8 quy định VAS còn thiếu so với IFRS

 

Hiện nay, Việt Nam mới ban hành được 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) nên còn thiếu rất nhiều chuẩn mực so với thông lệ quốc tế như: các chuẩn mực về nông nghiệp, thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản, nhóm công cụ tài chính, giá trị hợp lý, tổn thất tài sản..

Khi các doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch kinh tế thuộc nhóm các chuẩn mực trên thì đều gặp khó khăn trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính do thiếu có cơ sở pháp lý để kế toán.

Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số quy định mà Hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) còn thiếu so với Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Bài viết được trích từ Đề án áp dụng IFRS vào Việt Nam của Bộ Tài chính.

Cập nhật ngày 11/01/2020: Sau khi bài viết được đăng tải, IFRS.VN đã nhận được một số đóng góp về thông tin chưa chính xác. Sau khi kiểm tra lại so với Chuẩn mực, IFRS.VN đã sửa lại bài viết nên một số thông tin sẽ khác với nội dung gốc tại Đề án. Cảm ơn bạn NguyenLong đã góp ý.

1. Quy định liên quan tới việc đánh giá lại tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý

Sự khác biệt giữa VAS và IFRS về việc ghi nhận theo giá trị hợp lý không phải ở thời điểm ghi nhận ban đầu mà ở thời điểm sau khi nhận ban đầu khi doanh nghiệp lập và trình bày báo cáo tài chính.

Sự thay đổi về giá trị hợp lý chưa được phản ánh theo VAS

Tại ngày báo cáo, VAS yêu cầu hầu hết tài sản và nợ phải trả vẫn ghi nhận theo giá gốc. Sự thay đổi về giá trị hợp lý chưa được phản ánh ngoại trừ trường hợp đánh giá lại  các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.

Có một số quan điểm cho rằng chứng khoán kinh doanh đã được đánh giá lại theo giá trị hợp lý dưới hình thức trích lập dự phòng giảm giá. Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng giảm giá cũng mới chỉ là ghi nhận một chiều sự thay đổi của giá trị hợp lý (chiều giảm) chứ chưa phải là quy định đầy đủ về đánh giá lại theo giá trị hợp lý như IFRS. Có thể tóm tắt một số tài sản và nợ phải trả chưa được đánh giá theo giá trị hợp lý theo IFRS như sau:

Tài sản / Nợ phải trảTheo VASTheo IFRS
Công cụ tài chính (gồm cả chứng khoán và công cụ phái sinh) nắm giữ vì mục đích kinh doanhGiá gốcGiá trị hợp lý
Công cụ tài chính phái sinh nắm giữ vì mục đích phòng ngừa rủi ro giá trị hợp lý hoặc phòng ngừa rủi ro luồng tiềnGiá gốcGiá trị hợp lý
Các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết nắm giữ bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ tương hỗGiá gốcGiá trị hợp lý
Bất động sản đầu tư (ngoại trừ trường hợp áp dụng mô hình giá gốc)Giá gốcGiá trị hợp lý
Tài sản sinh họcGiá gốcGiá trị hợp lý trừ chi phí bán
Sản phẩm nông nghiệp chưa qua chế biến tại thời điểm thu hoạchGiá gốcGiá trị hợp lý trừ chi phí bán
Tài sản dài hạn nắm giữ để bánGiá gốcGiá trị hợp lý trừ chi phí bán

2. Quy định về ghi nhận theo giá trị hiện tại, giá hiện hành, giá trị phân bổ, chiết khấu dòng tiền theo lãi suất hiệu lực

IFRS yêu cầu một số tài sản như các khoản phải thu, cho vay.. phải được ghi nhận theo giá phí phân bổ trên cơ sở xác định giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai.

VAS mặc dù có đề cập đến, nhưng chỉ là về mặt lý thuyết (trong VAS 14). Về mặt thực tế, vấn đề này chưa bao giờ được hướng dẫn nên bản chất nội dung này vẫn là một trong những sự khác biệt giữa 2 hệ thống.

3. Quy định liên quan đến kế toán Tài sản cố định

Nguyên giá TSCĐ

IFRS cho phép tính vào nguyên giá TSCĐ những chi phí có thể phát sinh trong tương lai như chi phí tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng của TSCĐ nhưng VAS không cho phép ghi nhận các chi phí này như một trong các yếu tố cấu thành nguyên giá TSCĐ.

Đánh giá lại TSCĐ tại thời điểm báo cáo

IAS 16 cho phép doanh nghiệp đánh giá lại tài sản tại thời điểm báo cáo, cụ thể:

  • Khi đánh giá tăng TSCĐ, phần đánh giá tăng được ghi nhận vào nguồn vốn sau khi đã bù trừ hết số được tổn thất tài sản ghi nhận là chi phí do đã đánh giá giảm trước đây;
  • Khi đánh giá giảm TSCĐ để ghi nhận tổn thất tài sản, phần đánh giá giảm được ghi nhận vào chi phí sau khi đã bù trừ hết số được ghi nhận trong nguồn vốn do đã đánh giá tăng trước đây.

Tuy nhiên, VAS 3 chỉ cho phép đánh giá lại TSCĐ trong trường hợp có quyết định của cơ quan Nhà nước, đưa tài sản đi góp vốn liên doanh, liên kết, chia tách, sáp nhập.

4. Quy định về ghi nhận tổn thất tài sản

Theo IAS 36, các tài sản như TSCĐ, BĐSĐT, các khoản đầu tư vào công ty con, liên doanh, liên kết, tài sản sinh học, quyền khai khoáng, các đơn vị tạo tiền, lợi thế thương mại.. phải được đánh giá và ghi nhận tổn thất (nếu có) vào báo cáo kết quả kinh doanh tại thời điểm báo cáo.

VAS chưa có quy định về đánh giá suy giảm tài sản

Tuy nhiên, tất cả yêu cầu này đều chưa được VAS đề cập đến hoặc xử lý một cách khác biệt trong Chế độ kế toán doanh nghiệp, cụ thể:

  • Theo Chế độ kế toán doanh nghiệp và cơ chế tài chính, doanh nghiệp được trích dự phòng đối với các khoản đầu tư vào công ty con, liên doanh, liên kết nếu các công ty này bị lỗ. Tuy nhiên, giá trị các khoản đầu tư bị tổn thất có thể cao hơn so với số lỗ trong kỳ của các công ty này;
  • Lợi thế thương mại được phân bổ 10 năm theo VAS nhưng IFRS yêu cầu xác định số tổn thất hàng năm chứ không phải tính trên cơ sở phân bổ dần đều.

5. Quy định về giao dịch thuê tài sản

IFRS 16 không phân biệt giao dịch cho thuê tài chính và cho thuê hoạt động. Thay vào đó, IFRS 16 chỉ phân biệt giao dịch cho thuê và giao dịch cung cấp dịch vụ. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp được ghi nhận cả tài sản thuê hoạt động trên báo cáo tài chính.

IFRS 16 yêu cầu ghi nhận cả tài sản thuê hoạt động trên Báo cáo

VAS 6 vẫn dựa trên IAS 17 cũ nên tất cả những sự thay đổi của IFRS 16 đều tạo sự khác biệt giữa 2 hệ thống.

6. Quy định về giao dịch hợp nhất kinh doanh

Lợi thế thương mại

IFRS 3 yêu cầu lợi thế thương mại phát sinh khi mua công ty con phải được tính cho cả phần của cổ đông không kiểm soát trong khi VAS 11 chỉ yêu cầu ghi nhận cho phần sở hữu của công ty mẹ.

Trong giao dịch hợp nhất kinh doanh qua nhiều giai đoạn, IFRS 3 quy định lợi thế thương mại chỉ được xác định 1 lần duy nhất tại ngày kiểm soát. Theo đó yêu cầu lợi thế thương mại phải được xác định trên cơ sở tài sản thuần của công ty con tại ngày kiểm soát và đánh giá lại giá phí những khoản đầu tư của công ty mẹ trước đây theo giá trị hợp lý tại ngày kiểm soát.

VAS yêu cầu xác định giá trị lợi thế thương mại là tổng giá trị lợi thế thương mại phát sinh tại từng lần trao đổi, tức là tài sản thuần của công ty con được xác định tại từng lần trao đổi và không yêu cầu đánh giá lại giá trị khoản đầu tư của công ty mẹ trong những lần trước đây theo giá trị hợp lý tại ngày kiểm soát.

Lợi ích cổ đông không kiểm soát

IFRS 3 yêu cầu lợi ích cổ đông không kiểm soát phải được ghi nhận tương ứng với phần lỗ mà họ gánh chịu kể cả khi phần lỗ này vượt quá phần sở hữu của cổ đông không kiểm soát trong tài sản thuần của công ty con (nghĩa là phần lợi ích cổ đông không kiểm soát có thể được ghi âm).

VAS 11 chỉ cho phép ghi nhận khoản lỗ cổ đông không kiểm soát gánh chịu tối đa bằng giá trị tài sản thuần mà họ sở hữu (không được ghi âm).

7. Một số giao dịch khác

Một số giao dịch chưa có căn cứ ghi nhận do VAS thiếu các Chuẩn mực quy định như:

– Chưa có căn cứ để ghi nhận các giao dịch thanh toán trên cơ sở cổ phiếu, khoản phúc lợi cho người lao động;

– Các tài sản sinh học và sản phẩm nông nghiệp hiện nay đang phải ghi nhận và trình bày cùng với hàng tồn kho hoặc TSCĐ mà chưa được ghi nhận riêng.

8. Quy định về Báo cáo tài chính

Đồng tiền chức năng

IAS 21 có quy định rõ về đồng tiền chức năng và phân biệt đồng tiền này với đồng tiền báo cáo. Về bản chất đồng tiền chức năng là đồng tiền ghi sổ kế toán.

VAS có đề cập đến điều này, tuy nhiên, VAS chưa làm rõ được sự khác biệt giữa đồng tiền chức năng và đồng tiền báo cáo. 

Xác định mối quan hệ giữa nhà đầu tư và bên được đầu tư

Khi xác định mối quan hệ giữa nhà đầu tư và bên được đầu tư, IFRS yêu cầu phải tính đến ảnh hưởng của quyền biểu quyết tiềm năng còn VAS chỉ đề cập đến quyền biểu quyết hiện tại mà chưa tính đến quyền biểu quyết tiềm năng.

Báo cáo thu nhập toàn diện khác (OCI)

VAS chưa đề cập đến báo cáo thu nhập toàn diện.

IAS 21 yêu cầu doanh nghiệp phải trình bày báo cáo thu nhập toàn diện khác dưới một trong hai hình thức: Là một báo cáo riêng hoặc là một phần của báo cáo kết quả kinh doanh.

Về bản chất, có một số khoản mục thỏa mãn định nghĩa của thu nhập hoặc chi phí do làm thay đổi quy mô vốn chủ sở hữu nhưng không được ghi nhận vào báo cáo kết quả kinh doanh, mà được trình bày trong báo cáo thu nhập toàn diện khác như:

  • Các khoản đánh giá lại TSCĐ khi áp dụng mô hình đánh giá lại;
  • Chênh lệch tỷ giá do chuyển đổi từ đồng tiền chức năng sang đồng tiền báo cáo;
  • Lãi và lỗ ghi nhận trong chương trình phúc lợi cho nhân viên với lợi ích được xác định;
  • Lãi và lỗ từ việc xác định lại giá trị của các tài sản tài chính sẵn sàng để bán;
  • Phần lãi và lỗ hiệu quả của các công cụ phòng ngừa rủi ro trong phòng ngừa rủi ro dòng tiền.

Báo cáo biến động vốn chủ sở hữu

IAS 1 quy định hệ thống báo cáo tài chính của doanh nghiệp bao gồm cả báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu tuy nhiên VAS 21 chỉ yêu cầu trình bày báo cáo này như một mục trong thuyết minh BCTC.

Trình bày tài sản sinh học, sản phẩm nông nghiệp tại thời điểm thu hoạch chưa qua chế biến, tài sản dài hạn nắm giữ để bán

IAS 41 yêu cầu tài sản sinh học, như cây lấy gỗ, súc vật sinh sản.. hoặc các sản phẩm nông nghiệp tại thời điểm thu hoạch phải được trình bày tách biệt với hàng tồn kho và TSCĐ. Đồng thời, IAS 02 và IAS 16 cũng loại trừ khỏi phạm vi áp dụng đối với các tài sản này.

Do chưa ban hành Chuẩn mực nông nghiệp nên hiện nay các tài sản sinh học và sản phẩm nông nghiệp tại thời điểm thu hoạch theo VAS đang được trình bày gộp với hoặc là hàng tồn kho hoặc là TSCĐ.

Báo cáo tài chính trong nền kinh tế siêu lạm phát

IAS có Chuẩn mực riêng để tình bày BCTC trong nền kinh tế siêu lạm phát trong khi Việt Nam chưa có yêu cầu về vấn đề này. Tuy nhiên sự khác biệt này chưa tạo ra ảnh hưởng trọng yếu trong thực tế vì nền kinh tế Việt Nam không rơi vào tình trạng siêu lạm phát nên việc chưa ban hành Chuẩn mực này về cơ bản không có tác động đến báo cáo tài chính của các doanh nghiệp.

Nguồn tham khảo:
Đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế vào Việt Nam, Bộ Tài chính


Chia sẻ bài viết với bạn bè:
Scroll to Top