IAS 20 – Kế toán các khoản trợ cấp của Chính phủ và công bố thông tin về sự hỗ trợ của Chính phủ


Bản dịch tiếng Việt của IAS 20 được cập nhật theo Bản dự thảo dịch tiếng Việt xin ý kiến của Bộ Tài chính (2019)
IAS 20 - Kế toán đối với nguồn tài trợ và trình bày sự hỗ trợ của chính phủ

Truy cập Trang thông tin tổng hợp về IAS 20 để xem Tóm tắt, Chuẩn mực tiếng Anh, bản dịch tiếng Việt và các bài viết liên quan

Phạm vi

1. Chuẩn mực này được áp dụng trong kế toán, và trong công bố (thông tin) về, các khoản trợ cấp của Chính phủ và trong công bố (thông tin) về các hình thức khác dưới dạng các khoản hỗ trợ của chính phủ.

2. Chuẩn mực này không áp dụng cho:

  1. Các vấn đề đặc biệt phát sinh trong kế toán các khoản trợ cấp của Chính phủ (được trình bày) trên các báo cáo tài chính phản ánh các tác động của sự thay đổi giá cả hoặc các vấn đề đặc biệt phát sinh trong kế toán các khoản trợ cấp Chính phủ khi có các thông tin bổ sung tương tự về bản chất (tương tự như sự thay đổi của giá cả).
  2. Trợ giúp của Chính phủ (được cấp) cho một đơn vị dưới hình thức các lợi ích sẵn sàng sử dụng để xác định lợi nhuận chịu thuế hoặc lỗ tính thuế, hoặc các lợi ích được sử dụng để giới hạn cơ sở tính thuế thu nhập phải trả. Các ví dụ của các lợi ích này là miễn thuế thu nhập, giảm thuế thu nhập cho các khoản đầu tư vào tài sản, cho phép khấu hao nhanh và giảm tỷ suất thuế thu nhập.
  3. Sự tham gia của chính phủ trong sở hữu của đơn vị
  4. Các khoản trợ cấp của Chính phủ được quy định tại Chuẩn mực kế toán quốc tế 41 Nông nghiệp.

Các định nghĩa

3. Các thuật ngữ được sử dụng trong Chuẩn mực này được hiểu như sau:

Chính phủ là thuật ngữ chỉ chính phủ, các cơ quan đại diện chính phủ và các cơ quan tương tự ở cấp địa phương, quốc gia hoặc quốc tế.

Hỗ trợ của chính phủ là hành động của chính phủ được thiết lập để cung cấp một lợi ích kinh tế cụ thể cho một đơn vị hoặc nhóm đơn vị đủ điều kiện theo các tiêu chí nhất định. Hỗ trợ của chính phủ cho mục đích của Chuẩn mực này không bao gồm các lợi ích (chỉ) được cung cấp (một cách) gián tiếp thông qua hành động tác động tới các điều kiện thương mại chung, như cung cấp cơ sở hạ tầng cho phát triển các khu vực/địa phương hoặc áp đặt các hạn chế thương mại lên các đối thủ cạnh tranh.

Trợ cấp của chính phủ là sự hỗ trợ của chính phủ dưới hình thức chuyển giao các nguồn lực cho một đơn vị để đổi lại sự tuân thủ trong quá khứ hoặc tương lai với những điều kiện nhất định liên quan tới các hoạt động của đơn vị đó. Các khoản này không bao gồm các khoản hỗ trợ của chính phủ mà không xác định được giá trị một cách phù hợp và những giao dịch với chính phủ mà không phân biệt được với các giao dịch kinh doanh bình thường của đơn vị.[1]

Trợ cấp liên quan tới tài sản là các khoản trợ cấp của chinh phủ mà điều kiện chính của chúng là đơn vị đủ điều kiện nhận trợ cấp sẽ phải mua, xây dựng hoặc bằng các hình thức khác để có được tài sản dài hạn. Các điều kiện phụ có thể được kèm theo để hạn chế về chủng loại hoặc vị trí của tài sản hoặc khoảng thời gian mà những tài sản đó được mua hoặc nắm giữ.

Trợ cấp liên quan đến thu nhập là các khoản trợ cấp khác của chính phủ ngoài những khoản trợ cấp liên quan đến tài sản.

Khoản cho vay có thể miễn trả là các khoản cho vay mà bên cho vay không đòi nợ theo các điều kiện xác định.

Giá trị hợp lý là giá có thể nhận được khi bán một tài sản hoặc giá chuyển nhượng một khoản nợ phải trả trong một giao dịch tự nguyện có tổ chức giữa các thành viên tham gia thị trường tại ngày xác định giá trị. (Xem Chuẩn mực 13 (IFRS 13) Đo lường giá trị hợp lý.)

4. Trợ cấp của chính phủ có nhiều hình thức khác nhau cả về bản chất của các khoản trợ cấp và cả về điều kiện gắn liền với khoản trợ cấp đó. Mục đích của khoản trợ cấp có thể là khuyến khích đơn vị tham gia vào các hoạt động mà nếu không có các khoản trợ cấp này đơn vị sẽ không thể tham gia một cách bình thường.

5. Việc tiếp nhận khoản hỗ trợ của chính phủ của một đơn vị có thể sẽ là đáng kể cho việc lập BCTC vì hai lý do. Thứ nhất, nều các nguồn lực được chuyển giao đi liền với việc phải phát hiện một phương pháp kế toán thích hợp cho việc chuyển giao đó. Thứ hai, việc lập BCTC sẽ là thích đáng nếu nêu ra được các dấu hiệu cho thấy ở mức độ nào đó đơn vị có lợi ích từ khoản hỗ trợ đó trong kỳ báo cáo. Việc lập BCTC sẽ thúc đẩy sự so sánh BCTC của đơn vị với BCTC ở các kỳ trước đó và với BCTC của các đơn vị khác.

6. Trợ cấp của chính phủ đôi khi được gọi với các tên khác như trợ giúp, phụ cấp, hoặc phụ trội.

Trợ cấp của chính phủ

7. Các khoản trợ cấp của chính phủ, bao gồm các khoản trợ cấp phi tiền tệ theo giá trị hợp lý, sẽ không được ghi nhận cho tới khi có sự đảm bảo hợp lý là:

  1. đơn vị sẽ tuân thủ các điều kiện gắn liền với các khoản trợ cấp đó; và
  2. các khoản trợ cấp sẽ nhận được.

8. Một khoản trợ cấp của chính phủ không được ghi nhận cho tới khi có sự đảm bảo hợp lý là đơn vị sẽ tuân thủ các điều kiện gắn liền với khoản trợ cấp đó, và khoản trợ cấp sẽ nhận được. Việc tiếp nhận một khoản trợ cấp không tự nó cung cấp bằng chứng chắc chắn rằng các điều kiện gắn liền với khoản trợ cấp đã hoặc sẽ được thỏa mãn.

9. Cách thức mà một khoản trợ cấp được tiếp nhận không phản ánh phương pháp kế toán được lựa chọn áp dụng cho khoản trợ cấp đó. Vì thế, một khoản trợ cấp nhận được hoặc bằng tiền hoặc dưới dạng như một khoản giảm trừ cho khoản nợ đối với chính phủ đều được kế toán theo cùng một phương thức.

10. Một khoản cho vay có thể miễn trả từ chính phủ được ứng xử như một khoản trợ cấp của chính phủ khi có sự đảm bảo hợp lý là đơn vị sẽ thỏa mãn các điều khoản cho việc không phải hoàn trả khoản vay.

10A. Lợi ích của một khoản cho vay của chính phủ với tỷ lệ lãi suất dưới tỷ lệ lãi suất thị trường được ứng xử như một khoản trợ cấp của chính phủ. Khoản vay này sẽ được ghi nhận và xác định giá trị theo Chuẩn mực 9 (IFRS 9) Công cụ tài chính. Lợi ích của tỷ lệ lãi suất dưới tỷ lệ lãi suất thị trường sẽ được tính toán dựa theo sự khác biệt giữa giá trị ban đầu của khoản vay được xác định theo Chuẩn mực 9 (IFRS 9) và giá trị thuần nhận được sau khi trừ đi các khoản chiết khấu hoặc chi phí. Khoản lợi ích sẽ được kế toán phù hợp với Chuẩn mực này. Đơn vị phải cân nhắc các điều kiện và nghĩa vụ cần hoặc bắt buộc phải thỏa mãn khi nhận diện các khoản chi phí mà lợi ích của khoản vay sẽ được dùng để bù đắp cho các khoản chi phí đó.

11. Khi một khoản trợ cấp của chính phủ được ghi nhận, bất kỳ một khoản nợ tiềm tàng hoặc tài sản tiềm tàng sẽ được ứng xử phù hợp với Chuẩn mực 37 (IAS 37) Các khoản dự phòng, tài sản và nợ tiềm tàng.

12. Trợ cấp của chính phủ sẽ được ghi nhận vào báo cáo lãi/lỗ một cách có hệ thống trong thời kỳ mà đơn vị ghi nhận các khoản chi phí như là các phí tổn mà khoản trợ cấp sẽ được dùng để bù đắp.

13. Có hai phương pháp được sử dụng rộng rãi để kế toán các khoản trợ cấp của chính phủ: Phương pháp vốn, theo đó một khoản trợ cấp sẽ không được ghi nhận vào báo cáo lãi/lỗ, và phương pháp thu nhập, theo đó một khoản trợ cấp sẽ được ghi nhận vào báo cáo lãi/lỗ của một hoặc nhiều kỳ.

14. Cơ sở của phương pháp vốn là:

(a) khoản trợ cấp của chính phủ là một công cụ tài chính và cần được ứng xử như là một khoản mục trên báo cáo tình trạng tài chính hơn là được ghi nhận vào báo cáo lãi/lỗ để bù đắp các khoản chi phí mà các khoản trợ cấp này tài trợ. Bởi vì không có khoản hoàn trả nào sẽ phát sinh, nên các khoản trợ cấp đó không được ghi nhận vào báo cáo lãi/lỗ.

(b) sẽ là không phù hợp khi ghi nhận các khoản trợ cấp của chính phủ vào báo cáo lãi/lỗ, vì đó không phải là thu nhập tạo ra mà đó là khoản khuyến khích của chính phủ không liên quan tới chi phí.

15. Cơ sở của phương pháp thu nhập là:

(a) vì các khoản trợ cấp của chính phủ là khoản nhận được từ một nguồn không phải từ các cổ đông, nên không thể ghi nhận trực tiếp vào vốn chủ sở hữu mà cần phải được ghi nhận vào báo cáo lãi/lỗ trong các kỳ thích hợp.

(b) các khoản trợ cấp của chính phủ hiếm khi là các khoản cho không. Đơn vị có các khoản trợ cấp đó thông qua việc tuân thủ các điều kiện và thỏa mãn các nghĩa vụ quy định trước. Vì thế, các khoản trợ cấp cần được ghi nhận vào báo cáo lãi/lỗ trong các kỳ kế toán mà đơn vị ghi nhận các khoản chi phí có liên quan như là phí tổn mà khoản trợ cấp sẽ được dùng để bù đắp các phí tổn đó.

(c) vì thu nhập và các khoản thuế là chi phí, nên ghi nhận các khoản trợ cấp của chính phủ, là phần mở rộng mở rộng của chính sách tài khóa, vào báo cáo lãi/lỗ là hợp lý.

16. Điều cơ bản đối với phương pháp thu nhập là các khoản trợ cấp của chính phủ cần phải được ghi nhận vào báo cáo lãi/lỗ một cách có hệ thống trong các kỳ mà đơn vị ghi nhận các chi phí liên quan như là các phí tổn mà các khoản trợ cấp này sẽ được sử dụng để bù đắp các phí tổn đó. Ghi nhận các khoản trợ cấp của chính phủ vào báo cáo lãi/lỗ theo số thực nhận là không tuân theo giả định kế toán dồn tích (xem Chuẩn mực 1 (IAS 1) Trình bày báo cáo tài chính) và chỉ được chấp nhận khi không có cơ sở nào tồn tại cho việc phân bổ khoản trợ cấp cho các kỳ kế toán hơn là kỳ nhận được khoản trợ cấp đó.

17. Trong hầu hết các trường hợp, các kỳ mà đơn vị ghi nhận chi phí hoặc các phí tổn có liên quan đến một khoản trợ cấp của chính phủ là chắc chắn. Vì thế các khoản trợ cấp liên quan đến các khoản chi phí cụ thể được sẽ ghi nhận vào báo cáo lãi/lỗ trong cùng thời kỳ với các khoản chi phí. Tương tự, các khoản trợ cấp của chính phủ liên quan tới các tài sản có thể trích khấu hao thường được ghi nhận vào báo cáo lãi/lỗ của nhiều kỳ và tỷ lệ với chi phí khấu hao được ghi nhận của các tài sản đó.

18. Các khoản trợ cấp liên quan tới các tài sản không thể trích khấu hao có thể đồng thời yêu cầu phải thỏa mãn những nghĩa vụ nhất định và khi đó mới được ghi nhận vào báo cáo lãi/lỗ của các kỳ phát sinh chi phí thỏa mãn các nghĩa vụ đó. Ví dụ, một khoản trợ cấp về quyền sử dụng đất có thể gắn liền với điều kiện về xây dựng một tòa nhà trên quyền sử dụng đất đó và sẽ là phù hợp khi ghi nhận khoản trợ cấp vào báo cáo lãi/lỗ theo thời gian sử dụng (hữu ích) của tòa nhà.

19. Trong một vài trường hợp, các khoản trợ cấp nhận được như là một phần của một gói trợ giúp tài chính hoặc trợ giúp tài khóa và gắn liền với một loạt các điều kiện đi kèm. Trong những trường hợp đó, sự cẩn trọng là cần thiết để nhận diện các điều kiện làm phát sinh các khoản chi phí và phí tổn để tử đó xác định các kỳ mà khoản trợ cấp đó sẽ nhận được. Sẽ là phù hợp khi phân bổ các phần của khoản trợ cấp đó theo các cơ sở khác nhau phụ thuộc vào điều kiện của từng khoản trợ cấp.

20. Một khoản trợ cấp của chính phủ sẽ trở thành khoản phải thu khi mà việc bù đắp cho khoản chi phí hoặc lỗ đã thực sự phát sinh hoặc cho mục đích cung cấp trợ giúp tài chính tức thì cho đơn vị không liên quan đến các chi phí trong tương lai thì khoản trợ cấp đó sẽ được ghi nhận vào báo cáo lãi/lỗ của kỳ mà nó trở thành khoản phải thu.

21. Trong một vài trường hợp, một khoản trợ cấp của chính phủ có thể được cấp cho mục đích cung cấp khoản trợ giúp tài chính tức thì cho một đơn vị hơn là một khoản khuyến khích để thực hiện các chi tiêu (nhiệm vụ) cụ thể. Những khoản trợ cấp này có thể bị giới hạn cho một đơn vị đặc thù và có thể không sẵn có với tất cả các đối tượng thụ hưởng. Những tình huống này có thể đảm bảo cho việc ghi nhận khoản trợ cấp vào báo cáo lãi/lỗ trong kỳ mà đơn vị đủ điều kiện để nhận trợ cấp, với việc công bố thông tin để đảm bảo chắc chắn là ảnh hưởng của khoản trợ cấp đã được hiểu biết đầy đủ.

22. Một khoản trợ cấp của chính phủ có thể trở thành khoản phải thu của một đơn vị khi khoản trợ cấp đó được dùng để bù đắp cho các khoản chi phí hoặc lỗ đã phát sinh trong kỳ trước. Khoản trợ cấp đó sẽ được ghi nhận vào báo cáo lãi/lỗ của kỳ mà khoản trợ cấp trở thành khoản phải thu, cùng với việc công bố thông tin để đảm bảo chắc chắn là ảnh hưởng của nó đã được hiểu biết đầy đủ.

Các khoản trợ cấp phi tiền tệ

23. Một khoản trợ cấp của chính phủ có thể dưới dạng chuyển giao một tài sản phi tiền tệ, ví dụ giá trị quyền sử dụng đất hoặc các nguồn lực khác, cho việc sử dụng của đơn vị. Trong các trường hợp đó, thông thường sẽ đánh giá giá trị hợp lý của tài sản phi tiền tệ và kế toán đồng thời cho khoản trợ cấp và tài sản theo giá trị hợp lý. Trong trường hợp khác, cả tài sản và khoản trợ cấp sẽ được ghi nhận theo giá trị danh nghĩa.

Trình bày các khoản trợ cấp liên quan tới tài sản

24. Các khoản trợ cấp của chính phủ liên quan tới tài sản, bao gồm cả các khoản trợ cấp phi tiền tệ theo giá trị hợp lý, sẽ được trình bày trên báo cáo tình trạng tài chính hoặc bằng cách phản ánh khoản trợ cấp như là khoản thu nhập hoãn lại hoặc bằng cách giảm trừ khoản trợ cấp để phản ánh theo giá trị còn lại của tài sản.

25. Hai phương pháp để trình bày trên báo cáo tài chính về khoản trợ cấp (hoặc theo tỷ lệ phần trăm thích hợp của các khoản trợ cấp) liên quan tới tài sản được chấp nhận có thể thay thế cho nhau.

26. Một phương pháp ghi nhận khoản trợ cấp như là thu nhập hoãn lại và được ghi nhận vào báo cáo lãi/lỗ một cách có hệ thống theo thời gian hữu ích của tài sản.

27. Phương pháp khác ghi giảm khoản trợ cấp bằng cách xác định giá trị còn lại của tài sản. Khoản trợ cấp sẽ được ghi nhận vào báo cáo lãi/lỗ theo thời gian có thể khấu hao của tài sản như là một khoản chi phí khấu hao được khấu trừ.

28. Việc mua tài sản hoặc tiếp nhận các khoản trợ cấp có liên quan có thể dẫn đến sự thay đổi của dòng tiền của đơn vị. Vì lí do đó và để phản ánh khoản đầu tư gộp cho tài sản, sự thay đổi của những dòng tiền này thường được công bố như các khoản mục riêng biệt trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ không xem xét đến việc các khoản trợ cấp đó có được khấu trừ từ các tài sản liên quan cho mục đích trình bày thông tin trên báo cáo tình trạng tài chính hay không.

Trình bày các khoản trợ cấp liên quan tới thu nhập

29. Các khoản trợ cấp liên quan tới thu nhập được trình bày như một phần của báo cáo lãi/lỗ, một cách riêng biệt hoặc dưới một tiêu đề chung chẳng hạn ‘Thu nhập khác’; hoặc cách khác là chúng được khấu trừ trong báo cáo về các chi phí liên quan.

29A. [Đã bị xóa]

30. Những người ủng hộ phương pháp thứ nhất cho rằng sẽ không thích hợp cho thu nhập thuần và các khoản mục chi phí và việc trình bày riêng các khoản trợ cấp khỏi các khoản chi phí sẽ gia tăng sự so sánh với các chi phí khác không bị ảnh hưởng bởi khoản trợ cấp. Đối với phương pháp thứ hai các lập luận lại cho rằng các khoản chi phí có thể không phát sinh nếu không có các khoản trợ cấp và việc trình bày khoản chi phí không được bù đắp bởi khoản trợ cấp sẽ có thể đưa lại những thông tin không trung thực.

31. Cả hai phương pháp đều được nhìn nhận là có thể chấp nhận được cho việc trình bày các khoản trợ cấp liên quan tới thu nhập. Việc công bố thông tin về khoản trợ cấp có thể là cần thiết cho việc hiểu một cách đúng đắn về báo cáo tài chính. Việc công bố ảnh hưởng của các khoản trợ cấp tới bất kỳ khoản mục nào của thu nhập hoặc chi phí mà qui định phải công bố một cách riêng biệt đều được cho là luôn luôn thích hợp.

Hoàn trả các khoản trợ cấp của chính phủ

32. Một khoản trợ cấp của chính phủ trở thành khoản phải trả sẽ được kế toán như một sự thay đổi trong ước tính kế toán (xem Chuẩn mực 8 (IAS 8) Chính sách kế toán, các thay đổi trong ước tính kế toán và các sai sót). Việc hoàn trả một khoản trợ cấp liên quan tới thu nhập sẽ được áp dụng đầu tiên là liên quan tới bất kỳ khoản tín dụng hoãn lại không phân bổ nào được ghi nhận theo tiêu chuẩn của khoản trợ cấp đó. Trong một chừng mực nhất định khoản hoàn trả có thể lớn hơn khoản tín dụng hoãn lại đó, hoặc khi không tồn tại khoản tín dụng hoãn lại, khoản hoàn trả sẽ được ghi nhận ngay vào báo cáo lãi/lỗ. Hoàn trả một khoản trợ cấp liên quan đến tài sản sẽ được ghi nhận bởi sự tăng lên của giá trị còn lại của tài sản hoặc ghi giảm thu nhập hoãn lại bằng với số hoàn trả. Khoản khấu hao bổ sung cộng dồn mà nó có thể được ghi nhận vào báo cáo lãi/lỗ tại ngày không có khoản trợ cấp sẽ được ghi nhận ngay vào báo cáo lãi/lỗ.

33. Các trường hợp làm phát sinh việc hoàn trả khoản trợ cấp liên quan đến một tài sản có thể yêu cầu việc cân nhắc được đưa ra liên quan đến khả năng suy giảm giá trị còn lại mới của tài sản.

Hỗ trợ của chính phủ

34. Ngoài định nghĩa về các khoản trợ cấp của chính phủ ở đoạn 3 là các hình thức nhất định của khoản hỗ trợ của chính phủ mà các khoản này không thể xác định được giá trị một cách phù hợp và những giao dịch với chính phủ mà không thể phân biệt được với các giao dịch kinh doanh bình thường của đơn vị.

35. Các ví dụ về khoản hỗ trợ không thể xác định giá trị một cách phù hợp là tư vấn kỹ thuật hoặc marketing và cung cấp sự đảm bảo của chính phủ. Một ví dụ về trợ giúp mà không thể phân biệt được với các giao dịch kinh doanh bình thường của đơn vị là chính sách của chính phủ có trách nhiệm đối với một phần doanh thu của đơn vị. Sự tồn tại của lợi ích là rõ ràng tuy nhiên bất kỳ sự nỗ lực để tách biệt các hoạt động kinh doanh thông thường ra khỏi sự hỗ trợ của chính phủ có thể sẽ rất chủ quan.

36. Khoản lợi ích trong các ví dụ trên có thể là rất đáng kể khiến cho việc công bố thông tin về bản chất, mức độ và khoảng thời gian của khoản hỗ trợ là cần thiết để báo cáo tài chính không bị hiểu lầm.

37. [Đã bị xóa]

38. Trong Chuẩn mực này, hỗ trợ của chính phủ không bao gồm việc cung cấp cơ sở hạ tầng bằng việc cải thiện mạng lưới giao thông và liên lạc nói chung và việc cung cấp các điều kiện tốt hơn ví dụ như hệ thống thủy lợi hoặc thoát nước sẵn sàng sử dụng trong một thời gian không xác định cho lợi ích của toàn bộ cộng đồng địa phương.

Công bố thông tin

39. Các vấn đề dưới đây sẽ được công bố:

(a) chính sách kế toán áp dụng cho kế toán các khoản trợ cấp của chính phủ, bao gồm các phương pháp áp dung cho trình bày báo cáo tài chính;

(b) bản chất và phạm vi của các khoản trợ cấp của chính phủ đã được ghi nhận trên báo cáo tài chính và một công bố về các hình thức khác của khoản hỗ trợ của chính phủ mà đơn vị có lợi ích trực tiếp; và

(c) các điều kiện chưa thỏa mãn hiện và các điều kiện khác gắn liền với hỗ trợ của chính phủ mà chưa được ghi nhận.

Điều khoản chuyển tiếp

40. Đơn vị áp dụng Chuẩn mực này lần đầu tiên cần phải:

(a) tuân thủ các yêu cầu của công bố thông tin, nếu phù hợp; và

(b) hoặc:

(i) hiệu chỉnh báo cáo tài chính của đơn vị cho sự thay đổi trong chính sách kế toán phù hợp với Chuẩn mực 8 (IAS 8); hoặc

(ii) chỉ áp dụng các điều khoản chuyển tiếp của Chuẩn mực này cho các khoản trợ cấp hoặc cho các phần của khoản trợ cấp được chuyển thành các khoản phải thu hoặc phải trả sau ngày có hiệu lực của Chuẩn mực.

Ngày hiệu lực

41. Chuẩn mực này có hiệu lực cho báo cáo tài chính bắt đầu từ hoặc sau ngày 1 tháng Một 1984.

42. Chuẩn mực 1 (IAS 1) (hiệu chỉnh năm 2007) đã sửa đổi các thuật ngữ được sử dụng ở tất cả các Chuẩn mực IFRSs. Mặt khác nó đã bổ sung đoạn 29A. Đơn vị sẽ áp dụng các sửa đổi đó cho năm báo cáo bắt đầu từ hoặc sau này 1 tháng Một 2009. Nếu đơn vị áp dụng Chuẩn mực 1 (IAS 1) (hiệu chỉnh năm 20007) cho kỳ sớm hơn, các hiệu chỉnh này cũng cần được áp dụng cho kỳ sớm hơn đó.

43. Đoạn 37 đã bị xóa bỏ và đoạn 10A đã được bổ sung bởi Hoàn thiện IFRSs công bố vào tháng Năm 2008. Một đơn vị sẽ áp dụng các sửa đổi này trong tương lai cho các khoản vay nhận được từ chính phủ trong kỳ bắt đầu từ hoặc sau ngày 1 tháng Một 2009. Việc áp dụng sớm hơn cũng được chấp thuận. Nếu đơn vị áp dụng các sửa đổi này cho kỳ sớm hơn đơn vị sẽ phải công bố thông tin về việc áp dụng đó.

44. [Đã bị xóa]

45. Chuẩn mực 13 (IFRS 13), công bố vào tháng Năm 2011, đã sửa đổi định nghĩa về giá trị hợp lý trong đoạn 3. Đơn vị sẽ áp dụng sửa đổi này khi áp dụng Chuẩn mực 13 (IFRS 13).

46. Trình bày các khoản mục của Thu nhập toàn diện khác (Các sửa đổi đối với Chuẩn mực 1 – IAS 1), ban hành tháng Sáu 2011, đã sửa đổi đoạn 29 và xóa bỏ đoạn 29A. Đơn vị sẽ áp dụng các sửa đổi này khi áp dụng Chuẩn mực 1 (IAS 1) đã được sửa đổi vào tháng Sáu 2011.

47. [Đã bị xóa]

48. Chuẩn mực 9 (IFRS 9), ban hành tháng Bảy 2014, đã sửa đổi đoạn 10A và xóa bỏ đoạn 44 và 47. Đơn vị sẽ áp dụng các sửa đổi này khi áp dụng Chuẩn mực 9 (IFRS 9).

  1. Xem SIC-10 Hỗ trợ của Chính phủ – Không liên quan cụ thể tới hoạt động sản xuất kinh doanh

Scroll to Top