Truy cập Trang thông tin tổng hợp về IAS 2 để xem Tóm tắt, Chuẩn mực tiếng Anh, bản dịch tiếng Việt và các bài viết liên quan
Mục tiêu
1. Mục tiêu của chuẩn mực này là mô tả về phương pháp kế toán đối với hàng tồn kho. Vấn đề cơ bản của kế toán đối với hàng tồn kho là giá gốc của hàng tồn kho được ghi nhận là tài sản và tiếp tục được ghi nhận là tài sản cho đến khi các doanh thu có liên quan được ghi nhận. Chuẩn mực này hướng dẫn việc xác định giá gốc của hàng tồn kho và việc ghi nhận hàng tồn kho sau khi ghi nhận ban đầu như là một khoản chi phí bao gồm cả việc ghi giảm giá trị hàng tồn kho xuống mức giá trị thuần có thể thực hiện được. Chuẩn mực này cũng cung cấp sự hướng dẫn về các công thức được sử dụng để xác định giá trị của hàng tồn kho.
Phạm vi
2. Chuẩn mực áp dụng cho tất cả các hàng tồn kho, ngoại trừ:
(a) [Đã xóa]
(b) Công cụ tài chính (thực hiện theo IAS 32 Công Cụ Tài Chính: Trình bày và IFRS 9 Công Cụ Tài Chính); và
(c) các tài sản sinh học có liên quan đến các hoạt động nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp tại thời điểm thu hoạch (thực hiện theo IAS 41 Nông Nghiệp)
3. Chuẩn mực này không áp dụng cho việc đo lường hàng tồn kho được nắm giữ bởi:
(a) Tổ chức, cá nhân có sản xuất các sản phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch, khoáng sản và các sản phẩm từ khoáng sản khi giá trị các sản phẩm này được xác định bằng giá trị thuần có thể thực hiện được phù hợp với các thông lệ đã được thiết lập tại các ngành này. Khi các loại hàng tồn kho này được ghi nhận theo giá trị thuần có thể thực hiện được thì những sự thay đổi trong giá trị thuần có thể thực hiện được phải ghi nhận vào báo cáo kết quả kinh doanh trong kỳ có phát sinh sự thay đổi.
(b) Tổ chức, cá nhân có kinh doanh-môi giới hàng hóa thực hiện việc xác định giá trị hàng tồn kho theo giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán. Khi các loại hàng tồn kho này được ghi nhận theo giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán thì những sự thay đổi trong giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán phải ghi nhận vào báo cáo kết quả kinh doanh trong kỳ có phát sinh sự thay đổi.
4. Các loại hàng tồn kho quy định trong đoạn 3(a) mà giá trị được đo lường theo giá trị thuần có thể thực hiện được tại một số các giai đoạn nhất định của quá trình sản xuất sẽ không thuộc phạm vi điểu chỉnh của chuẩn mực này về mặt xác định giá trị. Ví dụ: khi các vụ mùa nông nghiệp được thu hoạch hoặc khi các khoáng sản được khai thác và việc bán các sản phẩm này được đảm bảo bằng hợp đồng kỳ hạn hoặc có sự bảo lãnh của chính phủ, hoặc khi thị trường sôi động có tồn tại và rủi ro không bán được các mặt hàng là không đáng kể.
5. Tổ chức, cá nhân có kinh doanh-môi giới hàng hóa là tổ chức, cá nhân đứng vai trò là người mua hoặc người bán hàng hóa thay cho người khác hoặc cho chính mình. Những loại hàng tồn kho được quy định tại đoạn 3(b) chủ yếu được mua với mục đích để bán trong tương lai gần và lợi nhuận được tạo ra từ sự thay đổi về giá hoặc từ việc môi giới-kinh doanh các hàng hóa này. Khi các loại hàng tồn kho này được đo lường theo giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán thì sẽ không thuộc phạm vi điểu chỉnh của chuẩn mực này về mặt xác định giá trị.
Định nghĩa
6. Các thuật ngữ được sử dụng trong chuẩn mực này được định nghĩa như sau:
Hàng tồn kho là những tài sản:
(a) Được giữ để bán trong kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường;
(b) Đang trong quá trình sản xuất, kinh doanh dở dang để phục vụ cho việc bán;
(c) Nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ để sử dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ.
Giá trị thuần có thể thực hiện được là giá bán ước tính của hàng tồn kho trong kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường trừ (-) chi phí ước tính để hoàn thành sản phẩm và chi phí ước tính cần thiết cho việc bán hàng.
Giá trị hợp lý là giá có thể nhận được khi bán một tài sản hoặc giá chuyển nhượng một khoản nợ phải trả trong một giao dịch tự nguyện có tổ chức giữa các bên tham gia thị trường tại ngày xác định giá trị.
7. Giá trị thuần có thể thực hiện được là giá trị thuần mà một đơn vị kỳ vọng có thể thu được từ việc bán hàng tồn kho trong kỳ kinh doanh thông thường. Giá trị hợp lý phản ánh mức giá mà một giao dịch tự nguyện bán một mặt hàng tương tự trên thị trường chính (hoặc thị trường có lợi nhất) và được thực hiện giữa các bên tham gia thị trường tại ngày xác định giá trị. Giá trị thuần có thể thực hiện được là giá trị cụ thể do từng đơn vị xác định trong khi giá trị hợp lý không do từng đơn vị xác định. Giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho có thể không bằng giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán.
8. Hàng tồn kho bao gồm hàng hóa được mua và giữ để bán, ví dụ, hàng hóa do đơn vị bán lẻ mua để bán lại hoặc đất đai và các tài sản khác được nắm giữ để bán. Hàng tồn kho cũng bao gồm thành phẩm hoặc sản phẩm dở dang do đơn vị sản xuất ra và các nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ được sử dụng trong quá trình sản xuất. Các chi phí phát sinh để hoàn thành một hợp đồng với một khách hàng không làm phát sinh hàng tồn kho (hoặc các tài sản nằm trong phạm vi của các chuẩn mực khác) sẽ được ghi nhận phù hợp với IFRS 15 Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng.
Đo lường giá trị hàng tồn kho
9. Giá trị của hàng tồn kho là giá thấp hơn giữa giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện được.
Giá gốc hàng tồn kho
10. Giá gốc hàng tồn kho bao gồm tất cả các chi phí mua, chi phí chế biến và các chi phí khác phát sinh để có được hàng tồn kho ở địa điểm và trạng thái hiện tại.
Chi phí mua
11. Chi phí mua của hàng tồn kho bao gồm giá mua, thuế nhập khẩu và các loại thuế không được hoàn lại cho các đơn vị từ cơ quan thuế, chi phí vận chuyển, đóng gói, bốc xếp, bảo quản, bảo hiểm và các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc mua thành phẩm, nguyên vật liệu và dịch vụ. Các khoản chiết khấu thương mại và giảm giá và các khoản mục tương tự khác được trừ (-) khỏi chi phí mua.
Chi phí chế biến
12. Chi phí chế biến hàng tồn kho bao gồm các chi phí liên quan trực tiếp đến từng đơn vị sản phẩm được sản xuất, chẳng hạn như chi phí nhân công trực tiếp. Chi phí chế biến cũng bao gồm sự phân bổ một cách có hệ thống các chi phí sản xuất chung cố định và chi phí sản xuất chung biến đổi phát sinh trong quá trình chuyển hóa nguyên vật liệu thành thành phẩm. Chi phí sản xuất chung cố định là những chi phí sản xuất gián tiếp, tương đối ổn định và không phụ thuộc quy mô sản xuất, chẳng hạn như chi phí khấu hao, bảo dưỡng nhà xưởng máy móc thiết bị và quyền sử dụng tài sản được sử dụng trong quá trình sản xuất và chi phí quản lý, hành chính của nhà xưởng. Chi phí sản xuất chung biến đổi là những chi phí sản xuất gián tiếp có sự thay đổi trực tiếp hoặc gần như trực tiếp theo quy mô sản xuất, chẳng hạn như chi phí nguyên vật liệu gián tiếp và chi phí nhân công gián tiếp.
13. Việc phân bổ chi phí sản xuất chung cố định vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm được dựa trên công suất bình thường của máy móc sản xuất. Công suất bình thường là số lượng sản phẩm ước tính trung bình đạt được qua một số kỳ hoặc mùa vụ trong các điều kiện sản xuất bình thường, có tính đến công suất hao hụt do dừng sản xuất để bảo trì theo kế hoạch. Mức độ sản xuất thực tế có thể được sử dụng nếu mức độ này tương đương với công suất bình thường. Chi phí sản xuất chung cố định được phân bổ cho từng đơn vị sản phẩm sẽ không tăng khi sản xuất ít hơn hay nhà máy ngừng sản xuất. Những chi phí sản xuất chung không được phân bổ sẽ được ghi nhận là chi phí trong kỳ mà những chi phí đó phát sinh. Trong những kỳ mà mức sản xuất thực tế cao hơn bình thường thì chi phí sản xuất chung cố định được phân bổ cho từng sản phẩm sẽ giảm và vì vậy hàng tồn kho sẽ không được đo lường cao hơn giá gốc. Chi phí sản xuất chung biến đổi được phân bổ cho từng đơn vị sản phẩm trên cơ sở mức sản xuất thực sự của máy móc thiết bị.
14. Một quy trình sản xuất có thể tạo ra nhiều loại sản phẩm cùng một lúc, ví dụ, trường hợp quy trình sản xuất sản phẩm kết hợp hoặc quy trình tạo ra một sản phẩm chính có kèm một sản phẩm phụ. Khi chi phí chế biến không thể tách riêng cho từng loại sản phẩm thì những chi phí này sẽ được phân bổ theo tiêu thức thích hợp và nhất quán. Việc phân bổ có thể dựa trên doanh thu của từng sản phẩm hoặc là tại một thời điểm trong quá trình sản xuất khi mà các sản phẩm này có thể được xác định riêng biệt hoặc là tại thời điểm hoàn thành sản phẩm. Hầu hết các sản phẩm phụ có giá trị nhỏ và được đo lường theo giá trị thuần có thể thực hiện được và được trừ (-) khỏi giá gốc của sản phẩm chính. Kết quả là giá trị còn lại của sản phẩm chính sẽ không khác biệt lớn so với giá gốc của nó.
Các chi phí khác
15. Các chi phí khác được bao gồm trong giá gốc hàng tồn kho là những chi phí phát sinh để có được hàng tồn kho ở địa điểm và trạng thái hiện tại. Ví dụ: Giá gốc của hàng tồn kho có thể bao gồm các chi phí chung nằm ngoài bộ phận sản xuất hoặc chi phí thiết kế sản phẩm cho các khách hàng cụ thể.
16. Ví dụ về những chi phí không được tính vào giá gốc hàng tồn kho mà được ghi nhận vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ:
(a) Giá trị các khoản hao hụt phát sinh trên mức bình thường của nguyên vật liệu, nhân công hoặc các chi phí sản xuất khác;
(b) Chi phí lưu kho trừ khi những chi phí này là cần thiết cho giai đoạn sản xuất tiếp theo;
(c) Chi phí quản lý doanh nghiệp; và
(d) Chi phí bán hàng.
17. IAS 23 Chi phí đi vay quy định một số tình huống mà trong đó các chi phí đi vay được tính trong giá gốc hàng tồn kho.
18. Một đơn vị có thể mua hàng tồn kho với các điều khoản trả chậm. Trong trường hợp thỏa thuận mua bán có yếu tố tài chính, chẳng hạn, là sự chênh lệch giữa giá mua khi áp dụng các điều khoản tín dụng thông thường với giá mua trả tiền ngay, thi các yếu tố tài chính này sẽ được ghi nhận là một khoản chi phí lãi vay trong suốt thời kỳ có liên quan đến khoàn chi phí tài chính đó.
Giá gốc hàng tồn kho của đơn vị cung cấp dịch vụ
19. [Đã xóa]
Giá gốc của sản phẩm nông nghiệp được thu hoạch từ các tài sản sinh học
20. Theo IAS 41 Nông nghiệp, hàng tồn kho là sản phẩm nông nghiệp mà đơn vị thu hoạch từ các tài sản sinh học được ghi nhận ban đầu theo giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán tại thời điểm thu hoạch. Đây là giá gốc của hàng tồn kho tại ngày áp dụng chuẩn mực này.
Kỹ thuật đo lường giá gốc hàng tồn kho
21. Các kỹ thuật đo lường giá gốc hàng tồn kho, như phương pháp chi phí định mức hoặc phương pháp giá bán lẻ, có thể được sử dụng cho thuận tiện nếu các kết quả tính toán xấp xỉ giá gốc. Phương pháp chi phí định mức được tính theo mức sử dụng bình thường của nguyên vật liệu, nhân công, hiệu quả và hiệu suất sử dụng. Các yếu tố được sử dụng trong phương pháp chi phí định mức phải thường xuyên được xem xét lại và nếu cần thiết, sẽ được điều chỉnh theo các điều kiện hiện tại.
22. Phương pháp giá bán lẻ thường được dùng trong ngành bán lẻ để tính giá trị của hàng tồn kho với số lượng lớn các mặt hàng thay đổi nhanh chóng và có lợi nhuận tương tự mà không thể sử dụng các phương pháp tính giá gốc khác. Giá gốc hàng tồn kho được xác định bằng cách lấy doanh thu của việc bán hàng tồn kho trừ đi một tỷ lệ % lợi nhuận phù hợp. Tỷ lệ % lợi nhuận phù hợp được tính bằng cách giảm giá hàng tồn kho xuống thấp hơn giá bán ban đầu của các loại hàng tồn kho này. Thông thường mỗi bộ phận bán lẻ sẽ sử dụng một tỷ lệ % bình quân riêng.
Các phương pháp tính giá hàng tồn kho
23. Đối với các loại hàng tồn kho không thể thay thế cho nhau theo một cách thông thường và các loại hàng hóa được sản xuất hoặc dịch vụ được cung cấp theo từng dự án riêng biệt, từng yếu tố trong giá gốc hàng tồn kho được xác định theo phương pháp “Thực tế đích danh”.
24. Phương pháp Thực tế đích danh là phương pháp mà trong đó các chi phí cụ thể được tính cho từng khoản mục trong hàng tồn kho. Phương pháp này phù hợp với các danh mục hàng tồn kho được tách riêng cho từng dự án cụ thể, không phân biệt hàng được mua về hay sản xuất ra. Tuy nhiên phương pháp Thực tế đích danh sẽ không phù hợp khi áp dụng cho việc tính giá các loại hảng tồn kho có đặc điểm là một số lượng lớn các hàng tồn kho trong cùng một danh mục có thể thay thế cho nhau trong các điều kiện thông thường. Trong những tình huống này, phương pháp để lựa chọn từng danh mục hàng còn tồn tại trong hàng tồn kho có thể được sử dụng để xác định trước các ảnh hưởng lên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
25. Đối với hàng tồn kho không thuộc các trường hợp quy định trong đoạn 23, giá gốc hàng tồn kho được tính theo phương pháp “Nhập trước – Xuất trước” (FIFO) hoặc phương pháp “Bình quân gia quyền”. Đơn vị chỉ được sử dụng một phương pháp duy nhất cho tất cả các loại hàng tồn kho có cùng bản chất và công dụng. Đối với hàng tồn kho khác nhau về bản chất và công dụng, các phương pháp tính giá hàng tồn kho khác nhau có thể được xem xét áp dụng.
26. Ví dụ: Trong cùng một đơn vị, hàng tồn kho được sử dụng trong bộ phận kinh doanh này có thể có công dụng khác với cùng loại hàng tồn kho đó khi được sử dụng trong một bộ phận kinh doanh khác. Tuy nhiên sự khác biệt về khu vực địa lý (hoặc các quy định khác nhau về thuế) chưa đủ là cơ sở để áp dụng các công thức tính giá hàng tồn kho khác nhau.
27. Phương pháp Nhập trước Xuất trước giả định rằng hàng tồn kho được mua trước hoặc sản xuất trước thì được xuất trước và do đó và hàng tồn kho còn lại cuối kỳ là hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất gần thời điểm cuối kỳ nhất. Theo phương pháp bình quân gia quyền, giá trị của mỗi loại hàng tồn kho được xác định dựa trên giá trị bình quân gia quyền của các mặt hàng tương tự nhau trong từng loại hàng tồn kho tại đầu kỳ và mua về hoặc sản xuất ra trong kỳ. Giá trị bình quân có thể tính theo kỳ, hoặc theo mỗi lần nhập hàng, phụ thuộc vào tình hình thực tế của đơn vị.
Giá trị thuần có thể thực hiện được
28. Giá trị hàng tồn kho có thể không thu hồi được khi hàng tồn kho bị hư hỏng, bị lỗi thời toàn bộ hoặc một phần hoặc khi giá bán của chúng giảm xuống. Giá trị của hàng tồn kho cũng có thể không thu hồi được khi chi phí ước tính để hoàn thiện hay chi phí ước tính để bán hàng tăng lên. Việc ghi giảm giá gốc hàng tồn kho xuống mức giá trị thuần có thể thực hiện được nhằm phản ánh nguyên tắc tài sản không được phản ánh lớn hơn giá trị ước tính có thể thu hồi được từ việc bán hay sử dụng tài sản đó.
29. Đơn vị phải ghi giảm giá gốc hàng tồn kho xuống mức giá trị thuần có thể thực hiện được theo từng loại hàng tồn kho. Trong một số trường hợp, đơn vị cũng có thể ghi giảm giá gốc hàng tồn kho theo từng nhóm hàng tồn kho có bản chất tương tự hoặc liên quan đến nhau, ví dụ như các loại hàng tồn kho được sản xuất trên cùng một dây chuyền sản xuất có cùng mục đích và công năng sử dụng cuối cùng và được bán trong cùng một khu vực địa lý và không thể đánh giá một cách riêng biệt với các loại hàng tồn kho khác trong cùng dây chuyền sản xuất đó. Việc ghi giảm giá trị hàng tồn kho xuống giá trị thuần có thể thực hiện được trên cơ sở phân loại các loại hàng tồn kho, chẳng hạn như thành phẩm, hoặc trên cơ sở phân chia theo từng đơn vị hoạt động cụ thể là không phù hợp.
30. Việc ước tính giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho phải dựa trên bằng chứng tin cậy nhất hiện có tại thời điểm ước tính cũng như phải xem xét đến sự biến động của giá trị của hàng tồn kho được ước tính ghi nhận. Việc ước tính này cần xem xét đến các yếu tố sự biến động của giá cả hoặc chi phí trực tiếp liên quan đến các sự kiện diễn ra sau ngày kết thúc kỳ kế toán khi mà các sự kiện này khẳng định các điều kiện hiện có vào cuối kỳ kế toán.
31. Việc ước tính giá trị thuần có thể thực hiện được cũng phải tính đến mục đích tích trữ hàng tồn kho. Ví dụ, việc xác định giá trị thuần có thể thực hiện được của lượng hàng tồn kho được tích trữ để đáp ứng việc cung cấp dịch vụ hoặc hàng hóa theo hợp đồng đã ký phải căn cứ trên giá trị trong hợp đồng. Trường hợp lượng hàng tồn kho đang tích trữ lớn hơn số lượng cần cho các hợp đồng đã ký thì giá trị thuần có thể thực hiện được của số hàng tồn kho chưa ký được hợp đồng tiêu thụ sẽ được ước tính dựa trên giá bán chung. Các khoản dự phòng có thể phát sinh trong trường hợp số lượng hàng tồn kho trong các hợp đồng bán hàng vượt quá số lượng hàng tồn kho đang có hoặc trong các trường hợp số lượng hàng tồn kho trong các hợp đồng mua đã ký nhỏ hơn lượng hàng tồn kho cần thiết để cung cấp cho các hợp đồng bán hàng đã ký. Các khoản dự phòng này được thực hiện theo quy định trong IAS 37 “Dự phòng, Nợ tiềm tàng và tài sản tiềm tàng”.
32. Các nguyên vật liệu và công cụ dụng cụ nắm giữ để sử dụng trong quá trình sản xuất hàng tồn kho không được ghi giảm thấp hơn giá gốc nếu thành phẩm do chúng góp phần cấu thành nên dự kiến sẽ được bán với giá bằng hoặc cao hơn giá thành sản xuất. Tuy nhiên, khi sự giảm giá nguyên vật liệu là bằng chứng thể hiện giá thành sản xuất sản phẩm cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được thì giá trị nguyên vật liệu sẽ được ghi giảm xuống bằng giá trị thuần có thể thực hiện được. Trong trường hợp này, giá trị của các nguyên vật liệu tương đương sẽ được dùng để thay thế và được xem là phương pháp đo lường hiện có tốt nhất dùng để đo lường giá trị thuần có thể thực hiện được.
33. Trong từng kỳ tiếp theo thì giá trị thuần có thể thực hiện được sẽ được đánh giá lại. Trong trường hợp các điều kiện trước đây gây ra sự giảm giá trị của hàng tồn kho không còn tồn tại hoặc khi có bằng chứng rõ ràng về việc giá trị thuần có thể thực hiện được tăng lên do tình hình kinh tế thay đổi, giá trị trước đây đã bị ghi giảm sẽ được hoàn nhập (tối đa bằng với giá trị đã bị ghi giảm) để đảm bảo giá trị còn lại của tài sản sẽ là giá trị thấp hơn giữa giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện được. Một ví dụ về việc đánh giá lại giá trị thuần có thể được thực hiện đó là khi một khoản mục hàng tồn kho đang được ghi nhận ở giá trị thuần có thể thực hiện được bởi vì giá bán giảm và loại hàng tồn kho này vẫn đang được nắm giữ bởi đơn vị cho tới kỳ kế toán sau và tại kỳ kế toán sau thì giá bán tăng trở lại.
Ghi nhận là một khoản chi phí
34. Khi bán hàng tồn kho, giá trị còn lại của hàng tồn kho được ghi nhận là chi phí trong kỳ mà doanh thu liên quan được ghi nhận. Khi thực hiện việc ghi giảm giá giá trị hàng tồn kho từ giá gốc xuống giá trị thuần có thể thực hiện được thì khoản chênh lệch giữa giá gốc của hàng tồn kho và giá trị thuần có thể thực hiện được sẽ được ghi nhận là chi phí trong kỳ hoặc là các khoản lỗ. Các khoản hoàn nhập hàng tồn kho phát sinh từ việc gia tăng giá trị thuần có thể thực hiện được tương ứng với khoản đã ghi giảm giá trị hàng tồn kho trước đây sẽ được ghi nhận là một khoản làm giảm chi phí phát sinh trong kỳ thực hiện việc hoàn nhập.
35. Một số hàng tồn kho có thể được phân bổ cho các tài sản khác, ví dụ, hàng tồn kho được sử dụng như là một phần của tài sản, nhà xưởng, máy móc thiết bị tự xây dựng. Các hàng tồn kho này sẽ được ghi nhận là một khoản chi phí trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản.
Trình bày trên Báo cáo tài chính
36. Đơn vị sẽ trình bày trên báo cáo tài chính những mục như sau:
(a) Các chính sách kế toán áp dụng trong việc đo lường giá trị hàng tồn kho, bao gồm cả các phương pháp tính giá hàng tồn kho;
(b) Tổng giá trị còn lại của hàng tồn kho và giá trị còn lại của từng loại hàng tồn kho phù hợp với cách phân loại của đơn vị;
(c) Giá trị còn lại của hàng tồn kho được ghi nhận theo giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán hàng;
(d) Giá trị hàng tồn kho được ghi nhận là chi phí trong kỳ;
(e) Khoản ghi giảm giá trị hàng tồn kho được ghi nhận là chi phí trong kỳ theo quy định trong đoạn 34;
(f) Khoản hoàn nhập (đối với số đã ghi giảm giá trị hàng tồn kho trước đây) được ghi giảm chi phí trong kỳ theo quy định trong đoạn 34;
(g) Tình huống hay sự kiện dẫn đến việc hoàn nhập hàng tồn kho theo quy định trong đoạn 34; và
(h) Giá trị còn lại của các hàng tồn kho được xem là khoản đảm bảo cho các khoản nợ phải trả.
37. Thông tin về giá trị còn lại theo từng loại hàng tồn kho và biến động trong kỳ của các tài sản này là thông tin hữu ích đối với người sử dụng báo cáo tài chính. Việc phân loại hàng tồn kho thông thường bao gồm: Hàng hóa, nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ dùng cho việc sản xuất, sản phẩm dở dang và thành phẩm.
38. Giá trị hàng tồn kho được ghi nhận là chi phí trong kỳ thường được trình bày là giá vốn hàng bán. Khoản giá vốn hàng bán này bao gồm các khoản chi phí trước đây được ghi nhận trong giá trị hàng tồn kho đang được dùng để bán cộng với chi phí sản xuất chung không được phân bổ và giá trị các khoản hao hụt phát sinh trên mức bình thường trong quá trình sản xuất. Ngoài ra cũng có những tình huống mà đơn vị nên đưa các chi phí khác có liên quan đến hàng tồn kho vào việc trình bày trên báo cáo tài chính, chẳng hạn như chi phí phân phối sản phẩm.
39. Một vài đơn vị áp dụng mẫu biểu về báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh mà trong đó kết quả được trình bày khác với việc ghi nhận giá trị hàng tồn kho như là một khoản chi phí trong kỳ. Với mẫu biểu này, đơn vị phân chia chi phí theo bản chất của chi phí. Trong trường hợp này đơn vị trình bày các yếu tố trong giá gốc của hàng tồn kho được ghi nhận là chi phí, bao gồm: nguyên vật liệu và các hàng hóa, nhân công và các chi phí khác cùng với khoản thay đổi giá trị thuần của hàng tồn kho trong kỳ.
Ngày có hiệu lực
40. Đơn vị sẽ áp dụng Chuẩn mực này cho kỳ kế toán hằng năm bắt đầu từ hoặc sau ngày 1 tháng Một năm 2005. Việc áp dụng sớm hơn vẫn được khuyến khích. Nếu đơn vị áp dụng Chuẩn mực này cho kỳ kế toán trước ngày 1 tháng Một năm 2005 thì đơn vị phải trình bày điểu đó trên báo cáo tài chính.
40A. [Đã xóa]
40B. [Đã xóa]
40C. IFRS 13 được ban hành vào tháng 5 năm 2011 đã thay đổi định nghĩa về giá trị hợp lý trong đoạn 6 và đoạn 7. Đơn vị sẽ áp dụng những sự thay đổi này khi đơn vị áp dụng IFRS 13.
40D. [Đã xóa]
40E. IFRS 15 Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng được ban hành vào tháng 5 năm 2014 đã điều chỉnh các đoạn 2, 8, 29 và 37 và đã xóa đoạn 19. Đơn vị sẽ áp dụng những sự thay đổi này khi đơn vị áp dụng IFRS 15.
40F. IFRS 9, được ban hành vào tháng 7 năm 2014, đã chỉnh sử đoạn 2 và xóa đoạn 40A, 40B và 40D. Đơn vị sẽ áp dụng những sự thay đổi này khi đơn vị áp dụng IFRS 9.
40G. IFRS 16, Thuê tài sản, được ban hành vào tháng 1 năm 2016, đã thay đổi đoạn 12. Đơn vị sẽ áp dụng những sự thay đổi này khi đơn vị áp dụng IFRS 16.
Thay thế các tuyên bố khác
41. Chuẩn mực này thay thế IAS 2 Hàng tồn kho (được chỉnh sửa trong năm 1993).
42. Chuẩn mực này thay thế SIC-1 Tính Nhất Quán – Các Phương Pháp Tính Giá Khác Nhau Cho Hàng Tồn Kho.
Phụ lục
Một số sự điều chỉnh với các tuyên bố khác
Các điểu chỉnh trong phần phụ lục này sẽ được áp dụng cho kỳ kế toán hằng năm bắt đầu từ hoặc sau ngày 1 tháng Một năm 2005. Nếu đơn vị áp dụng Chuẩn mực này cho kỳ kế toán trước đó thì những điều chỉnh này cũng phải được áp dụng cho những kỳ kế toán trước đó.
*****
Những sự điều chỉnh nằm trong phần phụ lục này bắt đầu có từ khi Chuẩn mực này được thay đổi vào năm 2003 và tiếp tục được tích hợp vào trong các tuyên bố có liên quan được phát hành tại phiên bản này.