Truy cập Trang thông tin tổng hợp về IAS 26 để xem Tóm tắt, Chuẩn mực tiếng Anh, bản dịch tiếng Việt và các bài viết liên quan
Phạm vi
1. Chuẩn mực này sẽ được áp dụng trong các báo cáo tài chính của các Quỹ phúc lợi hưu trí trong trường hợp các báo cáo tài chính như thế được soạn lập.
2. Các Quỹ phúc lợi hưu trí đôi khi được tham chiếu đến dùng một số tên gọi khác như “quỹ lương hưu”, “chương trình hưu bổng” hay “chương trình phúc lợi hưu trí”. Chuẩn mực này coi một Quỹ phúc lợi hưu trí như một đơn vị báo cáo độc lập với các bên sử dụng lao động của các thành viên tham gia quỹ này. Tất cả các chuẩn mực kế toán khác áp dụng cho báo cáo tài chính của các Quỹ phúc lợi hưu trí trong phạm vi mà không được quy định bởi chuẩn mực này.
3. Chuẩn mực này điều chỉnh các vấn đề về kế toán và báo cáo của quỹ đối với tất cả các thành viên tham gia trên cơ sở một nhóm. Chuẩn mực này không điều chỉnh các báo cáo riêng cho từng cá nhân tham gia chương trình hưu trí về các quyền lợi hưu trí của các cá nhân này.
4. Chuẩn mực Kế toán Quốc tế IAS 19 – Lợi ích của Người lao động quan tâm đến việc xác định chi phí của các khoản phúc lợi hưu trí trong báo cáo tài chính của người sử dụng lao động có chương trình. Vì vậy, chuẩn mực này bổ sung cho chuẩn mực IAS 19.
5. Các Quỹ phúc lợi hưu trí có thể là quỹ phúc lợi với mức đóng góp xác định hoặc quỹ phúc lợi với mức phúc lợi xác định. Nhiều hình thức quỹ phúc lợi yêu cầu việc thành lập các quỹ riêng, có thể có hoặc không có tư cách pháp nhân riêng và có thể có hoặc không có bên nhận ủy thác giám hộ, để nhận đóng góp cũng như chi trả các khoản phúc lợi hưu trí. Chuẩn mực này vẫn được áp dụng dù quỹ phúc lợi có thành lập quỹ riêng hay không hoặc có bên nhận ủy thác giám hộ các quỹ này hay không.
6. Các Quỹ phúc lợi hưu trí có các tài sản được đầu tư vào các công ty bảo hiểm phải tuân thủ theo các yêu cầu về kế toán và gây quỹ tương tự như các thỏa thuận đầu tư riêng. Do đó, các quỹ này vẫn nằm trong phạm vi áp dụng của chuẩn mực này trừ khi hợp đồng với công ty bảo hiểm được đứng tên bởi một thành viên tham gia cụ thể hoặc một nhóm các thành viên tham gia và nghĩa vụ về phúc lợi hưu trí là trách nhiệm của riêng công ty bảo hiểm.
7. Chuẩn mực này không áp dụng đối với các hình thức phúc lợi lao động khác như bồi thường chấm dứt việc làm, thỏa thuận chậm bồi thường, phúc lợi nghỉ phép theo thâm niên, các quỹ đặc biệt về nghỉ hưu sớm hoặc dự phòng thôi việc, các quỹ về chăm sóc sức khỏe và phúc lợi hoặc các quỹ khen thưởng. Các dạng thỏa thuận về bảo hiểm xã hội của Chính phủ cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của chuẩn mực này.
Định nghĩa
8. Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:
Quỹ phúc lợi hưu trí là các thỏa thuận trong đó đơn vị cung cấp phúc lợi cho người lao động trong hoặc sau khi chấm dứt phục vụ (dưới hình thức thu nhập hàng năm hoặc khoán một khoản tiền) khi những khoản phúc lợi đó hoặc các khoản đóng góp của người sử dụng lao động cho các quỹ này có thể được xác định hoặc ước tính trước khi người lao động nghỉ hưu dựa trên tài liệu hoặc thực tiễn tại đơn vị.
Quỹ phúc lợi với mức đóng góp xác định là các quỹ phúc lợi hưu trí mà các khoản chi trả cho phúc lợi hưu trí được xác định dựa trên các khoản đóng góp cùng với các khoản thu nhập từ đầu tư của trên đó.
Quỹ phúc lợi với mức phúc lợi xác định là các quỹ phúc lợi hưu trí mà số tiền chi trả cho phúc lợi hưu trí được xác định bằng cách tham chiếu đến một công thức tính toán thường dựa trên thu nhập của người lao động và/hoặc số năm làm việc.
Gây quỹ là việc chuyển tài sản cho một đơn vị (quỹ) tách biệt với đơn vị sử dụng lao động để đáp ứng các nghĩa vụ trong tương lai cho việc thanh toán các khoản phúc lợi hưu trí.
Trong phạm vi của chuẩn mực này, các thuật ngữ dưới đây cũng được sử dụng:
Thành viên tham gia là các thành viên tham gia quỹ phúc lợi hưu trí và các thành viên khác nhận các khoản phúc lợi từ quỹ này.
Giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi là tổng giá trị tài sản trừ tổng nợ phải trả của quỹ, không phải là giá trị hiện tại dựa trên mô hình thống kê của các khoản phúc lợi hưu trí cam kết.
Giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê là giá trị hiện tại của các khoản thanh toán dự kiến theo kế hoạch phúc lợi hưu trí cho người lao động hiện tại và trước đây, dựa trên đóng góp của người lao động đó.
Phúc lợi được nhận là khoản phúc lợi, quyền được nhận khoản phúc lợi, dưới điều khoản của quỹ phúc lợi hưu trí, không phụ thuộc vào việc cá nhân có tiếp tục làm việc nữa hay không.
9. Một số Quỹ phúc lợi hưu trí có các bên tài trợ không phải là người sử dụng lao động; Chuẩn mực này cũng áp dụng với các báo cáo tài chính của những quỹ này.
10. Phần lớn các Quỹ phúc lợi hưu trí dựa trên các thỏa thuận chính thức. Một số quỹ phúc lợi không chính thức nhưng có một mức độ các nghĩa vụ phát sinh do thực tiễn tại bên sử dụng lao động. Mặc dù một số quỹ phúc lợi cho phép bên sử dụng lao động giới hạn nghĩa vụ của mình, bên sử dụng lao động khó có thể hủy bỏ một quỹ phúc lợi khi người lao động vẫn đang tiếp tục làm việc. Phương pháp Kế toán và Báo cáo áp dụng cho quỹ phúc lợi chính thức hay không chính thức là giống nhau.
11. Nhiều Quỹ phúc lợi hưu trí quy định việc thành lập các quỹ riêng để nhận đóng góp cũng như chi trả các khoản phúc lợi. Những quỹ này có thể được quản lý bởi các bên hoạt động độc lập trong việc quản lý tài sản quỹ. Những bên độc lập này được gọi là bên nhận ủy thác ở một số quốc gia. Thuật ngữ “bên nhận ủy thác” được sử dùng trong chuẩn mực này nhằm mô tả những bên như thế và không phụ thuộc vào việc ủy thác có được hình thành hay không.
12. Quỹ phúc lợi hưu trí thường được mô tả là quỹ phúc lợi với mức đóng góp xác định hoặc quỹ phúc lợi với mức phúc lợi xác định với các đặc điểm riêng biệt. Trong một vài trường hợp, quỹ phúc lợi có cả đặc điểm của cả hai loại hình quỹ này. Những quỹ phúc lợi lai như vậy được coi là quỹ phúc lợi với mức phúc lợi xác định trong chuẩn mực này.
Quỹ phúc lợi với mức đóng góp xác định
13. Báo cáo tài chính của quỹ phúc lợi với mức đóng góp xác định bao gồm báo cáo về giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi và mô tả về chính sách gây quỹ.
14. Trong quỹ phúc lợi với mức đóng góp xác định, giá trị phúc lợi của thành viên tham gia nhận được trong tương lai được xác định bằng các khoản đóng góp từ bên sử dụng lao động, các thành viên tham gia, hoặc cả hai đối tượng trên; và từ hiệu quả hoạt động và các thu nhập đầu tư của quỹ. Nghĩa vụ của bên sử dụng lao động thường sẽ được hoàn thành thông qua việc đóng góp vào quỹ. Thông thường không yêu cầu tư vấn của chuyên gia thống kê mặc dù những tư vấn này trong vài trường hợp được sử dụng để ước tính các khoản phúc lợi trong tương lai có thể nhận được dựa trên các khoản đóng góp hiện tại, mức độ thay đổi của các khoản đóng góp trong tương lai và thu nhập từ đầu tư.
15. Các thành viên tham gia thường quan tâm đến hoạt động của quỹ phúc lợi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ trong tương lai. Các thành viên tham gia quỹ phúc lợi muốn biết liệu các khoản đóng góp đã được nhận và công tác kiểm soát phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của người thụ hưởng đã được thực hiện chưa. Bên sử dụng lao động quan tâm đến sự hiệu quả và hợp lý trong hoạt động của quỹ.
16. Mục đích của việc báo cáo của một quỹ phúc lợi với mức đóng góp xác định là nhằm định kỳ cung cấp thông tin về quỹ và hiệu quả của các khoản đầu tư của quỹ. Để đạt được mục tiêu này, báo cáo tài chính cần cung cấp các yếu tố sau:
(a) Mô tả về các hoạt động quan trọng trong kỳ và ảnh hưởng của bất cứ thay đổi nào liên quan đến quỹ phúc lợi, quan hệ thành viên, các điều khoản và điều kiện;
(b) Báo cáo về các giao dịch và hiệu quả hoạt động đầu tư trong kỳ, và tình hình tài chính của quỹ tại thời điểm cuối kỳ; và
(c) Mô tả về các chính sách đầu tư.
Quỹ phúc lợi với mức phúc lợi xác định
17. Báo cáo tài chính của quỹ phúc lợi với mức phúc lợi xác định sẽ bao gồm:
(a) Báo cáo trình bày:
(i) Giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi;
(ii) Giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê, phân biệt giữa các khoản phúc lợi nhận được và các khoản phúc lợi chưa nhận được; và
(iii) Phần thặng dư hoặc thâm hụt của quỹ; hoặc
(b) Báo cáo về giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi bao gồm:
(i) Thuyết minh về giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê, phân biệt giữa các khoản phúc lợi nhận được và các khoản phúc lợi chưa nhận được; hoặc
(ii) Tham chiếu đến thông tin này trên một báo cáo thống kê đính kèm.
Trường hợp việc định giá theo mô hình thống kê chưa được thực hiện tại ngày lập báo cáo tài chính, định giá gần nhất sẽ được sử dụng làm cơ sở và ngày định giá được trình bày.
18. Với mục đích được đề cập như trong đoạn 17, giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê phải căn cứ trên giá trị phúc lợi được cam kết theo các điều khoản của quỹ dựa trên thời gian làm việc của người lao động tới nay sử dụng mức lương hiện tại hoặc mức lương dự kiến và thuyết minh cơ sở tính toán được sử dụng. Ảnh hưởng của bất cứ thay đổi nào trong các giả định của mô hình thống kê mà có tác động trọng yếu đến giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê sẽ được thuyết minh.
19. Báo cáo tài chính sẽ trình bày mối quan hệ giữa giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê và giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi, cũng như chính sách trích lập quỹ cho các khoản phúc lợi đã được cam kết.
20. Với quỹ phúc lợi với mức phúc lợi xác định, việc chi trả các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết phụ thuộc vào tình hình tài chính của quỹ, khả năng đóng góp của các bên đóng góp trong tương lai cho quỹ cũng như hiệu quả hoạt động đầu tư và hiệu quả hoạt động của quỹ.
21. Quỹ phúc lợi với mức phúc lợi xác định cần định kỳ tham vấn chuyên gia thống kê để đánh giá tình trạng tài chính của quỹ, xem xét lại các giả định và khuyến nghị các mức đóng góp trong tương lai.
22. Mục đích báo cáo quỹ phúc lợi với mức phúc lợi xác định nhằm định kỳ cung cấp thông tin hữu ích về các nguồn lực tài chính và hoạt động của quỹ trong việc đánh giá mối quan hệ giữa nguồn vốn lũy kế và các khoản phúc lợi của quỹ qua thời gian. Để đạt được mục tiêu này, báo cáo tài chính cần cung cấp các yếu tố sau:
(a) Mô tả về các hoạt động quan trọng trong kỳ và ảnh hưởng của bất cứ thay đổi nào liên quan đến quỹ phúc lợi, quan hệ thành viên, các điều khoản và điều kiện;
(b) Báo cáo về các giao dịch và hiệu quả hoạt động đầu tư trong kỳ, và tình hình tài chính của quỹ tại thời điểm cuối kỳ;
(c) Các thông tin theo mô hình thống kê như một phần của báo cáo tái chinh hoặc là một báo cáo riêng; và
(d) Mô tả về các chính sách đầu tư.
Giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê
23. Giá trị hiện tại của các khoản chi trả dự tính từ Quỹ phúc lợi hưu trí có thể tính toán và báo cáo dựa trên mức lương hiện tại hoặc mức lương dự kiến đến thời điểm nghỉ hưu của các thành viên tham gia.
24. Các lý do cho việc áp dụng cách tiếp cận theo mức lương hiện tại bao gồm:
(a) Giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê, là tổng giá trị của các khoản phúc lợi hiện các thành viên tham gia quỹ có thể được hưởng, có thể được tính toán một cách khách quan hơn so với tính theo mức lương dự kiến vì phương pháp này sử dụng ít các giả định hơn;
(b) Mức tăng các khoản phúc lợi do tăng lương trở thành nghĩa vụ phát sinh của quỹ tại thời điểm tăng lương; và
(c) Giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê được đo lường dựa trên mức lương hiện tại thường liên quan mật thiết đến các khoản phải trả trong trường hợp quỹ tất toán hoặc dừng hoạt động.
25. Các lý do cho việc áp dụng cách tiếp cận theo mức lương dự kiến bao gồm:
(a) Thông tin tài chính nên được lập dựa trên nguyên tắc hoạt động liên tục, không phụ thuộc vào việc các giả định và ước tính nào được thực hiện;
(b) Theo kế hoạch chi trả quỹ cuối cùng, các khoản phúc lợi thường được xác định dựa trên các mức lương tại hoặc gần thời điểm nghỉ hưu, vì vậy lương, mức đóng góp và tỷ suất sinh lời đều phải được dự tính; và
(c) Việc không đưa mức lương dự kiến vào trong tính toán, trong khi hầu hết việc gây quỹ đều dựa trên mức lương dự kiến, có thể dẫn đến tình trạng báo cáo thừa quỹ trong khi quỹ không thừa hoặc báo cáo đủ quỹ trong khi quỹ bị thiếu.
26. Giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê theo mức lương hiện tại được thuyết minh trong báo cáo tài chính của quỹ để thể hiện nghĩa vụ với các khoản phúc lợi đến ngày lập báo cáo tài chính. Giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê dựa trên mức lương dự kiến được thuyết minh nhằm thể hiện mức độ của các nghĩa vụ tiềm tàng dựa trên nguyên tắc hoạt động liên tục, thường là cơ sở để gây quỹ. Ngoài việc thuyết minh giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê, các giải thích đầy đủ cần được bổ sung để làm rõ ngữ cảnh mà giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê cần được hiểu. Những giải thích này có thể dưới hình thức các thông tin về tính đầy đủ của việc gây quỹ dự tính trong tương lai và chính sách gây quỹ dựa trên mức lương dự kiến. Phần thuyết minh này có thể bao gồm trong báo cáo tài chính hoặc trong báo cáo của chuyên gia thống kê.
Tần suất định giá theo mô hình thống kê
27. Ở nhiều quốc gia, việc định giá theo mô hình thống kê không được thực hiện nhiều hơn một lần cho mỗi ba năm. Nếu việc định giá theo mô hình thống kê chưa được thực hiện tại ngày lập báo cáo tài chính, việc định giá gần nhất sẽ được sử dụng làm cơ sở và ngày định giá được trình bày.
Nội dung báo cáo tài chính
28. Với quỹ phúc lợi với mức phúc lợi xác định, thông tin được trình bày theo một trong những cách sau nhằm thể hiện các thực tiễn khác nhau trong việc công bố và trình bày thông tin theo mô hình thống kê:
(a) Một báo cáo trong báo cáo tài chính thể hiện giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi, giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê và khoản thặng dư hay thâm hụt của quỹ. Báo cáo tài chính của quỹ cũng bao gồm báo cáo về các sự thay đổi trong giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi và giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê. Báo cáo tài chính có thể đi kèm với một báo cáo riêng của chuyên gia thống kê nhằm bổ sung các thông tin về giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê;
(b) Báo cáo tài chính bao gồm một báo cáo về giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi và một báo cáo về các sự thay đổi trong giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi. Giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê được công bố trong phần thuyết minh. Báo cáo tài chính cũng có thể đi kèm với báo cáo riêng của chuyên gia thống kê nhằm bổ sung các thông tin về giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê; và
(c) Báo cáo tài chính bao gồm một báo cáo về giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi và một báo cáo về các sự thay đổi trong giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi cùng với thông tin giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê nằm trong một báo cáo riêng theo mô hình thống kê.
Trong mỗi hình thức báo cáo một báo cáo của bên nhận ủy thác có tính chất là một báo cáo quản trị hay là báo cáo của hội đồng quản trị và báo cáo đầu tư có thể đính kèm với báo cáo tài chính.
29. Những người ủng hộ các hình thức báo cáo được mô tả trong đoạn 28(a) và (b) cho rằng việc định lượng các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết và các thông tin khác được cung cấp dưới các cách tiếp cận này giúp người sử dụng báo cáo có thể đánh giá được tình hình hiện tại của quỹ phúc lợi và khả năng thực hiện các nghĩa vụ của quỹ. Họ cũng cho rằng các báo cáo tài chính cần hoàn chỉnh và không nên dựa vào các báo cáo đi kèm khác. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng các hình thức báo cáo được mô tả trong đoạn 28(a) có thể gây ấn tượng là có một khoản nợ phải trả tồn tại, trong khi giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê lại không có các tính chất của một khoản nợ phải trả.
30. Những người ủng hộ hình thức báo cáo được mô tả trong đoạn 28(c) cho rằng giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê không nên bao gồm trong báo cáo về giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi như dưới hình thức được mô tả trong đoạn 28(a) hoặc thậm chí được thể hiện trong thuyết minh theo đoạn 28(b), vì người đọc sẽ so sánh giá trị này trực tiếp với giá trị tài sản của quỹ trong khi việc so sánh này có thể không đúng. Họ cho rằng các chuyên gia thống kê không nhất thiết so sánh giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê với giá trị thị trường của các khoản đầu tư nhưng thay vào đó có thể đánh giá giá trị hiện tại của dòng tiền dự kiến từ các khoản đầu tư này. Vì vậy, những người ủng hộ hình thức báo cáo này cho rằng việc so sánh như vậy có thể không phản ánh được đánh giá tổng thể về quỹ của chuyên gia thống kê và có thể dẫn tới hiểu nhầm. Đồng thời, một số người cũng cho rằng dù có được định lượng hay không, thông tin về các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết chỉ nên được thể hiện trong báo cáo riêng của chuyên gia thống kê cùng với các giải thích phù hợp liên quan.
31. Chuẩn mực này chấp thuận các quan điểm ủng hộ việc cho phép trình bày thông tin liên quan đến các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết thể hiện trong báo cáo riêng của chuyên gia thống kê. Chuẩn mực bác bỏ những tranh luận liên quan đến việc định lượng giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê. Do đó, những hình thức báo cáo được mô tả trong đoạn 28(a) và 28(b) được coi như là có khả năng chấp nhận được theo chuẩn mực này, như là một báo cáo được mô tả trong đoạn 28(c) nếu như báo cáo tài chính bao gồm tham chiếu đến, và đi kèm với, một báo cáo theo mô hình thống kê trong đó bao gồm các thông tin về giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê.
Quy định chung đối với các quỹ
Định giá tài sản của quỹ
32. Các khoản đầu tư của quỹ phúc lợi hữu trí được ghi nhận theo giá trị hợp lý. Trong trường hợp các khoản đầu tư này là chứng khoán giao dịch trên thị trường, giá trị hợp lý là giá trị thị trường. Trường hợp các khoản đầu tư của quỹ được nắm giữ không thể ước tính được giá trị hợp lý, cần thuyết minh lý do tại sao không thể sử dụng giá trị hợp lý.
33. Trong trường hợp các chứng khoán có thể giao dịch trên thị trường, giá trị hợp lý thường là giá thị trường vì đây được coi là đại lượng đo lường hữu ích nhất với các chứng khoán tại ngày lập báo cáo và với hiệu quả đầu tư trong kỳ báo cáo. Những chứng khoán có giá trị hoàn trả cố định và được mua nhằm phù hợp với thanh toán các nghĩa vụ của quỹ, hoặc một phần, có thể được ghi nhận dựa trên giá trị hoàn trả cuối cùng với giả định tỷ suất sinh lời không thay đổi đến khi đáo hạn. Trường hợp các khoản đầu tư của quỹ được nắm giữ không thể ước tính được giá trị hợp lý, ví dụ như tổng giá trị sở hữu của một doanh nghiệp, cần thuyết minh lý do tại sao không thể sử dụng giá trị hợp lý. Trường hợp các khoản đầu tư được ghi nhận theo các giá trị khác giá trị thị trường hoặc giá trị hợp lý, giá trị hợp lý cũng thường cần được thuyết minh. Các tài sản sử dụng trong các hoạt động của quỹ được hạch toán theo quy định của các chuẩn mực có liên quan.
Trình bày báo cáo tài chính
34. Báo cáo tài chính của một Quỹ phúc lợi hưu trí, gồm quỹ phúc lợi với mức đóng góp xác định và quỹ phúc lợi với mức phúc lợi xác định, cần bao gồm những thông tin sau:
(a) Báo cáo về các sự thay đổi trong giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi;
(b) Tóm tắt các chính sách kế toán chủ yếu; và
(c) Mô tả về quỹ và ảnh hưởng của bất cứ các thay đổi nào của quỹ trong kỳ.
35. Báo cáo tài chính của Quỹ phúc lợi hưu trí cũng bao gồm những thông tin sau, nếu có:
(a) Báo cáo về giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi bao gồm:
Phân loại tài sản phù hợp tại thời điểm cuối kỳ báo cáo;
(i) Cơ sở định giá tài sản;
(ii) Chi tiết các khoản đầu tư vượt quá 5% giá trị tài sản thuần sẵn có cho các khoản phúc lợi hoặc 5% giá trị đầu tư của mỗi loại chứng khoán;
(iii) Chi tiết của các khoản đầu tư vào bên sử dụng lao động; và
(iv) Các khoản nợ phải trả khác ngoài giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê.
(b) Báo cáo về các sự thay đổi trong giá trị tài sản sẵn sàng cho các khoản phúc lợi bao gồm:
(i) Mức đóng góp của bên sử dụng lao động;
(ii) Mức đóng góp của người lao động;
(iii) Thu nhập từ đầu tư như lãi và cổ tức;
(iv) Thu nhập khác;
(v) Các khoản phúc lợi đã trả hoặc phải trả (phân tích chi tiết, ví dụ, hưu bổng, tử tuất hoặc chế độ cho thương tật và các khoản thanh toán khoán);
(vi) Chi phí quản lý;
(vii) Chi phí khác;
(viii) Thuế thu nhập;
(ix) Lãi hoặc lỗ từ việc thanh lý các khoản đầu tư và các thay đổi trong giá trị của các khoản đầu tư; và
(x) Việc điều chuyển vốn từ quỹ này sang quỹ khác.
(c) Mô tả chính sách trích lập quỹ;
(d) Đối với quỹ phúc lợi với mức phúc lợi xác định, giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê (có thể phân biệt giữa các khoản phúc lợi được nhận và các khoản phúc lợi chưa được nhận) dựa trên các lợi ích được cam kết theo các điều khoản của quỹ, theo thời gian làm việc của người lao động sử dụng mức lương hiện tại hoặc mức lương dự kiến; những thông tin này có thể được bao gồm trong một báo cáo riêng của chuyên gia thống kê kèm theo báo cáo tài chính liên quan; và
(e) Đối với quỹ phúc lợi với mức phúc lợi xác định, cần có mô tả về các giả định trọng yếu theo mô hình thống kê và phương pháp được sử dụng để tính giá trị hiện tại của các khoản phúc lợi hưu trí được cam kết dựa trên mô hình thống kê.
36. Báo cáo của Quỹ phúc lợi hưu trí bao gồm các thông tin mô tả về quỹ, có thể là một phần trong báo cáo tài chính hoặc trong một báo cáo riêng biệt. Các thông tin có thể bao gồm:
(a) Tên của các bên sử dụng lao động và nhóm người lao động tham gia quỹ;
(b) Số lượng của các thành viên tham gia sẽ nhận các phúc lợi và số lượng các thành viên tham gia khác, được phân loại phù hợp;
(c) Hình thức quỹ phúc lợi với mức đóng góp xác định hoặc mức phúc lợi xác định;
(d) Thuyết minh về các thành viên tham gia đóng góp vào quỹ;
(e) Mô tả về các phúc lợi hưu trí mà các thành viên tham gia được hưởng;
(f) Mô tả tất cả các điều khoản chấm dứt quỹ; và
(g) Các sự thay đổi trong các mục từ (a) đến (f) trong kỳ báo cáo.
Báo cáo thường có thể tham chiếu đến các tài liệu có sẵn với người sử dụng trong đó có các mô tả về quỹ và bao gồm các thông tin về những thay đổi sau đó.
Ngày hiệu lực
37. Chuẩn mực này sẽ có hiệu lực đối với báo cáo tài chính của Quỹ phúc lợi hưu trí áp dụng trong các thời kỳ bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 1988.