào công ty con được quy định ghi nhận theo giá trị hợp lý qua báo cáo lãi/lỗ.

41. Trình bày riêng biệt ảnh hưởng của dòng tiền liên quan đến việc đạt được hoặc mất quyền kiểm soát công ty con hoặc đơn vị kinh doanh khác như một khoản mục đơn lẻ, cùng với việc công bố thông tin riêng biệt về giá trị tài sản, nợ phải trả đã mua hoặc thanh lý, giúp phân biệt các dòng tiền này với các dòng tiền thuộc hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Ảnh hưởng của dòng tiền liên quan đến việc mất quyền kiểm soát không được bù trừ với dòng tiền đạt được quyền kiểm soát.

42. Số tổng hợp của các khoản tiền chi trả hoặc nhận được để đạt được hoặc mất quyền kiểm soát công ty con hoặc các đơn vị kinh doanh khác được báo cáo trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo số thuần của tiền và tương đương tiền đã mua hoặc thanh lý như một phần của các giao dịch, sự kiện hoặc thay đổi bối cảnh.

42A. Dòng tiền phát sinh từ việc thay đổi lợi ích của chủ sở hữu trong công ty con mà không dẫn đến mất quyền kiểm soát phải được phân loại là dòng tiền thuộc hoạt động tài chính trừ khi công ty con được nắm giữ bởi một Đơn vị quản lý quỹ đầu tư, được định nghĩa trong IFRS 10, được ghi nhận theo giá trị hợp lý qua báo cáo lãi/lỗ.

42B. Thay đổi lợi ích của chủ sở hữu trong công ty con mà không dẫn đến mất quyền kiểm soát, như giao dịch mua bổ sung, bán bớt của công ty mẹ đối với các công cụ vốn của công ty con, được kế toán như một giao dịch liên quan đến vốn chủ sở hữu (xem IFRS 10) trừ khi công ty con được nắm giữ bởi một đơn vị quản lý quỹ đầu tư và được ghi nhận theo giá trị hợp lý qua báo cáo lãi/lỗ. Theo đó, dòng tiền có liên quan được phân loại cùng cách thức với các giao dịch với chủ sở hữu khác như mô tả ở đoạn 17.

Các giao dịch không bằng tiền

43. Các giao dịch về đầu tư và tài chính không sử dụng tiền hoặc tương đương tiền được loại trừ ra khỏi báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Thay vào đó, các giao dịch này được công bố trong báo cáo tài chính theo cách thức có thể cung cấp đầy đủ thông tin thích hợp về hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.

44.  Nhiều hoạt động đầu tư và tài chính không có ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền hiện tại mặc dù chúng có ảnh hưởng đến cấu trúc vốn và tài sản của đơn vị. Việc loại trừ các giao dịch không bằng tiền ra khỏi báo cáo lưu chuyển tiền tệ là phù hợp với mục đích của báo cáo vì các khoản mục này không liên quan đến các dòng tiền của kì hiện tại. Ví dụ về các giao dịch không bằng tiền bao gồm:

(a) Mua các tài sản làm phát sinh trực tiếp các khoản nợ phải trả hoặc dưới hình thức thuê tài sản.

(b) Mua một đơn vị dưới hình thức phát hành cổ phiếu;

(c) Chuyển các khoản nợ thành vốn chủ sở hữu.

Thay đổi các khoản nợ phải trả phát sinh từ hoạt động tài chính

44A. Đơn vị phải cung cấp thông tin giúp người sử dụng báo cáo cáo tài chính đánh giá được thay đổi của các khoản nợ phải trả phát sinh từ hoạt động tài chính, bao gồm cả thay đổi về dòng tiền và thay đổi không bằng tiền.

44 B. Xét theo khía cạnh nhằm thỏa mãn các quy định ở đoạn 44A, đơn vị phải công bố các thay đổi về nợ phải trả từ hoạt động tài chính gồm:

(a) Thay đổi về dòng tiền tài chính;

(b) Thay đổi liên quan đến việc đạt được hoặc mất quyền kiểm soát đối với công ty con và các đơn vị kinh doanh khác;

(c) ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá hối đoái;

(d) thay đổi về giá trị hợp lý;

(e) các thay đổi khác.

44C. Các khoản nợ phải trả phát sinh từ hoạt động tài chính là các khoản nợ liên quan đến các dòng tiền quá khứ và dòng tiền tương lai, được phân loại trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ là dòng tiền thuộc hoạt động tài chính. Hơn nữa, yêu cầu công bố thông tin trong đoạn 44A cũng áp dụng đối với các tài sản tài chính (ví dụ, tài sản phòng ngừa cho nợ phải trả phát sinh từ hoạt động tài chính) nếu dòng tiền từ các tài sản tài chính này đã được hoặc sẽ được bao gồm trong hoạt động tài chính.

44D. Một cách thức để đáp ứng yêu cầu thuyết minh của đoạn 44A là đối chiếu giữa số dư đầu kì và cuối kì trên báo cáo tình hình tài chính đối với các khoản nợ phải trả phát sinh từ các hoạt động tài chính, bao gồm các thay đổi được xác định ở đoạn 44B. Khi đơn vị công bố về sự đối chiếu này, nó sẽ cung cấp thông tin cho người sử dụng báo cáo tài chính đủ để liên kết các khoản mục được đối chiếu với báo cáo tình hình tài chính và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

44E. Nếu đơn vị thực hiện thuyết minh theo yêu cầu của đoạn 44A kết hợp với thuyết minh về những thay đổi của tài sản và nợ phải trả khác, nó cũng phải thuyết minh về những thay đổi về nợ phải trả phát sinh từ hoạt động tài chính tách biệt khỏi những thay đổi về các tài sản và nợ phải trả khác này.

Cấu thành của tiền và tương đương tiền

45. Đơn vị phải thuyết minh về các khoản tiền và tương đương tiền và trình bày thông tin đối chiếu của các khoản mục này trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ với các khoản mục tương tự trình bày trên báo cáo tình hình tài chính.

46. Do thực tiễn công tác quản trị tiền và hoạt động ngân hàng trên thế giới rất đa dạng và để phù hợp với IAS 1trình bày báo cáo tài chính, đơn vị phải công bố chính sách được áp dụng để xác định cấu thành của tiền và tương đương tiền.

47. Ảnh hưởng của việc thay đổi chính sách xác định cấu thành của tiền và tương đương tiền, ví dụ như, thay đổi trong cách phân loại các công cụ tài chính trước đó được ghi nhận là một phần của danh mục đầu tư, được báo cáo phù hợp với IAS 8chính sách kế toán, thay đổi ước tính kế toán và sai sót.

Các thuyết minh khác

48. Đơn vị phải thuyết minh, cùng với giải trình của ban lãnh đạo, các số dư tiền, tương đương tiền quan trọng được nắm giữ bởi đơn vị khác mà tập đoàn không sẵn sàng sử dụng.

49. Có rất nhiều tình huống, trong đó số dư tiền, tương đương tiền do đơn vị khác nắm giữ mà tập đoàn không sẵn sàng sử dụng. Ví dụ như số dư tiền, tương đương tiền được nắm giữ bởi một công ty con hoạt động ở một quốc gia có sự kiểm soát chặt chẽ ngoại hối hoặc có các hạn chế về pháp lý dẫn đến các khoản tiền này không thể sẵn sàng sử dụng đối với công ty mẹ hoặc các công ty con khác.

50. Các thông tin bổ sung có thể sẽ thích hợp đối với người sử dụng báo cáo tài chính để hiểu tình trạng tài chính và tính thanh khoản của đơn vị. Việc công bố các thông tin này, cùng với các giải trình của ban lãnh đạo, được khuyến khích và có thể bao gồm:

(a) Giá trị các công cụ vay sẵn sàng cho hoạt động kinh doanh tương lai và để thanh toán các khoản cam kết vốn liên quan đến các hạn chế của các công cụ này.

(b) (đã xóa)

(c) Số tổng hợp của các dòng tiền phản ánh sự gia tăng của quy mô hoạt động tách biệt với các dòng tiền cần có để duy trì quy mô hoạt động;

(d) Các dòng tiền phát sinh từ hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính của mỗi bộ phận phải báo cáo (xem IFRS 8các bộ phận báo cáo)

51. Thuyết minh riêng biệt về các dòng tiền phản ảnh sự gia tăng của quy mô hoạt động với các dòng tiền cần có để duy trì quy mô hoạt động là hữu ích cho người sử dụng báo cáo xác định liệu đơn vị đã đầu tư đủ để duy trì quy mô hoạt động của nó hay chưa. Một đơn vị chưa đầu tư đủ để duy trì quy mô hoạt động có thể phải hy sinh khả năng sinh lời tương lai vì tính thanh khoản và phân phối cho chủ sở hữu hiện tại.

52. Việc thuyết minh về luồng tiền bộ phận giúp người sử dụng báo cáo có hiểu biết tốt hơn về mối quan hệ giữa tổng thể dòng tiền của đơn vị với dòng tiền của từng bộ phận cũng như tính sẵn có và khả năng biến động của các dòng tiền bộ phận này.

Ngày hiệu lực

53. Chuẩn mực này có hiệu lực cho các báo cáo tài chính lập cho kì kế toán bắt đầu vào ngày hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 1994.

54. Chuẩn mực kế toán quốc tế số 27 (sửa đổi năm 2008) đã sửa đổi các đoạn từ 39 đến 42, bổ sung thêm các đoạn 42A và 42B. Đơn vị phải áp dụng các đoạn sửa đổi này cho các kì kế toán năm bắt đầu vào ngày hoặc sau ngày 1 tháng 7 năm 2009. Nếu đơn vị áp dụng IAS 27 (sửa đổi năm 2008) cho kì kế toán sớm hơn thì các sửa đổi này phải được áp dụng cho kì kế toán đó. Các quy định được sửa đổi phải được áp dụng hồi tố.

55. Đoạn 14 đã được sửa đổi bởi bản sửa đổi IFRS ban hành tháng 5 năm 2008. Đơn vị phải áp dụng các quy định sửa đổi này cho kì kế toán năm bắt đầu vào ngày hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 2009. Việc áp dụng sớm cũng được phép thực hiện. Khi đơn vị áp dụng các quy định sửa đổi này cho kì sớm hơn thì phải công bố và áp dụng cả đoạn 68A của IAS 16.

56. Đoạn 16 được sửa đổi bởi bản sửa đổi IFRS ban hành tháng 4 năm 2009. Đơn vị phải áp dụng các quy định sửa đổi này cho kì kế toán năm bắt đầu vào ngày hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 2010. Việc áp dụng sớm cũng được phép thực hiện. Đơn vị áp dụng các quy định sửa đổi này cho kì sớm hơn thì phải công bố về việc áp dụng này.

57.  IFRS 10IFRS 11thỏa thuận chung, ban hành tháng 5 năm 2011, sửa đổi đoạn 37, 38 và 42B và xóa bỏ đoạn 50(b). Đơn vị phải áp dụng các quy định sửa đổi này khi áp dụng IFRS 10IFRS 11.

58. Các đơn vị quản lý quỹ đầu tư (sửa đổi cho IFRS 10, IFRS 12IAS 27) ban hành tháng 10 năm 2012, sửa đổi đoạn 42A và 42B, bổ sung thêm đoạn 40A. Đơn vị phải áp dụng các quy định sửa đổi này cho kì kế toán năm bắt đầu vào ngày hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 2014. Việc áp dụng sớm quy định về đơn vị quản lý quỹ đầu tư cũng được phép thực hiện. Đơn vị áp dụng các quy định sửa đổi này sớm hơn thì phải áp dụng tất cả các sửa đổi trong quy định về đơn vị quản lý quỹ đầu tư cùng một thời điểm.

59. IFRS 16thuê tài sản, ban hành tháng 1 năm 2016, sửa đổi đoạn 17 và 44. Đơn vị phải áp dụng các sửa đổi này khi áp dụng IFRS 16.

60. Quy định về thuyết minh (sửa đổi cho IAS 7), ban hàng tháng 1 năm 2016, bổ sung thêm đoạn 44A đến 44E. Đơn vị phải áp dụng các quy định sửa đổi này cho kì kế toán năm bắt đầu vào ngày hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 2017. Việc áp dụng sớm cũng được phép thực hiện. Đơn vị áp dụng lần đầu các quy định sửa đổi này không bắt buộc phải cung cấp thông tin so sánh cho các kì kế toán trước đó.

61. IFRS 17hợp đồng bảo hiểm, ban hành tháng 5 năm 2017, sửa đổi đoạn 14. Đơn vị phải áp dụng các sửa đổi này khi áp dụng IFRS 17.

Scroll to Top