Truy cập Trang thông tin tổng hợp về IAS 29 để xem Tóm tắt, Chuẩn mực tiếng Anh, bản dịch tiếng Việt và các bài viết liên quan
Phạm vi điều chỉnh
1. Chuẩn mực này được áp dụng cho Báo cáo tài chính, bao gồm cả Báo cáo tài chính hợp nhất, của doanh nghiệp có đồng tiền chức năng là đồng tiền của một nền kinh tế siêu lạm phát
2. Trong một nền kinh tế siêu lạm phát, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo tình hình tài chính bằng đồng nội tệ sẽ không có ích nếu không được điều chỉnh. Tiền mất sức mua theo một tỷ lệ nhất định làm cho việc so sánh giá trị của các giao dịch kinh tế tài chính phát sinh hoặc các các sự kiện diễn ra ở các thời điểm khác nhau, thậm chí là các thời điểm trong cùng một kỳ kế toán, bị sai lệch.
3. Chuẩn mực này không đưa ra một con số tuyệt đối để làm cơ sở xác định siêu lạm phát. Chuẩn mực xây dựng cơ sở để đánh giá khi nào việc điều chỉnh Báo cáo tài chính theo Chuẩn mực này là cần thiết. Một nền kinh tế siêu lạm phát có các đặc điểm sau:
(a) Người dân nói chung thích duy trì sự giàu bằng cách nắm giữa các tài sản phi tiền tệ hoặc bằng các ngoại tệ tương đối ổn định. Số tiền nắm giữ bằng nội tệ được đầu tư ngay lập tức để duy trì sức mua;
(b) Người dân nói chung tính toán một khoản tiền không bằng đồng nội tệ mà bằng đồng ngoại tệ tương đối ổn định. Giá cả được niêm yết bằng một đồng ngoại tệ tương đối ổn định;
(c) Doanh thu bán hàng chưa thu tiền hoặc tiền mua hàng chưa trả ngay được tính toán ở mức giá cả bù đắp tổn thất sức mua trong khoảng thời gian cung cấp tín dụng, ngay cả khi khoảng thời gian cung cấp tín dụng này ngắn.
(d) Tỷ lệ lãi suất, tiền công, giá cả đều liên kết với chỉ số giá cả; và
(e) Tỷ lệ lạm phát lũy kế trong ba năm xấp xỉ hoặc vượt quá 100%
4. Chuẩn mực này nên được áp dụng cùng một thời điểm cho các doanh nghiệp sử dụng đồng tiền của nền kinh tế siêu lạm phát để lập Báo cáo tài chính. Mặc dù vậy, Chuẩn mực này cũng được áp dụng cho doanh nghiệp xác định được sự tồn tại siêu lạm phát ở quốc gia mà doanh nghiệp sử dụng đồng tiền của quốc gia đó để lập Báo cáo tài chính ngay ở đầu kỳ báo cáo.
Điều chỉnh báo cáo tài chính
5. Giá cả thay đổi theo thời gian là kết quả của các yếu tố chính trị, kinh tế và xã hội bao gồm cả các yếu tố cụ thể và yếu tố chung. Những yếu tố cụ thể như thay đổi cung cầu và thay đổi công nghệ có thể gây ra sự tăng giá hoặc giảm giá đáng kể của các mặt hàng đơn lẻ một cách độc lập với nhau. Bên cạnh đó, yếu tố chung có thể dẫn đến việc thay đổi mức giá chung và vì vậy có thể dẫn đến sự thay đổi sức mua chung của đồng tiền.
6. Doanh nghiệp lập Báo cáo tài chính theo phương pháp giá gốc không xem xét sự thay đổi mức giá chung hoặc việc tăng giá đơn lẻ của các tài sản và nợ phải trả đã được ghi nhận, trừ các tài sản và nợ phải cần phải được đo lường theo giá trị hợp lý. Ví dụ, bất động sản, nhà máy, thiết bị thường được yêu cầu đánh giá lại theo giá trị hợp lý và các tài sản sinh học thường được đo lường theo tía trị hợp lý. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trình bày Báo cáo tài chính theo phương pháp giá hiện hành phản ánh được tác động của việc thay đổi chỉ số giá cụ thể đến tài sản đang năm giữ.
7. Trong nền kinh tế siêu lạm phát, Báo cáo tài chính lập theo phương pháp giá gốc hay phương pháp giá hiện hành chỉ có ích nếu Báo cáo tài chính được thể hiện theo đơn vị đo lường hiện hành cuối kỳ báo cáo. Vì vậy, Chuẩn mực này áp dụng cho Báo cáo tài chính của doanh nghiệp lập báo cáo bằng đồng tiền của nền kinh tế siêu lạm phát. Doanh nghiệp không được phép trình bày thông tin theo yêu cầu của Chuẩn mực này như là thông tin bổ sung cho các Báo cáo tài chính đã được điều chỉnh. Hơn nữa, doanh nghiệp không nên trình bày các báo cáo tài chính một cách riêng biệt trước khi công bố Báo cáo tài chính được điều chỉnh.
8. Báo cáo tài chính của môt doanh nghiệp có đồng tiền chức năng là đơn vị tiền tệ của một nền kinh tế siêu lạm phát được thể hiện theo đơn vị đo lường hiện hành cuối kỳ báo cáo dù Báo cáo tài chính được lập theo phương pháp giá gốc hay phương pháp giá hiện hành. Những con số tương ứng của kỳ báo cáo trước đó được yêu cầu bởi IAS1 Trình bày Báo cáo tài chính (được điều chỉnh năm 2007) và bất kỳ thông tin nào về các kỳ báo cáo trước đó cũng được thể hiện theo đơn vị đo lường hiện hành cuối kỳ báo cáo. Để trình bày so sánh các khoản mục trên Báo cáo tài chính thể hiện qua một đồng tiền khác, doanh nghiệp áp dụng đoạn 42(b) và 43 của IAS 21 Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái.
9. Lãi hoặc lỗ của vị thế tiền tệ ròng được trình bày trong Báo cáo lãi hoặc lỗ và khoản lãi hoặc lỗ này được công bố một cách riêng rẽ.
10. Việc điều chỉnh báo cáo tài chính theo Chuẩn mực này yêu cầu áp dụng một số thủ tục và đánh giá. Việc áp dụng nhất quán các thủ tục và đánh giá giữa các kỳ báo cáo quan trọng hơn độ chính xác tuyệt đối của các con số tính toán trong Báo cáo tài chính điều chỉnh.
Báo cáo tài chính theo phương pháp giá gốc
Báo cáo tình hình tài chính
11. Các khoản mục trên Báo cáo tình hình tài chính chưa thể hiện theo đơn vị đo lường hiện hành cuối kỳ báo cáo được điều chỉnh theo chỉ số giá chung.
12. Các khoản mục tiền tệ không được điều chỉnh do các khoản mục này đã được thể hiện theo đơn vị đo lường hiện hành cuối kỳ báo cáo. Khoản mục tiền tệ bao gồm tiền do doanh nghiệp nắm giữ và các khoản phải phu phải trả bằng tiền.
13. Tài sản và nợ phải trả bị ràng buộc bởi thỏa thuận liên quan đến sự thay đổi về giá, chẳng hạn như trái phiếu và khoản vay bị ràng buộc theo thỏa thuận về chỉ số giá, được điều chỉnh theo thỏa thuận để xác định số dư vào cuối kỳ báo cáo. Giá trị của các khoản mục này sau khi điều chỉnh theo thỏa thuận sẽ được phản ánh trên Báo cáo tình hình tài chính.
14. Tất cả các khoản mục tài sản và nợ phải trả khác là phi tiền tệ. Một số khoản mục phi tiền tiền tệ được ghi nhận theo giá trị hiện hành cuối kỳ báo cáo thì không phải điều chỉnh, ví dụ như các khoản mục đã ghi nhận theo giá trị thuần có thể thực hiện được và giá trị hợp lý. Tất cả các khoản mục tài sản và nợ phải trả phi tiền tệ khác đều phải được điều chỉnh.
15. Đối với các khoản mục phi tiền tệ được ghi nhận theo giá gốc trên Báo cáo tình hình tài chính được điều chỉnh điều chỉnh theo chỉ số giá chung từ ngày mua tài sản đến cuối kỳ báo cáo. Ví dụ, tài sản, nhà xưởng, và thiết bị, hàng tồn kho là nguyên vật liệu và hàng hóa, lợi thế thương mại, bằng sáng chế, nhãn hiệu, hoặc các tài sản tương tự được điều chỉnh từ ngày mua. Hàng tồn kho là sản phẩm dở dang và thành phẩm được điều chỉnh từ ngày mua và ngày hoàn thành sản phẩm.
16. Hồ sơ chi tiết về ngày mua của các hạng mục tài sản, nhà xưởng và thiết bị có thể không có sẵn hoặc không thể ước tính. Trong những trường hợp này, trong kỳ đầu tiên áp dụng Chuẩn mực này, việc điều chỉnh giá trị các khoản mục trên có thể dựa trên đánh giá độc lập của chuyên gia.
17. Chỉ số giá chung có thể không có sẵn cho kỳ báo cáo mà bất động sản, nhà xưởng và thiết bị phải được điều chỉnh theo quy định của Chuẩn mực này. Trong trường hợp này, doanh nghiệp có thể sử dụng chỉ số giá ước tính dựa trên biến động của tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền chức năng và một ngoại tệ tương đối ổn định như là một ví dụ.
18. Một số khoản mục phi tiền tệ được ghi nhận theo giá trị hiện hành tại thời điểm khác với thời điểm mà doanh nghiệp sở hữu các khoản mục phi tiền tệ này hoặc khác với thời điểm lập Báo cáo tình hình tài chính ví dụ như bất động sản, nhà xưởng, thiết bị đươc đánh giá lại. Trong trường hợp này, giá trị còn lại của các khoản mục phi tiền tệ này được điều chỉnh kể từ ngày đánh giá lại.
18. Theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế khác, giá trị điều chỉnh của một khoản mục phi tiền tệ bị giảm xuống khi giá trị điều chỉnh này lớn hơn giá trị có thể thu hồi. Ví dụ, bất động sản, nhà xưởng và thiết bị, lợi thế thương mại, bằng sáng chế và nhãn hiệu được điều chỉnh xuống bằng giá trị có thể thu hồi và hàng tồn kho được điều chỉnh giảm xuống bằng giá trị thuần có thể thực hiện được.
19. Một nhà đầu tư hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu có thể báo cáo bằng đồng tiền của nền kinh tế siêu lạm phát. Nhà đầu tư này phải trình bày Báo cáo tình hình tài chính và Báo cáo thu nhập toàn diện theo Chuẩn mực này để tính toán cổ phần trong tổng tài sản thuần và lãi hoặc lỗ của mình. Khi Báo cáo tài chính điều chỉnh của nhà đầu tư được thể hiện bằng ngoại tệ, Báo cáo tài chính này sẽ được chuyển đổi theo tỷ giá hối đoái cuối kỳ.
20. Tác động của lạm phát thường đươc ghi nhận trong chi phí đi vay. Không được điều chỉnh giá gốc của tài sản cho phần giá trị do lạm phát gây ra trong kỳ đối với số vốn vay tài trợ cho việc mua sắm tài sản và không được vốn hóa phần giá trị do lạm phát gây ra trong kỳ đối chi phí đi vay của khoản vay để tài trợ cho tài sản. Phần giá trị gây ra bởi lạm phát này của chi phí đi vay được ghi nhận là chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ mà chi phí đi vay đó phát sinh.
21. Doanh nghiệp có thể sở hữu tài sản theo một thỏa thuận cho phép trì hoãn thanh toán mà không phải chịu bất kỳ một khoản lãi suất trực tiếp. Trong trường hợp không thể xác định số tiền lãi, các tài sản này được điều chỉnh giá trị từ ngày thanh toán chứ không phải ngày mua.
21. [xóa]
22. Vào đầu kỳ đầu tiên áp dụng Chuẩn mực này, các khoản mục thuộc vốn chủ sở hữu được điều chỉnh theo chỉ số giá chung từ ngày các các khoản này phát sinh, trừ lợi nhuận còn lại và thặng dư do đánh giá lại các khoản mục vốn chủ sở hữu. Các khoản thặng dư do đánh giá lại các khoản mục vốn chủ sở hữu của kỳ báo cáo trước được xóa bỏ. Lợi nhuận còn lại được điều chỉnh trên cơ sở tất cả các khoản mục khác của Báo cáo tình hình tài chính điều chỉnh.
23. Cuối kỳ báo cáo đầu tiên và các kỳ báo cáo tiếp theo, tất cả các khoản mục thuộc vốn chủ sở hữu được điều chỉnh theo chỉ số giá chung từ đầu kỳ báo cáo hoặc ngày gớp vốn, nếu thời điểm góp vốn diễn ra sau thời điểm đầu kỳ báo cáo. Các biến động về thời gian của các khoản mục vốn chủ sở hữu được công khai theo IAS 1.
Báo cáo thu nhập toàn diện
24. Tiêu chuẩn này yêu cầu tất cả các khoản mục trong Báo cáo thu nhập toàn được thể hiện theo đơn vị đo lường hiện hành vào cuối kỳ báo cáo. Do đó, tất cả các khoản mục cần được điều chỉnh theo thay đổi của chỉ số giá chung kể từ ngày thu nhập và chi phí được ghi nhận lần đầu tiên trên Báo cáo tài chính.
Lãi hoặc lỗ của vị thế tiền tệ ròng (net monetary position)
25. Trong thời kỳ lạm phát, doanh nghiệp mất sức mua nếu tài sản tiền tệ lớn hơn nợ phải trả tiền tệ và doanh nghiệp có sức mua nếu nợ phải trả tiền tệ lớn hơn tài sản tiền tệ khi mà tài sản và nợ phải trả không liên quan đến mức. Lãi hoặc lỗ của vị thế tiền tệ ròng là sự khác biệt có thể phát sinh từ việc điều chỉnh các tài sản phi tiền tệ, vốn chủ sở hữu và các khoản mục của Báo cáo thu nhập toàn diện cũng như viêc điều chỉnh chỉ số giá chung liên quan đến tài sản và nợ phải trả. Lãi hoặc lỗ có thể được ước tính theo thay đổi của chỉ số giá chung theo phương pháp bình quân gia quyền khi kỳ báo cáo của tài sản tiền tệ và nợ phải trả tiền tệ khác nhau.
26. Lãi hoặc lỗ của vị thế tiền tệ ròng được thể hiện trong Báo cáo lãi hoặc lỗ. Điều chỉnh các tài sản và nợ phải trả bị ràng buộc bởi các thỏa thuận thay đổi về giá quy định tại đoạn 13 được loại trừ ra khỏi lãi hoặc lỗ của vị thế tiền tệ ròng. Các khoản mục thu nhập và chi phí khác, ví dụ như thu nhập từ tiền lãi, chi phí lãi vay, chênh lệch tỷ giá hối đoái liên quan đến các quỹ đầu tư hoặc khoản vay, cũng liên quan đến vị thế tiền tệ ròng. Mặc dù các khoản mục được công khai riêng rẽ, việc trình bày các khoản lãi hoặc lỗ của vị thế tiền tệ ròng cùng nhau trên Báo cáo thu nhập toàn diện sẽ có ích hơn.
Báo cáo tài chính lập theo giá hiện hành
Báo cáo tình hình tài chính
27. Các khoản mục thể hiện theo giá hiện hành không được điều chỉnh bởi vì các khoản mục này đã thể hiện theo đơn vị đo lường hiện hành cuối kỳ báo cáo. Những khoản mục khác của Báo cáo tình hình tài chính được điều chỉnh theo quy định tại đoạn 11 và 25 của Chuẩn mực này.
Báo cáo thu nhập toàn diện
28. Trước khi điều chỉnh, Báo cáo thu nhập toàn diện theo giá hiện hành nhìn chung thường lập theo giá hiện hành tại thời điểm mà các giao dịch hoặc sự kiện liên quan các khoản mục trên Báo cáo thu nhập toàn diện phát sinh. Giá vốn hàng bán và khấu hao phản ánh tại giá hiện tại tại thời điểm tiêu thụ nguồn lực; doanh thu và các chi phí sản xuất kinh doanh khác được ghi nhận theo giá trị tại thời điểm phát sinh. Vì thế, toàn bộ các khoản mục được điều chỉnh về đơn vị đo lường hiện hành ở cuối kỳ báo cáo theo chỉ số giá chung.
Lãi hoặc lỗ của vị thế tiền tệ ròng
29. Lãi hoặc lỗ của vị thế tiền tệ ròng được kế toán theo quy định tại đoạn 27 và 28 của Chuẩn mực này.
Thuế
30. Điều chỉnh Báo cáo tài chính theo quy định của Chuẩn mực này có thể dẫn đến chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của từng tài sản và nợ phải trả trên Báo cáo tình hình tài chính và cơ sở tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Các chênh lệch này được kế toán theo quy định tại Chuẩn mực kế toán quốc tế số 12 Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
31. Chuẩn mực này yêu cầu toàn bộ các khoản mục của Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được thể hiện bằng đơn vị đo lường hiện hành cuối kỳ báo cáo.
Con số tương ứng
32. Số liệu tương ứng của của kỳ báo cáo trước được điều chỉnh theo chỉ số giá chung để các Báo cáo tài chính so sánh được trình bày theo đơn vị đo lường hiện hành cuối kỳ báo cáo cho cả Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được lập theo phương pháp giá gốc hay giá hiện hành. Thông tin công khai ở kỳ báo cáo trước đó cũng được thể hiện theo đơn vị đo lường hiện hành cuối kỳ báo cáo. Để trình so sánh các khoản mục của Báo cáo lưu chuyển tiền tệ thể hiện bằng theo một đồng tiền khác, doanh nghiệp vận dùng đoạn 42 (b) và 43 của Chuẩn mực kế toán quốc tế số 21.
Báo cáo tài chính hợp nhất
33. Công ty mẹ báo cáo bằng đơn vị tiền tệ của nền kinh tế siêu lạm phát có thể có các công ty con cũng báo cáo bằng các đơn vị tiền tệ của những nền kinh tế siêu lạm phát. Báo cáo của các công ty con này cần được điều chỉnh theo chỉ số giá chung của đồng tiền tại quốc gia mà công ty con báo cáo trước khi Báo cáo tài chính của công ty con được hợp nhất vào Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ. Nếu công ty con đó là công ty con ở nước ngoài thì Báo cáo tài chính của nó sẽ được điều chỉnh theo tỷ giá hối đoái cuối kỳ. Báo cáo tài chính của các công ty con không báo cáo bằng đơn vị tiền tệ của các nền kinh tế siêu lạm phát được xử lý theo Chuẩn mực kế toán quốc tế số 21.
34. Nếu Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ được lập từ các Báo cáo tài chính của các công ty con có thời điểm lập Báo cáo tài chính khác nhau, tất cả các khoản mục bao gồm cả khoản mục tiền tệ và phi tiền tệ cần được điều chỉnh về đơn vị đo lường hiện hành tại thời điểm lập Báo cáo tài chính hợp nhất.
Lựa chọn và sử dụng chỉ số giá chung
35. Điều chỉnh Báo cáo tài chính theo Chuẩn mực này yêu cầu sử dụng chỉ số giá chung phản ánh sự thay đổi của sức mua chung của đồng tiền. Chỉ số giá chung được lựa chọn nên là chỉ số giá chung mà tất cả các doanh nghiệp của nền kinh tế sử dụng.
Nền kinh tế không còn siêu lạm phát
36. Khi nền kinh tế không còn siêu lạm phát và doanh nghệp không tiếp tục chuẩn bị và trình bày Báo cáo tài chính theo Chuẩn mực này, các khoản mục trên Báo cáo tài chính được thể hiện theo đơn vị đo lường hiện hành cuối kỳ báo cáo trước là cơ sở cho giá trị ghi sổ của Báo cáo tài chính kỳ báo cáo tiếp theo.
Công khai thông tin
37. Các thông tin được công khai bao gồm:
(a) Báo cáo tài chính và các con số tương ứng theo đơn vị đo lường hiện hành cuối kỳ báo cáo từ việc điều chỉnh Báo cáo tài chính và các con số tương ứng do thay đổi sức mua chung của đồng tiền chức năng;
(b) Báo cáo tài chính lập trên cơ sở giá gốc hay giá hiện tại;
(c) Loại và mức độ của chỉ số giá cuối kỳ báo cáo và sự biến động của chỉ số giá kỳ báo cáo hiện tại và kỳ báo cáo trước.
38. Chuẩn mực này yêu cầu công khai thông tin cần phải nêu rõ cơ sở tính toán ảnh hưởng của lạm phát đối với Báo cáo tài chính. Những thông tin cần thiết khác để hiểu cơ sở tính toán ảnh hưởng của lạm phát và các khoản mục được điều chỉnh trên Báo cáo tài chính cũng phải được công khai.
Ngày có hiệu lực
39. Chuẩn mực này có hiệu lưc đối với các Báo cáo tài chính kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1990