Truy cập Trang thông tin tổng hợp về IAS 37 để xem Tóm tắt, Chuẩn mực tiếng Anh, bản dịch tiếng Việt và các bài viết liên quan
Mục tiêu
Mục tiêu của Chuẩn mực này là đảm bảo rằng các nguyên tắc ghi nhận và cơ sở xác định giá trị thích hợp áp dụng cho các khoản dự phòng phải trả, nợ tiềm tàng và tài sản tiềm tàng và đảm bảo thông tin được trình bày đầy đủ trong các thuyết minh nhằm giúp người sử dụng hiểu được bản chất, thời gian và giá trị của các khoản mục này.
Phạm vi
1. Chuẩn mực này áp dụng cho tất cả các đơn vị trong việc hạch toán các khoản dự phòng, nợ tiềm tàng và tài sản tiềm tàng, ngoại trừ:
(a) Các khoản mục phát sinh từ các hợp đồng cần được thực hiện, trừ hợp đồng có rủi ro lớn; và
(b) [đã xóa]
(c) Các khoản mục đã được quy định trong các Chuẩn mực khác.
2. Chuẩn mực này không áp dụng cho các công cụ tài chính (bao gồm cả điều khoản bảo lãnh) trong phạm vi của IFRS 9 Công cụ tài chính.
3. Hợp đồng cần thực hiện là hợp đồng mà theo đó chưa bên nào thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào của mình hoặc cả hai bên đã thực hiện một phần nghĩa vụ trên hợp đồng ở mức độ tương đương nhau. Chuẩn mực này không áp dụng cho hợp đồng cần được thực hiện, trừ khi chúng là các hợp đồng có rủi ro lớn.
4. [đã xóa]
5. Khi có một chuẩn mực khác đề cập đến một loại dự phòng phải trả, nợ tiềm tàng và tài sản tiềm tàng cụ thể thì đơn vị phải áp dụng chuẩn mực đó thay vì Chuẩn mực này. Ví dụ, một số loại dự phòng phải trả được đề cập trong các Chuẩn mực khác:
(a) [đã xóa]
(b) Thuế thu nhập doanh nghiệp (xem IAS 12 Thuế thu nhập doanh nghiệp)
(c) Thuê tài sản (xem IFRS 16 Thuê tài sản). Tuy nhiên Chuẩn mực này áp dụng cho bất kỳ khoản thuê tài sản nào có rủi ro lớn trước ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng theo định nghĩa tại IFRS 16. Chuẩn mực này cũng áp dụng cho các khoản thuê ngắn hạn và thuê tài sản mà tài sản có giá trị thấp được hạch toán theo đoạn 6 của IFRS 16 và trở thành có rủi ro lớn;
(d) Lợi ích của người lao động (xem IAS 19 Lợi ích của người lao động);
(e) Các hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng khác trong phạm vi của IFRS 17 Hợp đồng bảo hiểm;
(f) Khoản thanh toán tiềm tàng của bên mua trong giao dịch hợp nhất kinh doanh (xem IFRS 3 Hợp nhất kinh doanh); và
(g) Doanh thu từ các hợp đồng với khách hàng (xem IFRS 15 Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng). Tuy nhiên, vì IFRS 15 không có các yêu cầu cụ thể để xử lý các hợp đồng với các khách hàng có hoặc đã trở thành rủi ro lớn, Chuẩn mực này áp dụng cho các trường hợp như vậy.
6. [Đã xóa]
7. Chuẩn mực này định nghĩa dự phòng phải trả là khoản nợ phải trả không chắc chắn về mặt thời gian hoặc giá trị. Ở một số nước, thuật ngữ “dự phòng” cũng được sử dụng trong phạm vi của các khoản mục như khấu hao, suy giảm giá trị tài sản và nợ phải thu khó đòi: đây là các khoản điều chỉnh giá trị ghi sổ của tài sản và không được đề cập trong Chuẩn mực này.
8. Các Chuẩn mực khác quy định cụ thể khi nào các khoản chi tiêu được xử lý như tài sản hoặc chi phí. Những vấn đề đó không được quy định trong Chuẩn mực này. Theo đó, Chuẩn mực này không hạn chế cũng không yêu cầu phải vốn hóa các chi phí đã ghi nhận khi trích lập dự phòng.
9. Chuẩn mực này áp dụng cho các khoản dự phòng tái cấu trúc (bao gồm cả việc hoạt động bị chấm dứt). Khi việc tái cấu trúc đáp ứng định nghĩa về hoạt động bị chấm dứt thì phải trình bày bổ sung các thuyết minh theo quy định tại IFRS 5 Tài sản dài hạn nắm giữ để bán hoặc hoạt động bị chấm dứt.
Các định nghĩa
10. Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:
Một khoản dự phòng phải trả là một khoản nợ phải trả không chắc chắn về thời gian và giá trị.
Một khoản nợ phải trả là nghĩa vụ hiện tại của đơn vị phát sinh từ các sự kiện trong quá khứ mà việc thanh toán nghĩa vụ đó dự kiến dẫn đến làm giảm nguồn lực kinh tế của đơn vị.
Một sự kiện có tính chất bắt buộc là một sự kiện làm nảy sinh một nghĩa vụ pháp lý hoặc nghĩa vụ ngầm định làm cho đơn vị không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện nghĩa vụ đó.
Một nghĩa vụ pháp lý là một nghĩa vụ bắt nguồn từ:
(a) Một hợp đồng (thông qua các điều khoản rõ ràng hoặc ngầm định)
(b) Quy định của pháp luật; hoặc là
(c) Hoạt động khác của pháp luật.
Một nghĩa vụ ngầm định là một nghĩa vụ phát sinh từ các hoạt động của đơn vị khi:
(a) Bởi mô hình được thiết lập từ thực tiễn trong quá khứ, các chính sách được công bố hoặc một tuyên bố đủ cụ thể ở thời điểm hiện tại, đơn vị đã chỉ ra cho các bên khác rằng họ sẽ chấp nhận một số trách nhiệm nhất định; và
(b) Do đó, đơn vị đã cho các bên khác biết rằng họ sẽ cam kết thực hiện các trách nhiệm đó.
Một khoản nợ tiềm tàng là:
(a) nghĩa vụ có thể phát sinh từ các sự kiện trong quá khứ và sự tồn tại của chúng sẽ chỉ được xác nhận bằng việc xảy ra hoặc không xảy ra của một hoặc nhiều sự kiện không chắc chắn trong tương lai mà đơn vị không hoàn toàn kiểm soát được; hoặc là
(b) nghĩa vụ hiện tại phát sinh từ các sự kiện trong quá khứ nhưng chưa được ghi nhận vì:
i. Không chắc chắn có sự giảm sút về lợi ích kinh tế do việc thực hiện nghĩa vụ nợ; hoặc là
ii. Giá trị của nghĩa vụ đó không được xác định một cách đáng tinh cậy.
Một tài sản tiềm tàng là tài sản có thể phát sinh từ các sự kiện trong quá khứ và sự tồn tại của chúng sẽ chỉ được xác nhận bằng việc xảy ra hoặc không xảy ra của một hoặc nhiều sự kiện không chắc chắn trong tương lai mà đơn vị không hoàn toàn kiểm soát được.
Một hợp đồng có rủi ro lớn là một hợp đồng trong đó các khoản chi phí không tránh khỏi để thực hiện nghĩa vụ hợp đồng vượt quá lợi ích kinh tế dự kiến thu được từ hợp đồng đó.
Tái cấu trúc là một chương trình do ban lãnh đạo đơn vị lập kế hoạch và kiểm soát, dẫn đến sự thay đổi trọng yếu về:
(a) Quy mô hoạt động của đơn vị; hoặc
(b) Cách thức hoạt động của đơn vị.
Dự phòng phải trả và các khoản nợ phải trả khác
11. Dự phòng phải trả có thể phân biệt với các khoản nợ phải trả khác như phải trả người bán và các khoản chi phí phải trả vì tính không chắc chắn cả về thời gian và giá trị của các khoản chi tiêu trong tương lai cần phải thanh toán. Ngược lại:
(a) Các khoản nợ phải trả người bán là các khoản nợ phải trả cho hàng hóa, dịch vụ đã nhận được hoặc đã được cung cấp và đã được xuất hóa đơn hay chính thức đồng ý với nhà cung cấp; và
(b) Các khoản chi phí phải trả là các khoản công nợ phải trả cho hàng hóa hoặc dịch vụ đã nhận được hoặc đã được cung cấp nhưng chưa thanh toán, chưa xuất hóa đơn hay chính thức đồng ý với nhà cung cấp, bao gồm giá trị phải trả người lao động (ví dụ, số tiền liên quan đến tiền lương nghỉ phép). Mặc dù các khoản chi phí phải trả đôi lúc vẫn cần phải ước tính về giá trị và thời gian, tính không chắc chắn thường là thấp hơn nhiều so với dự phòng phải trả.
Các khoản chi phí phải trả thường được ghi nhận như một phần của các khoản phải trả người bán và phải trả khác, trong khi đó các khoản dự phòng thường được ghi nhận riêng biệt.
Mối quan hệ giữa dự phòng phải trả và nợ tiềm tàng
12. Nhìn chung, tất cả dự phòng phải trả là tiềm tàng vì chúng không chắc chắn về mặt thời gian và giá trị. Tuy nhiên, trong Chuẩn mực này, khái niệm “tiềm tàng” được áp dụng cho các tài sản và nợ phải trả không được ghi nhận vì sự tồn tại của chúng chỉ được xác nhận bằng khả năng xảy ra hay không xảy ra của một hoặc nhiều sự kiện không chắc chắn trong tương lai mà đơn vị không hoàn toàn kiểm soát được. Hơn nữa, khái niệm “nợ tiềm tàng” được áp dụng cho các khoản nợ phải trả không đáp ứng tiêu chuẩn ghi nhận.
13. Chuẩn mực này phân biệt rõ giữa:
(a) Dự phòng phải trả – là các khoản đã được ghi nhận như nợ phải trả (với giả định có thể ước tính một cách đáng tin cậy) vì chúng là nghĩa vụ nợ hiện tại và có thể có sự giảm sút các lợi ích kinh tế để thanh toán các nghĩa vụ nợ đó; và
(b) Nợ tiềm tàng – các khoản không được ghi nhận như nợ phải trả vì chúng đồng thời là:
i. Nghĩa vụ có thể phát sinh, vì nó chưa được xác nhận liệu đơn vị có nghĩa vụ nợ hiện tại có thể dẫn đến sự giảm sút lợi ích kinh tế hay không; hoặc
ii. Nghĩa vụ hiện tại nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn ghi nhận trong Chuẩn mực này (vì đồng thời không có khả năng có sự giảm sút lợi ích kinh tế tại đơn vị để thanh toán cho các nghĩa vụ nợ, hoặc giá trị nghĩa vụ nợ đó không thể ước tính một cách đáng tin cậy).
Ghi nhận
Dự phòng phải trả
14. Một khoản dự phòng phải trả được ghi nhận khi:
(a) Đơn vị có nghĩa vụ nợ hiện tại (pháp lý hoặc ngầm định) như là kết quả của sự kiện trong quá khứ;
(b) Sự giảm sút về những lợi ích kinh tế có thể xảy ra do việc thanh toán nghĩa vụ nợ; và
(c) Giá trị của nghĩa vụ nợ đó có thể được ước tính một cách đáng tin cậy.
Nếu các điều kiện này không đáp ứng được, không có khoản dự phòng nào được ghi nhận.
Nghĩa vụ hiện tại
15. Rất ít trường hợp không thể chắc chắn được rằng liệu đơn vị có nghĩa vụ nợ hiện tại hay không. Trong trường hợp này, một sự kiện trong quá khứ được coi là phát sinh ra nghĩa vụ nợ hiện tại khi xem xét tất cả các bằng chứng hiện có, thì có khả năng cao là tồn tại một nghĩa vụ nợ hiện tại tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo.
16. Trong hầu hết các trường hợp đều có thể xác định rõ được rằng một sự kiện trong quá khứ có làm phát sinh một nghĩa vụ nợ hiện tại hay không. Trong rất ít trường hợp, ví dụ trong một vụ xét xử, có thể có tranh luận để xác định rằng có sự kiện chắc chắn đã xảy ra hay chưa và có dẫn đến một nghĩa vụ nợ hay không. Trong tình huống này, đơn vị phải xác định xem liệu có tồn tại nghĩa vụ nợ hiện tại tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo hay không thông qua việc xem xét tất cả các bằng chứng hiện có, bao gồm cả ý kiến của chuyên gia. Bằng chứng được xem xét bao gồm bất kỳ bằng chứng bổ sung nào cho các sự kiện xảy ra sau thời điểm kết thúc kỳ báo cáo. Trên cơ sở các bằng chứng này:
(a) Khi khả năng cao là tồn tại một nghĩa vụ nợ hiện tại tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo, đơn vị ghi nhận một khoản dự phòng phải trả (nếu đáp ứng các tiêu chuẩn ghi nhận); và
(b) Khi khả năng cao là không có nghĩa vụ nợ hiện tại nào tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo, đơn vị thuyết minh một khoản nợ tiềm tàng, trừ khi khả năng giảm sút các lợi ích kinh tế là khó có thể xảy ra (xem đoạn 86).
Sự kiện quá khứ
17. Một sự kiện quá khứ làm phát sinh nghĩa vụ nợ hiện tại được gọi là sự kiện có tính chất bắt buộc. Một sự kiện trở thành sự kiện có tính chất bắt buộc, nếu đơn vị không có lựa chọn nào khác ngoài việc thanh toán các nghĩa vụ nợ tạo ra bởi sự kiện đó. Trường hợp này chỉ xảy ra:
(a) Khi việc thanh toán các nghĩa vụ nợ do pháp luật bắt buộc; hoặc
(b) Trong trường hợp là một nghĩa vụ ngầm định, khi sự kiện này (có thể là một hành động của đơn vị) đã cho các bên khác biết rằng đơn vị cam kết sẽ thanh toán nghĩa vụ nợ đó.
18. Báo cáo tài chính chỉ liên quan đến tình hình tài chính của đơn vị tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo và không liên quan đến tình hình tài chính có thể xảy ra trong tương lai. Vì vậy, không cần phải ghi nhận một khoản dự phòng phải trả nào cho các chi phí cần thiết cho các hoạt động trong tương lai. Các khoản nợ phải trả chỉ được ghi nhận trong báo cáo tình hình tài chính của đơn vị khi chúng tồn tại tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo.
19. Chỉ các nghĩa vụ nợ phát sinh từ các sự kiện trong quá khứ, tồn tại độc lập với các hoạt động trong tương lai của đơn vị (ví dụ cách tiến hành hoạt động kinh doanh trong tương lai) mới được ghi nhận là khoản dự phòng phải trả. Ví dụ về nghĩa vụ đó là các khoản phạt hoặc chi phí xử lý thiệt hại do các vi phạm pháp luật về môi trường, đều làm giảm sút các lợi ích kinh tế do phải thanh toán nghĩa vụ nợ và tất yếu sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động trong tương lai của đơn vị. Tương tự, đơn vị phải ghi nhận một khoản dự phòng phải trả cho chi phí tháo dỡ trang thiết bị của giàn khoan dầu hay nhà máy điện hạt nhân mà đơn vị có nghĩa vụ phải khắc phục những tổn thất đã gây ra. Ngược lại, do áp lực về thương mại hoặc quy định của pháp luật, đơn vị có thể dự định hoặc cần phải chi tiêu để vận hành như trường hợp đặc biệt trong tương lai thì không phải trích lập dự phòng phải trả (ví dụ, lắp thêm thiết bị lọc khói cho một nhà máy). Do đơn vị có thể tránh được các chi phí trong tương lai thông qua các hành động trong tương lai, ví dụ thay đổi phương thức hoạt động, nên đơn vị không có nghĩa vụ hiện tại cho các khoản chi tiêu trong tương lai và cũng không phải ghi nhận bất kỳ khoản dự phòng phải trả nào.
20. Một nghĩa vụ thường liên quan đến một đối tác khác có quyền lợi với nghĩa vụ đó. Tuy nhiên, không cần thiết phải xác định rõ bên có quyền lợi với nghĩa vụ đó, như trường hợp nghĩa vụ đối với cộng đồng. Vì một nghĩa vụ luôn gắn với các cam kết với bên đối tác khác, theo đó, quyết định của Ban giám đốc hay Ban quản trị không dẫn đến nghĩa vụ ngầm định tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo, trừ khi quyết định này đã được thông báo một cách đầy đủ và cụ thể trước ngày kết thúc kỳ báo cáo cho những đối tượng bị ảnh hưởng, để cho họ biết về việc đơn vị cam kết sẽ thực hiện các trách nhiệm đó.
21. Một sự kiện không nhất thiết làm phát sinh một nghĩa vụ ngay lập tức mà có thể sẽ phát sinh sau này do sự thay đổi của luật pháp hoặc do hành động của đơn vị (ví dụ một công bố rõ ràng và đầy đủ) dẫn đến một nghĩa vụ ngầm định. Ví dụ, khi xảy ra thiệt hại về môi trường có thể sẽ không phát sinh nghĩa vụ để giải quyết các hậu quả gây ra. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra thiệt hại sẽ trở thành một sự kiện có tính chất bắt buộc khi có quy định mới của luật pháp yêu cầu khắc phục các thiệt hại hiện tại hoặc khi đơn vị công khai thừa nhận trách nhiệm khắc phục các thiệt hại đó như là một nghĩa vụ ngầm định.
22. Trường hợp các quy định chi tiết của một luật mới được đề xuất vẫn chưa được thông qua, nghĩa vụ chỉ phát sinh khi luật này chắc chắn được ban hành như đã đề xuất. Trong phạm vi của Chuẩn mực này, nghĩa vụ đó sẽ được coi như một nghĩa vụ pháp lý. Các khác biệt trong hoàn cảnh xung quanh việc ban hành luật dẫn đến việc không thể xác định rõ một sự kiện đơn lẻ có thể khiến cho việc ban hành luật trở nên chắc chắn xảy ra. Trong nhiều trường hợp, việc ban hành một đạo luật không thể coi là chắc chắn cho đến khi nó được ban hành.
Sự giảm sút lợi ích kinh tế có thể xảy ra
23. Một khoản nợ phải trả được ghi nhận khi không những là nghĩa vụ hiện tại mà còn phải có khả năng có sự giảm sút lợi ích kinh tế do việc thanh toán nghĩa vụ nợ đó. Trong phạm vi của Chuẩn mực này, sự giảm sút lợi ích kinh tế hoặc một sự kiện được coi là chắc chắn khi nó có khả năng xảy ra lớn hơn là khả năng nó không xảy ra. Khi không thể xác định được sự tồn tại của một nghĩa vụ hiện tại, đơn vị phải thuyết minh một khoản nợ tiềm tàng, trừ khi khả năng giảm sút về lợi ích kinh tế là khó có thể xảy ra (xem đoạn 86).
24. Khi có nhiều nghĩa vụ tương tự nhau (ví dụ khoản bảo hành sản phẩm hoặc hợp đồng tương tự) thì khả năng giảm sút lợi ích kinh tế do việc thanh toán nghĩa vụ nợ được xác định bởi việc xem xét toàn bộ nhóm nghĩa vụ nợ nói chung. Mặc dù khả năng giảm sút lợi ích kinh tế của bất kỳ nghĩa vụ nợ đơn lẻ có thể rất nhỏ nhưng hoàn toàn có thể làm giảm sút lợi ích kinh tế do việc thanh toán toàn bộ nhóm nghĩa vụ nợ đó. Trong trường hợp này, một khoản dự phòng cần ghi nhận (nếu đáp ứng các tiêu chuẩn ghi nhận khác).
Ước tính đáng tin cậy về nghĩa vụ
25. Việc sử dụng các ước tính là một phần cần thiết trong việc lập báo cáo tài chính và không làm mất đi tính tin cậy của báo cáo tài chính. Điều này đặc biệt đúng đối với các khoản dự phòng phải trả, với bản chất của chúng là không chắc chắn như các khoản mục khác trong Báo cáo tình hình tài chính. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt, đơn vị có thể xác định khoảng đầu ra có thể có và từ đó có thể ước tính về nghĩa vụ nợ một cách tin cậy và đầy đủ để ghi nhận dự phòng phải trả.
26. Trong một số ít các trường hợp khi không thể ước tính một cách đáng tin cậy thì không thể ghi nhận một khoản nợ phải trả. Khoản nợ phải trả đó được thuyết minh như một khoản nợ tiềm tàng (xem đoạn 86).
Nợ tiềm tàng
27. Đơn vị không được ghi nhận một khoản nợ tiềm tàng
28. Một khoản nợ tiềm tàng phải được thuyết minh trừ khi khả năng có sự giảm sút lợi ích kinh tế là khó có thể xảy ra, theo yêu cầu tại đoạn 86.
29. Khi một đơn vị chịu trách nhiệm chung và bình đẳng đối với một nghĩa vụ, phần nghĩa vụ nợ dự kiến thuộc về các chủ thể khác được coi như một khoản nợ tiềm tàng. Đơn vị phải ghi nhận khoản dự phòng phải trả cho phần nghĩa vụ nợ có thể xảy ra làm giảm sút lợi ích kinh tế, ngoại trừ một số ít trường hợp không thể đưa ra ước tính đáng tin cậy.
30. Các khoản nợ tiềm tàng có thể xảy ra không như dự kiến ban đầu. Do đó, chúng phải được đánh giá liên tục để xác định liệu có khả năng có sự giảm sút lợi ích kinh tế hay không. Nếu sự giảm sút lợi ích kinh tế trong tương lai có thể xảy ra liên quan đến một khoản mục trước đây là khoản nợ tiềm tàng, thì khoản dự phòng phải trả sẽ cần được ghi nhận trong báo cáo tài chính của kỳ mà sự thay đổi gần như chắc chắn xảy ra (ngoại trừ một số ít trường hợp không thể đưa ra ước tính đáng tin cậy).
Tài sản tiềm tàng
31. Đơn vị không được ghi nhận một tài sản tiềm tàng
32. Tài sản tiềm tàng thường phát sinh từ các sự kiện không có trong kế hoạch hoặc chưa được dự kiến mà dẫn đến khả năng có thể thu được lợi ích kinh tế cho đơn vị. Ví dụ như một yêu cầu bồi thường mà đơn vị đang tiến hành các thủ tục pháp lý trong khi kết quả là chưa chắc chắn.
33. Tài sản tiềm tàng không được ghi nhận trong báo áo tài chính vì nó có thể dẫn đến việc ghi nhận một khoản thu nhập không bao giờ thu được. Tuy nhiên, khi khoản thu nhập gần như chắc chắn thu được thì tài sản liên quan đến nó không còn là tài sản tiềm tàng và việc ghi nhận chúng là phù hợp.
34. Một tài sản tiềm tàng được thuyết minh khi có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai, theo yêu cầu tại đoạn 89.
35. Tài sản tiềm tàng được đánh giá liên tục để đảm bảo rằng các thay đổi được phản ánh trong báo cáo tài chính một cách phù hợp. Nếu chắc chắn có thể thu được lợi ích kinh tế, tài sản và khoản thu nhập liên quan phải được ghi nhận trên báo cáo tài chính trong kỳ phát sinh sự thay đổi đó. Nếu khả năng thu được lợi ích kinh tế là có thể xảy ra, đơn vị cần thuyết minh về tài sản tiềm tàng (xem đoạn 89).
Xác định giá trị
Ước tính tốt nhất
36. Giá trị được ghi nhận của một khoản dự phòng phải trả sẽ là ước tính tốt nhất về khoản tiền sẽ phải chi để thanh toán nghĩa vụ nợ hiện tại tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo.
37. Giá trị ước tính tốt nhất của khoản chi phí cần để thanh toán nghĩa vụ nợ hiện tại là giá trị mà đơn vị sẽ phải thanh toán nghĩa vụ nợ tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo hoặc chuyển giao chúng cho bên thứ ba tại thời điểm đó. Thường thì không thể bỏ ra chi phí rất cao để thanh toán hoặc chuyển giao nghĩa vụ tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo. Tuy nhiên, các ước tính về giá trị mà đơn vị phải suy tính để thanh toán hoặc chuyển giao nghĩa vụ sẽ là giá trị ước tính tốt nhất về chi phí cần thiết để thanh toán cho nghĩa vụ hiện tại tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo.
38. Cách ước tính về kết quả và ảnh hưởng tài chính đều được xác định thông qua đánh giá của Ban giám đốc đơn vị, được bổ sung bởi kinh nghiệm trong các giao dịch tương tự và trong một số trường hợp là báo cáo từ các chuyên gia độc lập. Các bằng chứng được xem xét có thể bao gồm bất kỳ bằng chứng bổ sung nào từ các sự kiện phát sinh sau niên độ.
39. Tính không chắc chắc khi ghi nhận khoản dự phòng phải trả được xem xét theo nhiều cách khác nhau tùy từng hoàn cảnh. Khi một khoản dự phòng được xác định giá trị liên quan đến nhiều khoản mục, thì nghĩa vụ nợ được ước tính dựa trên tất cả các kết quả có thể thu được với xác suất có thể xảy ra của chúng. Đây là phương pháp ước tính thống kê theo “giá trị dự kiến”. Khoản dự phòng phải trả theo đó sẽ phụ thuộc vào xác suất phát sinh khoản lỗ đã được ước tính, ví dụ 60% hay 90%. Khi các kết quả ước tính là liên tục trong một giới hạn nhất định và mỗi điểm ở trong giới hạn đó đều có khả năng xảy ra như nhau thì sẽ chọn điểm ở giữa khoảng giới hạn đó.
Ví dụ:
Một đơn vị bán hàng hóa cho khách hàng có kèm điều khoản bảo hành sửa chữa các hỏng hóc do lỗi sản xuất của hàng hóa trong vòng 06 tháng sau khi mua. Nếu tất cả các các sản phẩm bán ra đều có lỗi hỏng hóc nhỏ thì chi phí sửa chữa là 1 triệu. Nếu tất cả các sản phẩm bán ra đều có lỗi hỏng hóc lớn thì chi phí sửa chữa là 4 triệu. Kinh nghiệm trong quá khứ của đơn vị và dự kiến trong tương lai cho thấy, trong năm tới, 75% hàng hóa bán ra sẽ không bị hỏng hóc, 20% hàng hóa bán ra sẽ bị hỏng hóc nhỏ và 5% hàng hóa bán ra sẽ có hỏng hóc lớn. Theo quy định tại đoạn 24, đơn vị phải đánh giá xác suất chi phí sửa chữa cho toàn bộ nghĩa vụ bảo hành.
Giá trị ước tính của chi phí sửa chữa là:
(75%*0) + (20%*1 triệu) + (5%*4 triệu) = 400.000
40. Khi đánh giá từng nghĩa vụ riêng lẻ, kết quả riêng lẻ có khả năng xảy ra nhất sẽ là giá trị ước tính tốt nhất của khoản nợ phải trả. Tuy nhiên, thậm chí trong trường hợp như thế, đơn vị vẫn phải xem xét các kết quả có thể xảy ra khác. Khi các kết quả có thể xảy ra khác hoặc là hầu hết lớn hơn hoặc là hầu hết nhỏ hơn kết quả có khả năng xảy ra nhất, thì giá trị ước tính tốt nhất sẽ là giá trị cao hơn hoặc thấp hơn đó. Ví dụ, nếu một đơn vị buộc phải sửa chữa một hỏng hóc nghiêm trọng trong một tòa nhà đã xây dựng cho khách hàng, và kết quả riêng lẻ có khả năng xảy ra nhất là sẽ tốn 1.000 để sửa chữa thành công ngay lần đầu, nhưng nếu có khả năng phải sữa chữa các lần tiếp theo thì phải đưa ra một khoản dự phòng có giá trị lớn hơn.
41. Khoản dự phòng được xác định giá trị trước thuế, do đó các ảnh hưởng về thuế của khoản dự phòng phải trả và những thay đổi trong các kết quả đó được quy định trong IAS 12.
Rủi ro và các yếu tố không chắc chắn
42. Rủi ro và các yếu tố không chắc chắn luôn tồn tại xung quanh các sự kiện và tình huống cần phải được xem xét khi xác định giá trị ước tính tốt nhất cho một khoản dự phòng phải trả.
43. Rủi ro thể hiện sự biến động của kết quả. Việc điều chỉnh rủi ro có thể làm tăng giá trị các khoản nợ đã ghi nhận. Đơn vị cần thận trọng trong việc đưa ra các xét đoán khi các điều kiện xảy ra là không chắc chắn, nhằm đảm bảo thu nhập và tài sản không bị ghi nhận quá và chi phí hay công nợ không bị ghi nhận thiếu. Tuy nhiên, yếu tố không chắc chắn không có nghĩa là tạo ra khoản dự phòng phải trả quá mức hoặc khai khống các khoản nợ một cách cố ý. Ví dụ, nếu các khoản chi phí dự kiến cho một rủi ro cụ thể được ước tính trên cơ sở thận trọng thì không nên chủ quan xem kết quả đó là có khả năng xảy ra hơn các tình huống thực tế khác. Thận trọng là việc cần thiết để tránh điều chỉnh trùng lặp đối với rủi ro và yếu tố không chắc chắn dẫn đến khoản dự phòng phải trả bị phản ánh cao hơn thực tế.
44. Thuyết minh về các sự kiện không chắc chắn đối với giá trị của khoản chi trả được quy định tại đoạn 85(b).
Giá trị hiện tại
45. Khi ảnh hưởng giá trị thời gian của tiền là trọng yếu, thì giá trị của một khoản dự phòng phải trả sẽ là giá trị hiện tại của khoản chi phí dự kiến cần phải bỏ ra để thanh toán cho nghĩa vụ nợ.
46. Do giá trị thời gian của tiền tệ, khoản dự phòng phải trả liên quan đến luồng tiền ra phát sinh ngay sau kỳ báo cáo có giá trị thực cao hơn các khoản dự phòng phải trả liên quan đến các luồng tiền chi ra có cùng giá trị phát sinh muộn hơn. Do đó, các khoản dự phòng phải trả cần được chiết khấu khi giá trị thời gian của tiền có ảnh hưởng trọng yếu.
47. Tỷ lệ chiết khấu phải là tỷ lệ trước thuế và phản ánh rõ những đánh giá giá trị thời gian của tiền tệ trên thị trường hiện tại và rủi ro liên quan đến khoản nợ đó. Tỷ lệ chiết khấu sẽ không phản ánh rủi ro khi giá trị ước tính về luồng tiền trong tương lai đã được điều chỉnh.
Sự kiện trong tương lai
48. Sự kiện trong tương lai có thể ảnh hưởng đến giá trị khoản thanh toán cho nghĩa vụ nợ cần được phản ánh vào giá trị khoản dự phòng phải trả khi có đủ bằng chứng tin cậy rằng chúng sẽ xảy ra.
49. Các sự kiện dự kiến trong tương lai có thể đặc biệt quan trọng trong việc xác định các khoản dự phòng phải trả. Ví dụ, một đơn vị có thể tin rằng chi phí dọn dẹp hiện trường khi kết thúc vòng đời của tài sản sẽ giảm xuống do có sự thay đổi công nghệ trong tương lai. Tổng giá trị đã ghi nhận phản ánh cách ước tính hợp lý của các nhà nghiên cứu có trình độ chuyên môn về công nghệ và khách quan, có tính đến các bằng chứng về công nghệ có sẵn tại thời điểm dọn dẹp. Như vậy giá trị dự phòng là hợp lý khi tính đến khoản chi phí ước tính tiết kiệm được liên quan đến kinh nghiệm thu được khi áp dụng các công nghệ hiện tại hoặc chi phí ước tính áp dụng công nghệ hiện tại cho hoạt động dọn dẹp quy mô lớn hơn hoặc phức tạp hơn so với hoạt động đã tiến hành trước đây. Tuy nhiên, đơn vị khó có thể đoán trước được sự phát triển của một công nghệ mới áp dụng cho việc dọn dẹp, trừ khi có đầy đủ bằng chứng khách quan.
50. Ảnh hưởng của quy định pháp luật mới có thể ban hành cần được xem xét trong việc xác định nghĩa vụ hiện tại khi có đầy đủ bằng chứng khách quan cho thấy các quy định pháp lý đó sẽ chắc chắn được ban hành. Do có nhiều trường hợp phát sinh nên không thể xác định được một sự kiện riêng lẻ có thể đưa ra đầy đủ bằng chứng khách quan cho tất cả các trường hợp. Bằng chứng cần xem xét bao gồm cả quy định pháp lý nào cần phải áp dụng và liệu quy định này có chắc chắn được thông qua và đưa ra áp dụng vào thời điểm thích hợp hay không. Trong nhiều trường hợp, bằng chứng đầy đủ, khách quan sẽ không tồn tại cho đến khi quy định pháp lý mới được thông qua.
Thanh lý tài sản dự kiến
51. Thu nhập từ việc thanh lý tài sản dự kiến sẽ không được xem xét khi xác định giá trị của khoản dự phòng phải trả.
52. Không được tính khoản thu nhập từ việc thanh lý tài sản dự kiến khi xác định giá trị của khoản dự phòng phải trả, ngay cả khi việc thanh lý dự kiến gắn liền với sự kiện làm phát sinh khoản dự phòng đó. Thay vào đó, đơn vị phải ghi nhận khoản thu nhập từ hoạt động thanh lý tài sản dự kiến tại thời điểm quy định trong các Chuẩn mực liên quan đến tài sản đó.
Các khoản bồi hoàn
53. Khi một hoặc tất cả các khoản chi phí cần thiết để thanh toán cho khoản dự phòng phải trả dự kiến sẽ được bồi hoàn bởi bên khác thì khoản bồi hoàn này chỉ được ghi nhận khi và chỉ khi đơn vị chắc chắn nhận được khoản bồi hoàn đó nếu đơn vị thanh toán nghĩa vụ nợ. Khoản bồi hoàn có thể được ghi nhận như một tài sản riêng biệt. Giá trị khoản bồi hoàn được ghi nhận không vượt quá giá trị của khoản dự phòng phải trả.
54. Trong báo cáo kết quả kinh doanh, chi phí liên quan đến khoản dự phòng phải trả được trình bày theo giá trị thuần sau khi trừ đi giá trị khoản bồi hoàn.
55. Đôi khi, đơn vị có thể tìm kiếm bên thứ ba để thanh toán một phần hoặc tất cả chi phí cho khoản dự phòng (ví dụ thông qua hợp đồng bảo hiểm, các điều khoản bồi thường hoặc các giấy bảo hành của nhà cung cấp). Bên thứ ba có thể bồi hoàn cho các khoản đơn vị đã chi trả hoặc thanh toán trực tiếp.
56. Trong phần lớn trường hợp đơn vị vẫn phải chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ nếu bên thứ ba không thể thanh toán vì bất kỳ lý do gì. Trong tình huống này, một khoản dự phòng phải trả được ghi nhận cho toàn bộ nghĩa vụ nợ và khoản bồi hoàn dự kiến được ghi nhận như một tài sản riêng biệt nếu đơn vị chắc chắn sẽ được nhận khoản bồi hoàn đó khi thanh toán nghĩa vụ nợ.
57. Trong một số trường hợp, đơn vị sẽ không phải chịu các khoản chi phí chưa rõ ràng nếu bên thứ ba không thanh toán. Trong trường hợp này, đơn vị không có nghĩa vụ với các khoản chi phí này và sẽ không phải lập dự phòng.
58. Như đề cập tại đoạn 29, một nghĩa vụ mà đơn vị phải chịu chung và bình đẳng là một khoản nợ tiềm tàng trong phạm vi dự kiến là nghĩa vụ nợ đó sẽ được thanh toán bởi bên thứ ba.
Thay đổi khoản dự phòng phải trả
59. Khoản dự phòng phải trả sẽ được xem xét lại tại các thời điểm kết thúc kỳ báo cáo và được điều chỉnh để phản ánh giá trị ước tính tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Nếu không còn khả năng có sự giảm sút lợi ích kinh tế do không phải thanh toán nghĩa vụ nợ, khoản dự phòng phải được hoàn nhập.
60. Khi sử dụng phương pháp chiết khấu, giá trị ghi sổ của khoản dự phòng phải trả tăng lên trong mỗi kỳ kế toán để phản ánh ảnh hưởng của yếu tố thời gian. Việc tăng lên này được ghi nhận như chi phí đi vay.
Sử dụng khoản dự phòng phải trả
61. Một khoản dự phòng phải trả sẽ chỉ được sử dụng cho các khoản chi phí mà khoản dự phòng đó đã được trích lập ban đầu.
62. Chỉ các khoản chi phí liên quan đến khoản dự phòng phải trả đã được trích lập ban đầu mới được bù đắp bởi khoản dự phòng đó. Việc sử dụng khoản dự phòng cho mục đích khác so với mục đích ghi nhận ban đầu có thể che giấu ảnh hưởng thực sự của hai sự kiện khác nhau.
Áp dụng các nguyên tắc ghi nhận và xác định giá trị
Khoản lỗ hoạt động trong tương lai
63. Đơn vị không được ghi nhận dự phòng phải trả cho các khoản lỗ hoạt động trong tương lai.
64. Các khoản lỗ hoạt động trong tương lai không đáp ứng định nghĩa về nợ phải trả tại đoạn 10 và tiêu chuẩn ghi nhận chung đối với dự phòng phải trả tại đoạn 14.
65. Mỗi ước tính về khoản lỗ hoạt động trong tương lai đều là dấu hiệu cho thấy có sự tổn thất của tài sản liên quan đến hoạt động kinh doanh. Đơn vị cần kiểm tra việc tổn thất của các tài sản này theo quy định tại IAS 36 – Suy giảm giá trị tài sản.
Hợp đồng có rủi ro lớn
66. Nếu đơn vị có một hợp đồng có rủi ro lớn, nghĩa vụ hiện tại theo hợp đồng sẽ được ghi nhận và xác định giá trị như một khoản dự phòng phải trả.
67. Nhiều hợp đồng (ví dụ như các đơn hàng mua thường xuyên) có thể bị hủy mà không phải bồi thường cho bên thứ ba, do đó không phát sinh nghĩa vụ nợ. Các hợp đồng khác có quy định rõ cả quyền và nghĩa vụ của từng bên trong hợp đồng. Khi các sự kiện khiến cho hợp đồng trở thành hợp đồng có rủi ro lớn, hợp đồng đó sẽ nằm trong phạm vi chi phối của Chuẩn mực này và các khoản nợ phải trả phát sinh cần được ghi nhận. Hợp đồng không có rủi ro lớn không thuộc phạm vi áp dụng của Chuẩn mực này.
68. Chuẩn mực này định nghĩa hợp đồng có rủi ro lớn là hợp đồng mà trong đó, chi phí bắt buộc phải trả cho các nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng vượt quá lợi ích kinh tế dự kiến thu được từ hợp đồng đó. Chi phí bắt buộc phải trả theo hợp đồng phản ánh chi phí thuần thấp nhất để từ bỏ hợp đồng, là giá trị thấp hơn giữa chi phí để thực hiện hợp đồng và bất kỳ khoản phạt hoặc đền bù nào phát sinh từ việc không thực hiện hợp đồng.
69. Trước khi lập dự phòng phải trả riêng biệt cho một hợp đồng có rủi ro lớn, đơn vị cần ghi nhận bất kỳ khoản lỗ do suy giảm giá trị nào của tài sản phát sinh có liên quan đến hợp đồng đó (xem IAS 36).
Tái cấu trúc
70. Ví dụ về các sự kiện sau nằm trong định nghĩa về tái cấu trúc:
(a) Bán hoặc chấm dứt một hoạt động kinh doanh;
(b) Đóng cửa một cơ sở kinh doanh ở một quốc gia, một vùng hoặc chuyển hoạt động kinh doanh từ vùng/quốc gia này sang vùng/quốc gia khác;
(c) Thay đổi cơ cấu quản lý, ví dụ giảm bớt các cấp quản lý;
(d) Hoạt động tái cấu trúc cơ bản có ảnh hưởng trọng yếu đến bản chất và mục tiêu hoạt động kinh doanh của đơn vị.
71. Khoản dự phòng phải trả cho chi phí tái cấu trúc chỉ được ghi nhận khi đáp ứng các tiêu chuẩn ghi nhận chung đối với dự phòng phải trả theo quy định tại đoạn 14. Đoạn 72-83 chỉ rõ cách áp dụng các tiêu chuẩn ghi nhận chung cho hoạt động tái cấu trúc.
72. Một nghĩa vụ ngầm định liên quan đến tái cấu trúc chỉ phát sinh khi đơn vị:
(a) Có kế hoạch chính thức và cụ thể về tái cấu trúc, trong đó ít nhất phải nêu rõ:
i. Toàn bộ hoặc một phần hoạt động kinh doanh có liên quan
ii. Các vị trí quan trọng bị ảnh hưởng
iii. Vị trí, nhiệm vụ và số lượng nhân viên ước tính sẽ được nhận bồi thường do mất việc làm
iv. Chi phí sẽ phải chi trả; và
v. Thời điểm kế hoạch sẽ được thực hiện; và
(b) Cam kết chính thức với những chủ thể bị ảnh hưởng rằng đơn vị sẽ thực hiện việc tái cấu trúc bằng việc bắt đầu thực hiện kế hoạch hoặc công bố các vấn đề quan trọng của kế hoạch đến những chủ thể bị ảnh hưởng.
73. Bằng chứng cho thấy rằng đơn vị bắt đầu thực hiện kế hoạch tái cấu trúc phải được cung cấp, ví dụ, tháo dỡ nhà xưởng, bán tài sản hoặc công bố rộng rãi về các vấn đề quan trọng của kế hoạch. Một công bố rộng rãi về kế hoạch tái cấu trúc chi tiết sẽ dẫn đến một nghĩa vụ ngầm định về tái cấu trúc chỉ khi nó đủ chi tiết và rõ ràng (ví dụ đưa ra các vấn đề quan trọng của kế hoạch) và đưa ra cam kết với các bên khác như các khách hàng, các nhà cung cấp, người lao động (hoặc người đại diện của họ) về việc đơn vị sẽ thực hiện tái cấu trúc.
74. Để kế hoạch có đủ chi tiết liên quan đến nghĩa vụ ngầm định khi thông báo đến những đối tượng bị ảnh hưởng, việc thực hiện cần được lập kế hoạch càng sớm càng tốt và phải hoàn tất kế hoạch trong một thời gian dự tính để tránh có những thay đổi lớn trong kế hoạch. Nếu đơn vị dự kiến rằng việc bắt đầu tái cấu trúc có thể bị trì hoãn trong thời gian dài hoặc việc tái cấu trúc sẽ bị kéo dài một cách bất hợp lý, điều này khiến cho kế hoạch không thể đưa ra cam kết chắc chắn cho các bên khác rằng đơn vị sẽ tái cấu trúc tại thời điểm hiện tại bởi giới hạn thời gian cho phép đơn vị có cơ hội để thay đổi kế hoạch của mình.
75. Nếu quyết định tái cấu trúc của Ban giám đốc hay Ban quản trị được đưa ra trước ngày kết thúc kỳ kế toán sẽ không phát sinh nghĩa vụ ngầm định tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo trừ khi trước thời điểm kết thúc kỳ báo cáo, đơn vị đã:
(a) Bắt đầu thực hiện kế hoạch tái cấu trúc; hoặc
(b) Công bố các điểm quan trọng của kế hoạch tái cấu trúc cho các đối tượng bị ảnh hưởng một cách chi tiết và đầy đủ để cam kết với họ về việc đơn vị sẽ tiến hành tái cấu trúc.
Nếu đơn vị bắt đầu thực hiện kế hoạch tái cấu trúc, hoặc công bố các vấn đề chính của kế hoạch đó cho các đối tượng bị ảnh hưởng sau thời điểm kết thúc kỳ báo cáo, việc thuyết minh cần được thực hiện theo yêu cầu của IAS 10 Sự kiện phát sinh sau niên độ, nếu việc tái cấu trúc là trọng yếu và việc không thuyết minh sẽ ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính.
76. Nghĩa vụ ngầm định không chỉ được tạo ra từ quyết định của Ban giám đốc, nó có thể là kết quả từ các sự kiện khác đã xảy ra trước đó. Ví dụ, việc đàm phán với đại diện của người lao động về khoản trợ cấp thôi việc, hoặc với người mua về việc bán một hoạt động kinh doanh, có thể chỉ còn chờ sự phê duyệt của Ban quản trị. Ngay khi quyết định được phê duyệt và công bố cho bên thứ ba, đơn vị có một nghĩa vụ ngầm định về tái cấu trúc nếu đáp ứng các điều kiện tại đoạn 72.
77. Tại một số nước, cơ quan cao nhất là Hội đồng bao gồm các thành viên là đại diện cho các quyền lợi khác ngoài Ban giám đốc (ví dụ như người lao động) hoặc cần phải thông báo cho người đại diện trước khi Hội đồng đưa ra quyết định. Do quyết định của Hội đồng liên quan đến việc thông báo cho những người đại diện, nó có thể dẫn đến một nghĩa vụ ngầm định về tái cấu trúc.
78. Không phát sinh nghĩa vụ nợ liên quan đến việc bán một hoạt động kinh doanh cho đến khi đơn vị cam kết bán, ví dụ khi có thỏa thuận mua bán ràng buộc.
79. Khi đơn vị ra quyết định bán một hoạt động kinh doanh và công bố công khai quyết định đó, nó vẫn chưa được coi là cam kết bán cho đến khi xác định được người mua và có một thoả thuận mua bán ràng buộc. Cho đến khi thỏa thuận mua bán ràng buộc được ký kết, đơn vị vẫn có thể thay đổi quyết định và thực hiện các hoạt động khác nếu không tìm được người mua với điều khoản phù hợp. Khi việc bán một hoạt động kinh doanh được coi là một phần của việc tái cấu trúc, các tài sản của hoạt động đó được xem xét và đánh giá tổn thất theo quy định tại IAS 36. Khi việc nhượng bán chỉ là một bộ phận của tái cấu trúc, một nghĩa vụ ngầm định có thể phát sinh từ các phần khác của việc tái cấu trúc trước khi thỏa thuận mua bán ràng buộc được ký kết.
80. Khoản dự phòng tái cấu trúc sẽ chỉ bao gồm những khoản chi phí trực tiếp phát sinh từ việc tái cấu trúc, khi thỏa mãn cả 2 điều kiện:
(a) Cần phải có cho việc tái cấu trúc; và
(b) Không liên quan đến hoạt động thường xuyên của đơn vị.
81. Khoản dự phòng tái cấu trúc không bao gồm các chi phí như:
(a) Chi phí đào tạo và sắp xếp lại nhân viên.
(b) Chi phí maketing, hoặc
(c) Chi phí đầu tư vào hệ thống và mạng lưới phân phối mới
Các chi phí này liên quan đến hoạt động kinh doanh trong tương lai của đơn vị và không phải là nợ phải trả cho việc tái cấu trúc tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo. Các chi phí này được ghi nhận theo nguyên tắc ghi nhận các chi phí độc lập với việc tái cấu trúc.
82. Các khoản lỗ từ hoạt động trong tương lai có thể xác định được tính đến ngày tái cấu trúc không được bao gồm trong khoản dự phòng phải trả, trừ khi chúng liên quan đến hợp đồng có rủi ro lớn như định nghĩa tại đoạn 10.
83. Như yêu cầu tại đoạn 51, thu nhập dự tính thu được từ việc thanh lý tài sản không được xem xét đến khi xác định giá trị khoản dự phòng tái cấu trúc, ngay cả khi việc bán các tài sản này được coi là một phần của việc tái cấu trúc.
Thuyết minh
84. Với mỗi nhóm dự phòng phải trả, đơn vị phải thuyết minh:
(a) Giá trị ghi sổ tại thời điểm đầu kỳ và cuối kỳ;
(b) Số dự phòng tăng do trích bổ sung trong kỳ, bao gồm cả việc tăng các khoản dự phòng hiện có;
(c) Số dự phòng giảm trong kỳ (ví dụ các khoản chi phí đã phát sinh và sử dụng khoản dự phòng đã trích lập);
(d) Số dự phòng không sử dụng được hoàn nhập trong kỳ; và
(e) Số dự phòng tăng trong kỳ do chiết khấu giá trị khoản dự phòng tăng lên theo thời gian và do ảnh hưởng của thay đổi tỷ lệ chiết khấu.
Thông tin so sánh không bắt buộc phải trình bày.
85. Đơn vị phải thuyết minh các thông tin sau về mỗi nhóm dự phòng:
(a) Mô tả vắn tắt bản chất của nghĩa vụ và thời gian dự kiến của các khoản chi trả.
(b) Các dấu hiệu về tính không chắc chắn về thời gian hay giá trị của các khoản chi trả nêu trên. Nếu cần phải cung cấp đầy đủ thông tin, đơn vị phải công bố các giả định chính liên quan đến các sự kiện trong tương lai như đề cập tại đoạn 48; và
(c) Giá trị khoản bồi hoàn dự kiến, nêu rõ giá trị của bất kỳ tài sản nào được ghi nhận tương ứng với khoản bồi hoàn dự kiến đó.
86. Trừ khi khó có thể xảy ra khả năng phải thanh toán nghĩa vụ, đơn vị phải thuyết minh tóm tắt bản chất của khoản nợ tiềm tàng theo từng nhóm nợ tại thời điểm kết thúc kỳ kế toán và các thông tin sau nếu phù hợp:
(a) Một ước tính về ảnh hưởng tài chính của chúng, giá trị xác định theo đoạn 36-52;
(b) Dấu hiệu về tính không chắc chắn liên quan đến giá trị hoặc thời gian của các khoản chi trả; và
(c) Khả năng của bất kỳ khoản bồi hoàn nào.
87. Khi xác định các khoản dự phòng phải trả hay nợ tiềm tàng có thể tập hợp được theo nhóm, cần phải xem xét liệu bản chất của các khoản này có tương tự với nhau đủ để trình bày chung thành một nhóm đáp ứng yêu cầu của đoạn 85(a) và (b) và 86(a) và (b). Mặc dù vậy, có thể nhóm chung thành một nhóm các khoản dự phòng phải trả liên quan đến bảo hành các sản phẩm khác nhau, nhưng không phù hợp để nhóm thành một nhóm liên quan đến các khoản bảo hành thông thường và giá trị liên quan đến vụ kiện.
88. Khi dự phòng phải trả và nợ tiềm tàng phát sinh từ cùng một tình huống, đơn vị cần thuyết minh theo yêu cầu tại đoạn 84-86 để chỉ ra mối liên hệ giữa dự phòng phải trả và nợ tiềm tàng đó.
89. Khi có thể thu được lợi ích kinh tế, đơn vị cần thuyết minh tóm tắt về bản chất của tài sản tiềm tàng tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo, và nếu phù hợp, giá trị ước tính về ảnh hưởng tài chính của chúng, theo các nguyên tắc áp dụng cho dự phòng phải trả tại đoạn 36-52.
90. Việc thuyết minh về tài sản tiềm tàng cần thiết phải tránh đưa ra các dấu hiệu sai lệch về khả năng có thể phát sinh khoản thu nhập.
91. Khi không thể thuyết minh bất kỳ thông tin nào theo yêu cầu tại đoạn 86 và 89 vì không thể làm như vậy, vấn đề này cần phải được công bố.
92. Trong rất ít trường hợp, việc thuyết minh một vài hoặc tất cả thông tin theo yêu cầu tại đoạn 84-89 có thể gây ra định kiến nghiêm trọng đến vị thế của đơn vị trong việc tranh chấp với các chủ thể khác liên quan đến nội dung của dự phòng phải trả, nợ tiềm tàng hay tài sản tiềm tàng. Trong trường hợp này, đơn vị không cần thuyết minh thông tin, nhưng sẽ thuyết minh bản chất chung của việc tranh chấp, cùng với lý do tại sao thông tin không được công bố trên thực tế.
Các điều khoản chuyển đổi
93. Ảnh hưởng của việc áp dụng chuẩn mực này vào ngày hiệu lực (hoặc sớm hơn) sẽ được báo cáo như một khoản điều chỉnh đối với số dư đầu kỳ của khoản mục Lợi nhuận chưa phân phối tại kỳ báo cáo mà chuẩn mực lần đầu tiên áp dụng. Đơn vị được khuyến khích, nhưng không bắt buộc phải điều chỉnh số dư đầu kỳ của khoản mục Lợi nhuận chưa phân phối cho kỳ sớm nhất trình bày và công bố lại số liệu so sánh. Nếu số liệu so sánh không được công bố lại, việc này cần được thuyết minh.
94. [đã xóa]
Ngày hiệu lực
95. Chuẩn mực này có hiệu lực cho báo cáo tài chính hàng năm cho giai doạn bắt đầu hoặc sau ngày 1/7/1999. Khuyến khích việc áp dụng sớm hơn. Nếu đơn vị áp dụng Chuẩn mực này cho giai đoạn trước 1/7/1999, đơn vị cần thuyết minh nội dung này;
96. [đã xóa]
97. [đã xóa]
98. [đã xóa]
99. Các cải thiện hàng năm cho các Chuẩn mực Lập BCTC quốc tế giai đoạn 2010-2012, ban hành tháng 12/2013 sửa đổi, bổ sung đoạn 5 xuất phát từ các sửa đổi của IFRS3. Đơn vị sẽ áp dụng điều chỉnh dự kiến với hợp nhất kinh doanh khi các sửa đổi của IFRS3 được áp dụng.
100. IFRS 15 Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng, ban hành tháng 5/2014, sửa đổi đoạn 5 và xóa đoạn 6. Đơn vị áp dụng các sửa đổi này khi áp dụng IFRS15.
101. IFRS 9, ban hành tháng 7/2014, sửa đổi đoạn 2 và xóa đoạn 97 và 98. Đơn vị sẽ áp dụng các sửa đổi này khi áp dụng IFRS 9.
102. IFRS 16, ban hành tháng 1/2016, sửa đổi đoạn 5. Đơn vị sẽ áp dụng các sửa đổi này khi áp dụng IFRS 16.
103. IFRS 17, ban hành tháng 5/2017, sửa đổi đoạn 5. Đơn vị sẽ áp dụng các sửa đổi này khi áp dụng IFRS 17.
104. Định nghĩa về Trọng yếu (Các sửa đổi cho IAS1 và IAS 8), ban hành tháng 10/2018, sửa đổi đoạn 75. Đơn vị sẽ áp dụng các sửa đổi này cho giai doạn bắt đầu hoặc sau ngày 1/1/2020. Được phép áp dụng sớm hơn. Nếu đơn vị áp dụng các sửa đổi này cho giai đoạn trước thời điểm trên, đơn vị phải thuyết minh việc áp dụng đó. Đơn vị sẽ áp dụng các sửa đổi này khi áp dụng các sửa đổi về định nghĩa về trọng yếu tại đoạn 7 của IAS 1 và đoạn 5 và 6 của IAS 8.