Truy cập Trang thông tin tổng hợp về IAS 10 để xem Tóm tắt, Chuẩn mực tiếng Anh, bản dịch tiếng Việt và các bài viết liên quan
Mục đích
1. Mục đích của chuẩn mực này quy định:
(a) trường hợp đơn vị phải điều chỉnh báo cáo tài chính đối với các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán; và
(b) thông tin đơn vị phải công bố về ngày phê duyệt phát hành báo cáo tài chính và các sư kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán.
Chuẩn mực cũng quy định nếu các sự kiện xảy ra sau ngày kết thúc kỳ kế toán không phù hợp với nguyên tắc hoạt động liên tục thì đơn vị không được lập báo cáo tài chính trên cơ sở hoạt động liên tục.
Phạm vi áp dụng
2. Chuẩn mực này áp dụng cho việc kế toán và công bố thông tin về các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán.
Thuật ngữ
3. Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:
Các Sự kiện phát sinh sau Ngày kết thúc kỳ kế toán là những sự kiện có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực phát sinh trong khoảng thời gian từ sau ngày kết thúc kỳ kế toán đến ngày phê duyệt phát hành báo cáo tài chính. Có hai loại sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán:
(a) sự kiện cung cấp bằng chứng về các dữ kiện đã tồn tại vào ngày kết thúc kỳ kế toán (các sự kiện cần điều chỉnh phát sinh sau ngày kết thúc niên độ); và
(b) sự kiện cung cấp bằng chứng về các dữ kiện phát sinh sau ngày kết thúc niên độ (các sự kiện không cần điều chỉnh phát sinh sau ngày kết thúc niên độ).
4. Quy trình phê duyệt phát hành báo cáo tài chính phụ thuộc vào cơ cấu quản lý, yêu cầu và thủ tục cần tuân thủ về lập và hoàn tất báo cáo tài chính.
5. Trong một số trường hợp, đơn vị phải nộp báo cáo tài chính cho các cổ đông để phê duyệt sau khi báo cáo tài chính được phát hành. Trong các trường hợp như vậy, báo cáo tài chính được phê duyệt phát hành là vào ngày phát hành chứ không phải vào ngày mà các cổ đông phê duyệt báo cáo tài chính.
Ví dụ |
Ban Giám đốc của đơn vị hoàn thành dự thảo báo cáo tài chính của năm tài chính có niên độ kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 20X1 vào ngày 28 tháng 2 năm 20X2. Vào ngày 18 tháng 3 năm 20X2, HĐQT soát xét báo cáo tài chính và phê duyệt phát hành. Đơn vị công bố lợi nhuận của mình và một số thông tin tài chính khác vào ngày 19 tháng 3 năm 20X2. Báo cáo tài chính được cung cấp cho các cổ đông và những bên khác vào ngày 1 tháng 4 năm 20X2. Các cổ đông chấp thuận báo cáo tài chính tại cuộc họp thường niên vào ngày 15 tháng 5 năm 20X2 và báo cáo tài chính được phê duyệt sau đó được nộp cho cơ quan quản lý vào 17 tháng 5 năm 20X2. Báo cáo tài chính được phê duyệt phát hành vào ngày 18 tháng 3 năm 20X2 (ngày HĐQT phê duyệt phát hành) |
6. Trong một số trường hợp, Ban Giám đốc của đơn vị được yêu cầu phát hành báo cáo tài chính cho Ủy ban giám sát (chỉ bao gồm những người không điều hành) để phê duyệt. Trong những trường hợp như vậy, báo cáo tài chính được phê duyệt phát hành khi Ban Giám đốc phê duyệt gửi cho Ủy ban giám sát.
Ví dụ |
Vào ngày 18 tháng 3 năm 20X2, Ban Giám đốc đơn vị phê duyệt phát hành báo cáo tài chính để gửi cho Ủy ban giám sát. Ủy ban giám sát chỉ gồm những người không điều hành và có thể bao gồm đại diện của người lao động và các bên khác có lợi ích. Ủy ban giám sát phê duyệt báo cáo tài chính vào ngày 26 tháng 3 năm 20X2. Báo cáo tài chính được cung cấp cho các cổ đông và những bên khác vào ngày 1 tháng 4 năm 20X2. Các cổ đông chấp thuận báo cáo tài chính tại cuộc họp thường niên vào ngày 15 tháng 5 năm 20X2 và báo cáo tài chính sau đó được nộp cho cơ quan quản lý vào ngày 17 tháng 5 năm 20X2. Báo cáo tài chính được phê duyệt phát hành vào ngày 18 tháng 3 năm 20X2 (ngày Ban Giám đốc phê duyệt phát hành gửi cho Ủy ban giám sát). |
7. Sự kiện sau ngày kết thúc kỳ kế toán bao gồm tất cả các sự kiện phát sinh cho đến ngày báo cáo tài chính được phê duyệt phát hành; ngay cả khi những sự kiện đó xảy ra sau khi thông báo công khai về lợi nhuận hoặc một số thông tin tài chính khác.
Ghi nhận và xác định
Các sự kiện cần điều chỉnh phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán
8. Đơn vị phải điều chỉnh các số liệu đã được ghi nhận trong báo cáo tài chính để phản ánh các sự kiện cần điều chỉnh phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán.
9. Ví dụ về các sự kiện cần điều chỉnh phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán yêu cầu đơn vị phải điều chỉnh các số liệu đã ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán hoặc ghi nhận những khoản mục mà trước đó chưa được ghi nhận, gồm:
(a) Kết luận của Tòa án về vụ kiện sau ngày kết thúc kỳ kế toán này xác nhận rằng đơn vị có nghĩa vụ tại ngày kết thúc kỳ kế toán. Đơn vị điều chỉnh bất kỳ khoản dự phòng nào đã được ghi nhận từ trước liên quan đến vụ kiện này theo quy định của Chuẩn mực IAS 37 Các khoản dự phòng, nợ tiềm tàng và tài sản tiềm tàng hoặc ghi nhận những khoản dự phòng mới. Đơn vị không chỉ công bố thông tin về một khoản nợ tiềm tàng do việc thanh toán khoản nợ này cung cấp bằng chứng bổ sung này sẽ được xem xét theo quy định tại đoạn 16 của Chuẩn mực IAS 37.
(b) Thông tin tiếp nhận được sau ngày kết thúc kỳ kế toán cung cấp bằng chứng về một tài sản bị tổn thất tại ngày kết thúc kỳ kế toán, hoặc giá trị của khoản tổn thất được ghi nhận từ trước đối với tài sản này cần phải được điều chỉnh, ví dụ như:
- (i) Một khách hàng bị phá sản xảy ra sau ngày kết thúc kỳ kế toán luôn khẳng định rằng khách hàng này đã là một tổn thất tín dụng tại ngày kết thúc kỳ kế toán.
- (ii) Hàng tồn kho được bán sau ngày kết thúc kỳ kế toán có thể cung cấp bằng chứng về giá trị thuần có thể thực hiện được vào ngày kết thúc kỳ kế toán của hàng tồn kho.
(c) Việc xác định sau ngày kết thúc kỳ kế toán về giá gốc của tài sản đã mua hoặc số tiền thu được từ việc bán tài sản trước ngày kết thúc kỳ kế toán.
(d) Việc xác định về số tiền chia lãi hoặc trả thưởng sau ngày kết thúc kỳ kế toán, nếu đơn vị có nghĩa vụ pháp lý hoặc nghĩa vụ cam kết tại ngày kết thúc kỳ kế toán để thực hiện các khoản thanh toán là kết quả của sự kiện trước ngày đó (xem Chuẩn mực IAS 19 Quyền lợi người lao động).
(e) Việc phát hiện các gian lận và sai sót chỉ ra rằng báo cáo tài chính không chính xác.
Các sự kiện không cần điều chỉnh phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán
10. Đơn vị sẽ không điều chỉnh các số liệu đã ghi nhận trong báo cáo tài chính về các sự kiện không cần điều chỉnh phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán.
11. Ví dụ về các sự kiện không cần điều chỉnh phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán như việc giảm giá trị thị trường của các khoản đầu tư trong khoảng thời gian từ ngày kết thúc kỳ kế toán đến ngày phê duyệt phát hành báo cáo tài chính. Sự giảm giá trị thị trường của các khoản đầu tư thường không liên quan đến tình trạng của các khoản đầu tư vào ngày kết thúc kỳ kế toán, nhưng phản ánh các tình huống phát sinh sau đó. Vì vậy, đơn vị không phải điều chỉnh số liệu đã được ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán đối với các khoản đầu tư này. Tương tự, đơn vị không bổ sung số liệu công bố cho các khoản đầu tư này tại ngày kết thúc kỳ kế toán; mặc dù đơn vị có thể bổ sung công bố theo quy định tại đoạn 21.
Cổ tức
12. Nếu đơn vị công bố cổ tức cho các cổ đông nắm giữ công cụ vốn (theo định nghĩa của Chuẩn mực IAS 32 Công cụ tài chính: Trình bày) sau ngày kết thúc kỳ kế toán, đơn vị sẽ không ghi nhận các khoản cổ tức này như là một khoản nợ phải trả tại ngày kết thúc kỳ kế toán.
13. Nếu cổ tức được công bố sau ngày kết thúc kỳ kế toán nhưng trước ngày phát hành báo cáo tài chính, thì khoản cổ tức này không phải được ghi nhận là một khoản nợ phải trả tại ngày kết thúc kỳ kế toán vì không có nghĩa vụ nào tồn tại tại thời điểm đó. Khoản cổ tức này được trình bày trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính theo quy định tại Chuẩn mực ISA 1 Trình bày báo cáo tài chính.
Hoạt động liên tục
14. Một đơn vị sẽ không lập Báo cáo tài chính trên cơ sở hoạt động liên tục nếu Ban Giám đốc quyết định sau ngày kết thúc kỳ kế toán có ý định giải thể đơn vị, ngừng kinh doanh hoặc không có giải pháp thực tế thay thế nào để thực hiện.
15. Kết quả kinh doanh bị giảm sút và tình hình tài chính xấu đi sau ngày kết thúc kỳ kế toán cần phải xem xét nguyên tắc hoạt động liên tục có còn phù hợp hay không. Nếu nguyên tắc hoạt động liên tục không còn phù hợp mà có ảnh hưởng lan tỏa thì chuẩn mực này yêu cầu đơn vị có sự thay đổi căn bản cơ sở kế toán chứ không phải chỉ điều chỉnh số liệu đã ghi nhận theo cơ sở kế toán ban đầu.
16. Chuẩn mực IAS 1 quy định phải trình bày thông tin nếu:
(a) Báo cáo tài chính không được lập trên cơ sở nguyên tắc hoạt động liên tục; hoặc
(b) Ban Giám đốc nhận thấy có vấn đề không chắc chắn trọng yếu liên quan đến các sự kiện hoặc dữ kiện dẫn đến những nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị. Những sự kiện hoặc dữ kiện quy định phải công bố này có thể phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán.
Trình bày báo cáo
Ngày phê duyệt phát hành
17. Đơn vị sẽ phải công bố ngày phát hành báo cáo tài chính và người phê duyệt phát hành. Nếu chủ sở hữu đơn vị hoặc người khác có thẩm quyền yêu cầu sửa đổi báo cáo tài chính sau khi phát hành, đơn vị phải công bố thông tin này.
18. Điều quan trọng đối với người sử dụng là phải biết Báo cáo tài chính đã được phê duyệt bởi vì Báo cáo tài chính không phản ánh các sự kiện phát sinh sau ngày phát hành.
Cập nhật thông tin công bố về dữ kiện tồn tại tại ngày kết thúc kỳ kế toán
19. Nếu đơn vị nhận được thông tin sau ngày kết thúc kỳ kế toán về các dữ kiện tồn tại vào ngày kết thúc kỳ kế toán, đơn vị phải trình bày về các sự kiện này trên cơ sở xem xét những thông tin mới.
20. Trong một số trường hợp, đơn vị phải cập nhật thông tin trình bày trong báo cáo tài chính để phản ánh thông tin đã nhận được sau ngày kết thúc kỳ kế toán, ngay cả khi thông tin này không ảnh hưởng đến các số liệu đã trình bày trong báo cáo tài chính. Ví dụ yêu cầu phải cập nhật thông tin công bố là khi sau ngày kết thúc kỳ kế toán có bằng chứng rõ về việc sẽ xảy ra một khoản nợ tiềm tàng đã tồn tại tại ngày kết thúc kỳ kế toán. Ngoài việc xem xét liệu có phải ghi nhận hoặc thay đổi một điều khoản theo Chuẩn mực IAS 37 hay không, đơn vị phải cập nhật các thông tin công bố về khoản nợ tiềm tàng này trên cơ sở xem xét bằng chứng này.
Các sự kiện không cần điều chỉnh phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán
21. Nếu các sự kiện không cần điều chỉnh sau ngày kết thúc kỳ kế toán là trọng yếu, việc không trình bày các sự kiện này có thể ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng khi dựa trên các thông tin của báo cáo tài chính do đơn vị cung cấp. Vì vậy, đơn vị phải công bố các sự kiện trọng yếu không cần điều chỉnh sau ngày kết thúc kỳ kế toán như sau:
(a) bản chất của sự kiện; và
(b) ước tính ảnh hưởng về tài chính, hoặc lý do không thể ước tính được các ảnh hưởng này.
22. Các ví dụ về sự kiện không cần điều chỉnh phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán cần phải trình bày trên báo cáo tài chính, như sau:
(a) Hợp nhất kinh doanh chính sau ngày kết thúc kỳ kế toán (Chuẩn mực IFRS 3 Hợp nhất kinh doanh yêu cầu công bố thông tin cụ thể cho từng trường hợp) hoặc việc thanh lý đơn vị con chính;
(b) Công bố kế hoạch ngừng hoạt động;
(c) Mua sắm tài sản có giá trị lớn, phân loại tài sản giữ để bán theo quy định của IFRS 5 Tài sản cố định giữ để bán và hoạt động không liên tục, thanh lý tài sản, hoặc bị chính phủ tịch thu.
(d) Nhà xưởng sản xuất bị phá hủy vì hỏa hoạn sau ngày kết thúc kỳ kế toán;
(e) Thông báo hoặc bắt đầu thực hiện, tái cơ cấu chủ yếu (xem Chuẩn mực IAS 37);
(f) Các giao dịch chủ yếu và tiềm năng của cổ phiếu thường sau ngày kết thúc kỳ kế toán (Chuẩn mực IAS 33 Thu nhập trên mỗi cổ phiếu yêu cầu đơn vị công bố mô tả các giao dịch đó, trừ khi các giao dịch đó liên quan đến vấn đề về vốn hóa hoặc cổ phiếu thưởng, chia tách cổ phiếu hoặc chia tách ngược phải điều chỉnh theo quy định của Chuẩn mực IAS 33);
(g) Thay đổi bất thường lớn sau ngày kết thúc kỳ kế toán về giá bán tài sản hoặc tỷ giá hối đoái;
(h) Thay đổi về thuế suất hoặc luật thuế có hiệu lực hoặc được thông báo sau ngày kết thúc kỳ kế toán mà có ảnh hưởng đáng kể đến tài sản, nợ thuế hiện hành hoặc thuế hoãn lại (xem Chuẩn mực ISA 12 Thuế thu nhập doanh nghiệp);
(i) Tham gia những cam kết, thỏa thuận quan trọng hoặc những khoản nợ tiềm tàng (ví dụ phát hành các khoản đảm bảo lớn); và
(j) Xuất hiện những vụ kiện tụng lớn phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán.
Ngày hiệu lực
23. Đơn vị sẽ áp dụng Chuẩn mực này cho các kỳ kế toán hàng năm bắt đầu từ hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 2005. Áp dụng trước thời gian này được khuyến khích. Nếu đơn vị áp dụng chuẩn mực này trong kỳ kế toán bắt đầu trước ngày 1 tháng 1 năm 2005, đơn vị phải công bố thông tin này.
23A. IFRS 13 Đo lường giá trị hợp lý, ban hành vào tháng 5 năm 2011, sửa đổi đoạn 11. Đơn vị sẽ áp dụng sửa đổi đó khi áp dụng IFRS 13.
23B. IFRS 9 Công cụ tài chính, được ban hành vào tháng 7 năm 2014, sửa đổi đoạn 9. Đơn vị sẽ áp dụng sửa đổi đó khi áp dụng Chuẩn mực IFRS 9.
23C. Khái niệm về Trọng yếu (Sửa đổi Chuẩn mực IAS 1 và IAS 8), ban hành vào tháng 10 năm 2018, sửa đổi đoạn 21. Đơn vị sẽ áp dụng những sửa đổi đó cho kỳ kế toán hàng năm bắt đầu từ hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 2020. Đơn vị được phép áp dụng sớm hơn thời gian này. Nếu đơn vị áp dụng chuẩn mực này sớm hơn, đơn vị phải công bố thông tin này. Đơn vị sẽ áp dụng những sửa đổi đó khi áp dụng các sửa đổi cho khái niệm về trọng yếu trong đoạn 7 của Chuẩn mực IAS 1 và đoạn 5 và 6 của Chuẩn mực IAS 8.
Ngừng áp dụng Chuẩn mực IAS 10 (sửa đổi năm 1999)
24. Chuẩn mực này thay thế IAS 10 Các sự kiện phát sinh sau ngày lập Bảng cân đối kế toán (sửa đổi năm 1999).
Phụ lục
Sửa đổi các thông báo khác
Các sửa đổi trong phụ lục này sẽ được áp dụng bắt đầu vào hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 2005. Nếu đơn vị áp dụng chuẩn mực này cho giai đoạn trước đó, những sửa đổi này sẽ được áp dụng cho giai đoạn trước đó.
* * * * *
Các sửa đổi có trong phụ lục này khi Chuẩn mực này được sửa đổi năm 2003 đã được đưa vào các IFRS có liên quan được công bố trong tập này.