Truy cập Trang thông tin tổng hợp về IAS 23 để xem Tóm tắt, Chuẩn mực tiếng Anh, bản dịch tiếng Việt và các bài viết liên quan
Quy định chung
01. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc mua sắm, xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó. Các chi phí đi vay khác được ghi nhận là chi phí trong kỳ.
Phạm vi
02. Đơn vị sẽ áp dụng chuẩn mực này áp dụng để kế toán các khoản chi phí đi vay.
03. Chuẩn mực này không áp dụng đối với chi phí trực tiếp hoặc chi phí cơ hội của vốn chủ sở hữu bao gồm cả vốn ưu đãi không được phân loại là nợ phải trả.
04. Đơn vị không bắt buộc phải vốn hóa chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc mua sắm, đầu tư, xây dựng hoặc sản xuất trong các trường hợp:
(a) Tài sản dở dang được đo lường theo giá trị hợp lý, ví dụ tài sản sinh học trong phạm vi của chuẩn mực IAS 41: Nông nghiệp; hoặc
(b) Hàng tồn kho được sản xuất hoặc chế tạo với số lượng lớn theo quy trình lặp lại.
Định nghĩa
05. Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:
Chi phí đi vay là lãi tiền vay và các chi phí khác phát sinh có liên quan đến các khoản vay của đơn vị.
Tài sản dở dang là tài sản cần một thời gian đủ dài để đầu tư xây dựng hoặc sản xuất thì mới có thể đưa vào sử dụng theo mục đích định trước hoặc để bán.
06. Chi phí đi vay bao gồm:
(a) Chi phí lãi vay tính theo phương pháp lãi suất thực như đã trình bày trong IFRS 9;
(b) Đã xóa bỏ
(c) Đã xóa bỏ
(d) Lãi vay liên quan đến nghĩa vụ thanh toán tiền thuê được ghi nhận theo quy định tại IFRS 16 – Thuê Tài sản; và
(e) Phần chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh từ các khoản vay bằng ngoại tệ được coi là khoản điều chỉnh cho chi phí vay.
07. Tùy vào từng trường hợp, bất kỳ tài sản nào sau đây đều có thể coi là tài sản dở dang:
(a) Hàng tồn kho
(b) Nhà máy sản xuất
(c) Cơ sở sản xuất năng lượng
(d) Tài sản cố định vô hình
(e) Bất động sản đầu tư
(f) Cây lâu năm cho sản phẩm.
Các tài sản tài chính, và hàng tồn kho được sản xuất, hoặc chế tạo trong thời gian ngắn đều không phải là tài sản dở dang. Các tài sản mua về đã sẵn sàng đưa vào sử dụng theo mục đích định trước của đơn vị hoặc sẵn sàng để bán thì cũng không phải là tài sản dở dang.
Ghi nhận chi phí đi vay
08. Đơn vị thực hiện vốn hóa chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc mua sắm, xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang vào nguyên giá của tài sản đó. Đơn vị sẽ ghi nhận các chi phí đi vay khác vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ mà nó phát sinh.
09. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc mua sắm, đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang thì được tính vào nguyên giá của tài sản đó. Những chi phí này được vốn hóa vào nguyên giá của tài sản khi chúng có thể tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai cho đơn vị và chi phí đó có thể xác định một cách tin cậy. Khi đơn vị vận dụng chuẩn mực IAS 29 Báo cáo tài chính trong các nền kinh tế siêu lạm phát, thì đơn vị ghi nhận một phần chi phí lãi vay bù đắp cho lạm phát là chi phí phát sinh trong kỳ theo quy định của đoạn 21 trong Chuẩn mực đó.
Chi phí đi vay được vốn hoá
10. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc mua sắm, xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang là các chi phí đi vay sẽ chỉ phát sinh khi việc mua sắm, xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang đó được thực hiện. Khi đơn vị có khoản đi vay riêng sử dụng cho mục đích mua sắm, xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang cụ thể thì chi phí đi vay phát sinh liên quan trực tiếp đến tài sản dở dang đó có thể xác định được ngay.
11. Trong một số trường hợp, việc xác định mối quan hệ trực tiếp giữa các khoản vay riêng biệt với tài sản dở dang và việc xác định chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến tài sản đó có phát sinh hay không có thể gặp khó khăn.Ví dụ, khi hoạt động tài chính của đơn vị được điều phối tập trung hoặc khi tập đoàn sử dụng nhiều công cụ nợ để vay tiền với nhiều mức lãi suất khác nhau và sau đó lại cho các công ty khác trong cùng tập đoàn vay lại với mức lãi suất khác nhau. Các vấn đề phức tạp khác sẽ thực sự phát sinh khi công ty sử dụng khoản vay được yết giá hoặc có liên quan đến ngoại tệ, khi tập đoàn hoạt động trong nền kinh tế có mức lạm phát cao, và khi tỷ giá ngoại tệ có biến động. Trường hợp này dẫn đến việc xác định chi phí lãi vay liên quan trực tiếp đến tài sản dở dang gặp khó khăn và đơn vị cần phải thực hiện các xét đoán.
12. Trường hợp khoản vốn vay riêng biệt chỉ sử dụng cho mục đích đầu tư xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang thì đơn vị sẽ xác định chi phí đi vay đủ điều kiện vốn hóa cho tài sản dở dang đó là chi phí đi vay thực tế phát sinh từ khoản vay trừ (-) đi các khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động đầu tư tạm thời của các khoản vay này.
13. Khi đơn vị đi vay để đầu tư xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang và phát sinh chi phí đi vay có thể phát sinh trường hợp nhận được khoản vay và phát sinh chi phí lãi vay trước khi sử dụng một phần hoặc toàn bộ khoản vay cho tài sản dở dang. Trong trường hợp như vậy, các khoản vay này thường được đầu từ tạm thời trong thời gian chưa thực sự đầu tư xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang. Khi xác định chi phí lãi vay được vốn hóa trong kỳ, thì các khoản thu nhập phát sinh từ việc đầu tư tạm thời này sẽ được giảm trừ vào chi phí đi vay được vốn hóa.
14. Trường hợp phát sinh các khoản vốn vay chung vừa sử dụng cho mục đích sản xuất, kinh doanh thông thường vừa sử dụng cho mục đích có được tài sản dở dang thì số chi phí đi vay có đủ điều kiện vốn hóa được xác định theo tỷ lệ vốn hóa đối với tài sản đó. Tỉ lệ vốn hóa được xác định theo tỷ lệ lãi suất bình quân gia quyền của tất cả các khoản vay chưa trả trong kỳ của đơn vị. Tuy nhiên đơn vị phải loại trừ khỏi phép tính này các khoản vay riêng biệt phục vụ cho mục đích có được một tài sản dở dang cụ thể cho đến khi hoàn thành phần lớn các hoạt động cần thiết để đưa tài sản vào sử dụng theo mục đích định trước hoặc để bán. Chi phí đi vay được vốn hóa trong kỳ không vượt quá tổng số chi phí đi vay phát sinh trong kỳ đó.
15.Trong một số trường hợp, tỷ lệ vốn hóa sẽ được xác định một cách hợp lý nếu bao gồm tất cả các khoản vay của công ty mẹ và các công ty con khi tính chi phí đi vay theo tỷ lệ lãi suất bình quân gia quyền; Trong các trường hợp khác, mỗi công ty con tính chi phí đi vay theo tỷ lệ lãi suất bình quân gia quyền áp dụng cho các khoản vay của chính công ty đó.
Phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của tài sản dở dang và giá trị có thể thu hồi của tài sản đó.
16. Khi giá trị ghi sổ hoặc toàn bộ chi phí ước tính để có được tài sản dở dang vượt quá giá trị có thể thu hồi hoặc giá trị thuần có thể thực hiện được thì giá trị ghi sổ của tài sản dở dang đó sẽ được ghi giảm hoặc xóa sổ theo quy định của các chuẩn mực khác. Trong một số trường hợp nhất định, giá trị đã ghi giảm hoặc xóa sổ được hoàn nhập theo quy định của các chuẩn mực đó.
Thời điểm bắt đầu vốn hoá
17. Đơn vị sẽ vốn hóa chi phí đi vay vào nguyên giá của tài sản dở dang tại Ngày bắt đầu vốn hóa. Ngày này là ngày đầu tiên thỏa mãn tất cả các điều kiện sau:
(a) Các chi phí liên quan trực tiếp đến việc hình thành tài sản bắt đầu phát sinh;
(b) Các chi phí đi vay phát sinh;
(c) Các hoạt động cần thiết cho việc chuẩn bị đưa tài sản vào sử dụng theo mục đích định trước hoặc để bán đang được triển khai.
18. Chi phí liên quan trực tiếp đến tài sản dở dang chỉ bao gồm các khoản phải thanh toán bằng tiền, thanh toán thông qua hình thức chuyển giao các tài sản khác hoặc chấp nhận các khoản nợ phải trả lãi. Các khoản đơn vị được hưởng hoặc được trợ cấp liên quan đến tài sản (Xem Chuẩn mực kế toán IAS 20 “Kế toán các khoản trợ cấp Chính phủ và trình bày các khoản hỗ trợ của Chính phủ”) phải ghi giảm giá trị tài sản đó. Giá trị ghi sổ bình quân của tài sản trong kỳ, bao gồm cả chi phí đi vay được vốn hóa trước đây, thường là căn cứ hợp lý để xác định tỷ lệ vốn hóa được áp dụng trong kỳ.
19. Các hoạt động cần thiết cho việc chuẩn bị đưa tài sản vào sử dụng theo mục đích định trước hoặc để bán không chỉ bao gồm hoạt động xây dựng tài sản đó. Nó bao gồm các công việc liên quan đến hoạt động kỹ thuật và quản lý trước khi bắt đầu xây dựng, ví dụ như hoạt động liên quan đến việc xin giấy phép trước khi khởi công xây dựng hoặc sản xuất. Tuy nhiên, những hoạt động này không bao gồm việc giữ một tài sản khi không tiến hành các hoạt động xây dựng hoặc phát triển để thay đổi trạng thái của tài sản này. Ví dụ: Chi phí đi vay liên quan đến việc mua một mảnh đất cần có các hoạt động chuẩn bị mặt bằng sẽ được vốn hóa trong kỳ các hoạt động liên quan đến việc chuẩn bị mặt bằng đó được thực hiện. Tuy nhiên, chi phí đi vay phát sinh khi mua mảnh đất phục vụ cho mục đích xây nhà mà không có hoạt động triển khai xây dựng liên quan đến mảnh đất đó thì chi phí đi vay không được vốn hóa.
Tạm ngừng vốn hóa
20. Đơn vị sẽ tạm ngừng việc vốn hóa chi phí đi vay trong các giai đoạn mà quá trình đầu tư xây dựng và sản xuất tài sản dở dang đang bị gián đoạn.
21. Đơn vị có thể vẫn phát sinh chi phí đi vay trong suốt khoảng thời gian bị kéo dài do các hoạt động cần thiết để đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng theo mục đích định trước hoặc để bán bị tạm ngừng. Đó là các khoản chi phí liên quan đến việc nắm giữ tài sản và không được vốn hóa. Tuy nhiên, đơn vị thường không tạm ngừng vốn hóa chi phí lãi vay trong suốt thời gian nó thực hiện các công việc về kỹ thuật và quản lý quan trọng. Đơn vị cũng không tạm ngừng vốn hóa khi sự trì hoãn tạm thời là một phần cần thiết trong quá trình đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng cho mục đích định trước hoặc để bán. Ví dụ, đơn vị vẫn tiếp tục vốn hóa chi phí đi vay trong thời gian bị kéo dài do mực nước cao làm trì hoãn việc xây cầu, nếu mực nước cao là phổ biến trong khu vực địa lý liên quan trong suốt giai đoạn xây dựng.
Chấm dứt vốn hóa
22. Đơn vị sẽ chấm dứt việc vốn hóa chi phí đi vay khi tất cả các hoạt động chủ yếu cần thiết cho việc chuẩn bị đưa tài sản dở dang vào sử dụng cho mục đích định trước hoặc để bán đã hoàn thành.
23. Một tài sản thường sẵn sàng đưa vào sử dụng cho mục đích định trước hoặc để bán khi quá trình xây dựng hoặc sản xuất tài sản đã hoàn thành cho dù các công việc quản lý chung vẫn có thể còn tiếp tục. Nếu có sự thay đổi nhỏ, ví dụ như trang trí tài sản theo yêu cầu của người mua hoặc người sử dụng, mà các hoạt động này chưa hoàn tất thì các hoạt động chủ yếu vẫn coi là đã hoàn thành.
24. Khi đơn vị hoàn thành quá trình đầu tư xây dựng tài sản dở dang theo từng bộ phận và mỗi bộ phận có thể sử dụng được trong khi vẫn tiếp tục quá trình đầu tư xây dựng các bộ phận khác, thì việc vốn hoá các chi phí đi vay sẽ chấm dứt khi tất cả các hoạt động chủ yếu cần thiết cho việc chuẩn bị đưa bộ phận đó vào sử dụng theo mục đích định trước hoặc để bán đã hoàn thành.
25. Một khu thương mại bao gồm nhiều tòa nhà, mỗi tòa nhà có thể sử dụng riêng biệt, là một ví dụ của tài sản dở dang được hoàn thành theo từng bộ phận và mỗi bộ phận có thể sử dụng trong khi vẫn tiếp tục xây dựng các bộ phận khác. Tuy nhiên đối với việc xây dựng một nhà máy công nghiệp gồm nhiều hạng mục công trình trên một dây chuyền như nhà máy thép thì việc vốn hoá chỉ chấm dứt khi tất cả các hạng mục công trình cùng được hoàn thành.
Trình bày báo cáo tài chính
26. Báo cáo tài chính của đơn vị phải trình bày:
(a) Tổng số chi phí đi vay được vốn hoá trong kỳ; và
(b) Tỷ lệ vốn hoá được sử dụng để xác định chi phí đi vay được vốn hoá trong kỳ.
Hướng dẫn áp dụng
27. Khi áp dụng Chuẩn mực này mà tạo nên sự thay đổi về chính sách kế toán, thì ngày đơn vị bắt đầu vốn hóa các chi phí đi vay liên quan đến tài sản dở dang có thể là ngày Chuẩn mực này có hiệu lực áp dụng hoặc sau ngày đó.
28. Tuy nhiên, đơn vị có thể chọn lựa áp dụng Chuẩn mực này vào bất kỳ ngày nào trước ngày nó có hiệu lực áp dụng và có thể bắt đầu vốn hóa các chi phí đi vay có liên quan đến tất cả các tài sản dở dang vào ngày này hoặc sau ngày đó.
28A. Những đổi mới thường niên đối với các chuẩn mực IFRS giai đoạn 2015-2017, được ban hành vào tháng 12 năm 2017, đã sửa đổi đoạn 14 của Chuẩn mực này. Đơn vị sẽ áp dụng các quy định đã được sửa đổi bổ sung với các chi phí đi vay phát sinh vào thời điểm bắt đầu kỳ báo cáo hàng năm hoặc sau đó đối với những đơn vị lần đầu áp dụng các sửa đổi bổ sung đó.
Ngày hiệu lực
29. Đơn vị sẽ áp dụng chuẩn mực này cho kỳ báo cáo thường niên bắt đầu vào ngày 1 tháng 1 năm 2009 hoặc sau đó. Các đơn vị được phép áp dụng trước ngày này. Nếu đơn vị áp dụng chuẩn mực từ trước ngày 1 tháng 1 năm 2009, thì đơn vị cần trình bày thông tin này trên báo cáo.
29A. Những đổi mới trong chuẩn mực IFRS được ban hành vào tháng 5 năm 2008 đã chỉnh sửa Đoạn 6 của Chuẩn mực này. Đơn vị sẽ áp dụng các quy định đã được chỉnh sửa này cho kỳ báo cáo thường niên bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2009 hoặc sau ngày đó. Các đơn vị được phép áp dụng trước thời điểm này. Nếu đơn vị áp dụng chuẩn mực từ trước ngày 1 tháng 1 năm 2009, thì đơn vị cần trình bày thông tin này trên báo cáo.
29B. IFRS 9, được ban hành vào tháng 7 năm 2014, đã chỉnh sửa đoạn 6. Đơn vị sẽ phải tuân thủ theo quy định đã được chỉnh sửa này khi áp dụng IFRS 9.
29C. IFRS 16, được ban hành vào tháng 1 năm 2016, đã sửa đổi đoạn 6. Một đơn vị sẽ phải tuân thủ theo quy định được sửa đổi này khi áp dụng IFRS 16.
29D. Những đổi mới thường niên đối với các chuẩn mực IFRS giai đoạn 2015-2017, được ban hành vào tháng 12 năm 2017, đã sửa đổi đoạn 14 và bổ sung thêm đoạn 28A. Đơn vị sẽ tuân thủ theo các quy định đã được sửa đổi này cho kỳ báo cáo thương niên bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2009 hoặc sau ngày đó. Các đơn vị được phép áp dụng trước thời điểm này. Nếu đơn vị áp dụng sớm hơn thì cần trình bày thông tin này trên báo cáo.
Thu hồi chuẩn mực IAS23 (được sửa đổi vào năm 1993)
30. Chuẩn mực này thay thế cho IAS 23 Chi phí đi vay được sửa đổi vào năm 1993
Phụ lục
Các sửa đổi bổ sung đối với các chuẩn mực khác
Các sửa đổi bổ sung trong phụ lục này sẽ được áp dụng cho kỳ báo cáo thường niên bắt đầu hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 2009. Nếu đơn vị áp dụng chuẩn mực này cho kỳ trước đó, thì các sửa đổi bổ sung trong chuẩn mực này cũng cần được áp dụng cho cả kỳ trước đó. Trong các đoạn được sửa đổi bổ sung, các từ mới được gạch chân còn các từ bị bỏ thì sẽ được gạch ngang.
….
Khi chuẩn mực này được ban hành vào năm 2007 thì các đoạn sửa đổi bổ sung trong phụ lục này cũng đã được sửa đổi trong các Chuẩn mực có liên quan khác được công bố trong cùng tập.
Ủy ban phê duyệt IAS 23 được ban hành vào tháng 3 năm 2007.
Chuẩn mực kế toán quốc tế 23 Chi phí đi vay (sửa đổi vào năm 2007) được 11 trên 14 thành viên của Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế đồng ý phê chuẩn ban hành. Những thành viên viên không đồng ý bao gồm Mesrs Cope, Danjou và Garnett. Các ý kiến bất đồng của họ được trình bày sau đoạn Cơ sở kết luận