(Bản dịch IFRS.VN) – IFRS 16 Thuê tài sản (2025)

Chỉ mục:

Chuẩn mực liên quan:

TDC

Ngày gửi: 13/02/2025

Lượt xem: 167

Cập nhật: 13/02/2025

Bản dịch tiếng Việt do IFRS.VN thực hiện dựa trên bản gốc Chuẩn mực tiếng Anh cập nhật năm 2025 và chỉ dành cho mục đích tham khảo. Xin lưu ý khi sử dụng.

Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế 16 Thuê tài sản

Mục tiêu

1

Chuẩn mực này đưa ra các nguyên tắc về ghi nhận, xác định giá trị, trình bày và thuyết minh đối với hợp đồng thuê tài sản. Mục tiêu của Chuẩn mực là đảm bảo bên thuê và bên cho thuê cung cấp thông tin phù hợp và thể hiện trung thực các giao dịch này. Thông tin này tạo cơ sở để người sử dụng báo cáo tài chính đánh giá ảnh hưởng của hợp đồng thuê đến tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và dòng tiền của đơn vị.

2

Khi áp dụng Chuẩn mực này, đơn vị phải xem xét các điều khoản, điều kiện của hợp đồng và mọi sự kiện, tình huống có liên quan. Đơn vị phải áp dụng Chuẩn mực này nhất quán đối với các hợp đồng có đặc điểm tương tự trong các tình huống tương tự.

Phạm vi áp dụng

3

Đơn vị phải áp dụng Chuẩn mực này cho tất cả các hợp đồng thuê, bao gồm cả hợp đồng cho thuê lại tài sản quyền sử dụng trong giao dịch cho thuê lại, ngoại trừ:

(a)

hợp đồng thuê nhằm mục đích thăm dò hoặc khai thác khoáng sản, dầu, khí tự nhiên và các tài nguyên không tái tạo tương tự;

(b)

hợp đồng thuê tài sản sinh học thuộc phạm vi áp dụng của Chuẩn mực IAS 41 Nông nghiệp mà bên thuê nắm giữ;

(c)

các thỏa thuận nhượng quyền dịch vụ thuộc phạm vi áp dụng của IFRIC 12 Thỏa thuận nhượng quyền dịch vụ;

(d)

giấy phép về tài sản sở hữu trí tuệ được bên cho thuê cấp, thuộc phạm vi áp dụng của IFRS 15 Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng; và

(e)

các quyền được bên thuê nắm giữ theo thỏa thuận cấp phép thuộc phạm vi áp dụng của IAS 38 Tài sản vô hình, bao gồm các tài sản như phim điện ảnh, băng hình, kịch bản, bản thảo, bằng sáng chế và bản quyền.

4

Bên thuê có thể, nhưng không bắt buộc, áp dụng Chuẩn mực này cho các hợp đồng thuê tài sản vô hình khác ngoài các tài sản được quy định tại đoạn 3(e).

Ngoại trừ ghi nhận (đoạn B3-B8)

5

Bên thuê có thể lựa chọn không áp dụng các quy định tại đoạn 22-49 đối với:

(a)

hợp đồng thuê ngắn hạn; và

(b)

hợp đồng thuê có tài sản cơ sở có giá trị thấp (như mô tả tại các đoạn B3-B8).

6

Nếu bên thuê lựa chọn không áp dụng các quy định tại đoạn 22-49 cho hợp đồng thuê ngắn hạn hoặc hợp đồng thuê có tài sản cơ sở có giá trị thấp, bên thuê phải ghi nhận các khoản thanh toán tiền thuê liên quan đến các hợp đồng này là chi phí theo phương pháp đường thẳng trong suốt thời hạn thuê hoặc theo một cơ sở có tính hệ thống khác. Bên thuê phải áp dụng cơ sở có tính hệ thống khác nếu cơ sở đó phản ánh tốt hơn mô hình thu được lợi ích của bên thuê.

7

Nếu bên thuê hạch toán hợp đồng thuê ngắn hạn theo đoạn 6, bên thuê phải coi hợp đồng thuê này là hợp đồng thuê mới theo Chuẩn mực này nếu:

(a)

có sửa đổi hợp đồng thuê; hoặc

(b)

có bất kỳ thay đổi nào về thời hạn thuê (ví dụ, bên thuê thực hiện quyền chọn không được bao gồm trong việc xác định thời hạn thuê trước đó).

8

Việc lựa chọn đối với hợp đồng thuê ngắn hạn phải được thực hiện theo từng nhóm tài sản cơ sở liên quan đến quyền sử dụng. Một nhóm tài sản cơ sở là tập hợp các tài sản cơ sở có tính chất và mục đích sử dụng tương tự trong hoạt động của đơn vị. Việc lựa chọn đối với hợp đồng thuê có tài sản cơ sở có giá trị thấp có thể được thực hiện riêng lẻ cho từng hợp đồng thuê.

Xác định hợp đồng thuê tài sản (đoạn B9-B33)

9

Tại thời điểm bắt đầu hợp đồng, đơn vị phải đánh giá liệu hợp đồng có phải là hợp đồng thuê tài sản hoặc có bao gồm giao dịch thuê tài sản hay không. Một hợp đồng là hợp đồng thuê tài sản hoặc có bao gồm giao dịch thuê tài sản nếu hợp đồng đó chuyển giao quyền kiểm soát việc sử dụng một tài sản cơ sở xác định trong một khoảng thời gian để đổi lấy khoản thanh toán. Đoạn B9-B31 đưa ra hướng dẫn về việc đánh giá liệu một hợp đồng có phải là hợp đồng thuê tài sản hoặc có bao gồm giao dịch thuê tài sản hay không.

10

Khoảng thời gian này có thể được mô tả theo mức độ sử dụng tài sản cơ sở xác định (ví dụ: số lượng sản phẩm được sản xuất bằng thiết bị đó).

11

Đơn vị chỉ phải đánh giá lại liệu một hợp đồng có phải là hợp đồng thuê tài sản hoặc có bao gồm giao dịch thuê tài sản hay không nếu các điều khoản và điều kiện của hợp đồng thay đổi.

Phân tách các cấu phần của hợp đồng

12

Đối với hợp đồng là giao dịch thuê tài sản hoặc có bao gồm giao dịch thuê tài sản, đơn vị phải hạch toán riêng từng cấu phần thuê tài sản trong hợp đồng như một giao dịch thuê tài sản độc lập với các cấu phần không phải thuê tài sản, trừ khi đơn vị áp dụng phương án thực tiễn được nêu tại đoạn 15. Đoạn B32-B33 đưa ra hướng dẫn về việc phân tách các cấu phần của hợp đồng.

Bên thuê

13

Đối với một hợp đồng có bao gồm cấu phần thuê tài sản và một hoặc nhiều cấu phần thuê tài sản hoặc không phải thuê tài sản khác, bên thuê phải phân bổ khoản thanh toán trong hợp đồng cho từng cấu phần thuê tài sản theo giá bán riêng lẻ tương đối của cấu phần thuê tài sản và tổng giá bán riêng lẻ của các cấu phần không phải thuê tài sản.

14

Giá bán riêng lẻ tương đối của các cấu phần thuê tài sản và không phải thuê tài sản phải được xác định dựa trên giá mà bên cho thuê hoặc một nhà cung cấp tương tự tính cho đơn vị đối với cấu phần đó hoặc một cấu phần tương tự. Nếu không có sẵn giá bán riêng lẻ có thể quan sát được, bên thuê phải ước tính giá bán riêng lẻ, tối đa hóa việc sử dụng thông tin có thể quan sát được.

15

Để áp dụng phương án thực tiễn, bên thuê có thể lựa chọn, theo từng loại tài sản cơ sở, không tách biệt các cấu phần không phải thuê tài sản khỏi các cấu phần thuê tài sản và thay vào đó hạch toán mỗi cấu phần thuê tài sản cùng với bất kỳ cấu phần không phải thuê tài sản liên quan nào như một cấu phần thuê tài sản đơn lẻ. Bên thuê không được áp dụng phương án thực tiễn này đối với các công cụ phái sinh đi kèm đáp ứng các tiêu chí trong đoạn 4.3.3 của IFRS 9 Công cụ tài chính.

16

Trừ khi áp dụng phương án thực tiễn trong đoạn 15, bên thuê phải hạch toán các cấu phần không phải thuê tài sản theo các Chuẩn mực áp dụng khác.

Bên cho thuê

17

Đối với một hợp đồng có cấu phần thuê tài sản và một hoặc nhiều cấu phần thuê tài sản hoặc không phải thuê tài sản bổ sung, bên cho thuê phải phân bổ khoản thanh toán trong hợp đồng theo đoạn 73-90 của IFRS 15.

Thời hạn thuê (đoạn B34-B41)

18

Đơn vị phải xác định thời hạn thuê là khoảng thời gian không thể hủy ngang của hợp đồng thuê, cùng với:

(a)

Các khoảng thời gian bao gồm quyền chọn gia hạn hợp đồng thuê nếu bên thuê gần như chắc chắn sẽ thực hiện quyền chọn đó; và

(b)

Các khoảng thời gian bao gồm quyền chọn chấm dứt hợp đồng thuê nếu bên thuê gần như chắc chắn sẽ không thực hiện quyền chọn đó.

19

Khi đánh giá liệu bên thuê có gần như chắc chắn sẽ thực hiện quyền chọn gia hạn hợp đồng thuê hay không hoặc không thực hiện quyền chọn chấm dứt hợp đồng thuê, đơn vị phải xem xét tất cả các sự kiện và tình huống liên quan tạo ra động lực kinh tế để bên thuê thực hiện quyền chọn gia hạn hợp đồng thuê hoặc không thực hiện quyền chọn chấm dứt hợp đồng thuê, như mô tả tại các đoạn B37-B40.

20

Bên thuê phải đánh giá lại liệu có gần như chắc chắn sẽ thực hiện quyền chọn gia hạn hay không, hoặc không thực hiện quyền chọn chấm dứt khi xảy ra sự kiện quan trọng hoặc thay đổi đáng kể về tình huống mà:

(a)

nằm trong tầm kiểm soát của bên thuê; và

(b)

ảnh hưởng đến việc bên thuê có chắc chắn thực hiện quyền chọn chưa được tính vào thời hạn thuê ban đầu, hoặc không thực hiện quyền chọn trước đó đã được tính vào thời hạn thuê (như mô tả trong đoạn B41).

21

Đơn vị phải điều chỉnh thời hạn thuê nếu có sự thay đổi trong khoảng thời gian không thể hủy ngang của hợp đồng thuê. Ví dụ, khoảng thời gian không thể hủy ngang sẽ thay đổi nếu:

(a)

bên thuê thực hiện quyền chọn mà trước đó không được tính vào thời hạn thuê;

(b)

bên thuê không thực hiện quyền chọn đã được tính vào thời hạn thuê trước đó;

(c)

một sự kiện xảy ra khiến bên thuê theo quy định của hợp đồng phải thực hiện quyền chọn mà trước đó không được tính vào thời hạn thuê; hoặc

(d)

một sự kiện xảy ra khiến bên thuê theo quy định của hợp đồng không được thực hiện quyền chọn đã được tính vào thời hạn thuê trước đó.

Bên thuê

Ghi nhận

22

Tại ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng, bên thuê phải ghi nhận tài sản quyền sử dụng và nợ phải trả về thuê tài sản.

Xác định giá trị

Giá trị ban đầu

Xác định giá trị ban đầu của tài sản quyền sử dụng

23

Tại ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng, bên thuê phải xác định giá trị tài sản quyền sử dụng theo nguyên giá.

24

Nguyên giá của tài sản quyền sử dụng bao gồm:

(a)

Giá trị ban đầu của nợ phải trả về thuê tài sản như mô tả tại đoạn 26;

(b)

Các khoản thanh toán tiền thuê được thực hiện tại hoặc trước ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng, trừ đi các ưu đãi cho thuê đã nhận;

(c)

Chi phí trực tiếp ban đầu mà bên thuê phát sinh; và

(d)

Giá trị ước tính các chi phí bên thuê sẽ phải chịu để tháo dỡ và di dời tài sản cơ sở, khôi phục mặt bằng nơi đặt tài sản hoặc khôi phục tài sản cơ sở về trạng thái theo yêu cầu của các điều khoản hợp đồng thuê, trừ khi các chi phí đó được phát sinh để sản xuất hàng tồn kho. Bên thuê có nghĩa vụ đối với các chi phí này tại ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng hoặc do việc sử dụng tài sản cơ sở trong một giai đoạn nhất định.

25

Bên thuê phải ghi nhận các chi phí được mô tả tại đoạn 24(d) như một phần của nguyên giá của tài sản quyền sử dụng khi phát sinh nghĩa vụ chi trả các chi phí này. Bên thuê áp dụng IAS 2 Hàng tồn kho đối với các chi phí phát sinh trong một giai đoạn nhất định do việc sử dụng tài sản quyền sử dụng để sản xuất hàng tồn kho trong giai đoạn đó. Các nghĩa vụ chi trả các chi phí này, được hạch toán theo Chuẩn mực này hoặc theo IAS 2, sẽ được ghi nhận và xác định giá trị theo IAS 37 Các khoản dự phòng, nợ tiềm tàng và tài sản tiềm tàng.

Xác định giá trị ban đầu của nợ phải trả về thuê tài sản

26

Tại ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng, bên thuê phải xác định giá trị của nợ phải trả về thuê tài sản theo giá trị hiện tại của các khoản thanh toán tiền thuê chưa thanh toán tại ngày đó. Các khoản thanh toán tiền thuê phải được chiết khấu theo lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê tài sản, nếu có thể xác định được lãi suất này. Nếu lãi suất này không thể xác định được, bên thuê phải sử dụng lãi suất biên đi vay của bên thuê.

27

Tại ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng, các khoản thanh toán tiền thuê được tính vào xác định giá trị khoản nợ phải trả về thuê tài sản bao gồm các khoản thanh toán sau đây cho quyền sử dụng tài sản cơ sở trong suốt thời hạn thuê mà chưa được thanh toán tại ngày đó:

(a)

các khoản thanh toán cố định (bao gồm cả các khoản thanh toán cố định về bản chất như được mô tả trong đoạn B42), trừ đi các ưu đãi cho thuê mà bên thuê được nhận;

(b)

các khoản thanh toán tiền thuê khả biến phụ thuộc vào chỉ số hoặc lãi suất, ban đầu được xác định theo chỉ số hoặc lãi suất tại ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng (như được mô tả trong đoạn 28);

(c)

các khoản dự kiến phải trả của bên thuê theo sự đảm bảo giá trị còn lại;

(d)

giá thực hiện quyền chọn mua nếu bên thuê gần như chắc chắn sẽ thực hiện quyền chọn đó (được đánh giá dựa trên các yếu tố mô tả trong đoạn B37-B40); và

(e)

các khoản thanh toán phạt cho việc chấm dứt hợp đồng thuê, nếu thời hạn thuê phản ánh việc bên thuê thực hiện quyền chọn chấm dứt hợp đồng thuê.

28

Các khoản thanh toán tiền thuê khả biến phụ thuộc vào chỉ số hoặc lãi suất như mô tả trong đoạn 27(b) bao gồm, ví dụ, các khoản thanh toán liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng, các khoản thanh toán liên quan đến lãi suất chuẩn (như LIBOR), hoặc các khoản thanh toán thay đổi để phản ánh sự biến động của giá thuê trên thị trường.

Xác định giá trị sau ghi nhận ban đầu

Xác định giá trị sau ghi nhận ban đầu của tài sản quyền sử dụng

29

Sau ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng, bên thuê phải xác định giá trị tài sản quyền sử dụng theo mô hình giá gốc, trừ khi áp dụng một trong hai mô hình xác định giá trị được mô tả trong đoạn 34 và 35.

Mô hình giá gốc

30

Để áp dụng mô hình giá gốc, bên thuê phải xác định giá trị tài sản quyền sử dụng theo nguyên giá:

(a)

trừ đi khấu hao lũy kế và các khoản lỗ lũy kế do suy giảm giá trị; và

(b)

điều chỉnh theo việc tái xác định giá trị của nợ phải trả về quyền sử dụng tài sản được quy định trong đoạn 36(c).

31

Bên thuê phải áp dụng các yêu cầu về khấu hao trong IAS 16 Bất động sản, nhà xưởng và thiết bị khi khấu hao tài sản quyền sử dụng, tuân theo các yêu cầu trong đoạn 32.

32

Nếu hợp đồng thuê chuyển giao quyền sở hữu tài sản cơ sở cho bên thuê vào cuối thời hạn thuê hoặc nếu nguyên giá của tài sản quyền sử dụng phản ánh rằng bên thuê sẽ thực hiện quyền chọn mua, bên thuê phải khấu hao tài sản quyền sử dụng từ ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng đến hết thời gian sử dụng hữu ích của tài sản cơ sở. Trong các trường hợp khác, bên thuê phải khấu hao tài sản quyền sử dụng từ ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng đến thời điểm sớm hơn giữa thời điểm kết thúc thời gian sử dụng hữu ích của tài sản quyền sử dụng hoặc thời điểm kết thúc thời hạn thuê.

33

Bên thuê phải áp dụng IAS 36 Suy giảm giá trị tài sản để xác định liệu tài sản quyền sử dụng có bị suy giảm giá trị hay không và để ghi nhận bất kỳ khoản lỗ nào do suy giảm giá trị được xác định.

Các mô hình xác định giá trị khác

34

Nếu bên thuê áp dụng mô hình giá trị hợp lý trong IAS 40 Bất động sản đầu tư cho bất động sản đầu tư của mình, bên thuê cũng phải áp dụng mô hình giá trị hợp lý đó cho tài sản quyền sử dụng đáp ứng định nghĩa về bất động sản đầu tư theo IAS 40.

35

Nếu tài sản quyền sử dụng liên quan đến một loại bất động sản, nhà xưởng và thiết bị mà bên thuê áp dụng mô hình đánh giá lại theo IAS 16, bên thuê có thể lựa chọn áp dụng mô hình đánh giá lại đó cho tất cả các tài sản quyền sử dụng thuộc loại bất động sản, nhà xưởng và thiết bị đó.

Xác định giá trị sau ghi nhận ban đầu của nợ phải trả về thuê tài sản

36

Sau ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng, bên thuê phải xác định giá trị nợ phải trả về thuê tài sản bằng cách:

(a)

tăng giá trị ghi sổ để phản ánh chi phí lãi vay của nợ phải trả về thuê tài sản;

(b)

giảm giá trị ghi sổ để phản ánh các khoản thanh toán tiền thuê đã thực hiện; và

(c)

tái xác định giá trị ghi sổ để phản ánh bất kỳ việc đánh giá lại hoặc sửa đổi hợp đồng thuê nào được quy định trong đoạn 39-46, hoặc để phản ánh các khoản thanh toán cố định theo bản chất đã được sửa đổi (xem đoạn B42).

37

Chi phí lãi vay của nợ phải trả về thuê tài sản trong mỗi kỳ trong suốt thời hạn thuê phải là số tiền tạo ra tỷ lệ lãi suất định kỳ cố định trên số dư còn lại của nợ phải trả về thuê tài sản. Tỷ lệ lãi suất định kỳ này là lãi suất chiết khấu được mô tả trong đoạn 26 hoặc, nếu áp dụng, là lãi suất chiết khấu đã sửa đổi được nêu trong đoạn 41, đoạn 43 hoặc đoạn 45(c).

38

Sau ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng, bên thuê phải ghi nhận vào báo cáo lãi lỗ, trừ khi các chi phí này được bao gồm trong giá trị ghi sổ của tài sản khác theo các Chuẩn mực có liên quan, cả hai khoản:

(a)

chi phí lãi vay của nợ phải trả về thuê tài sản; và

(b)

các khoản thanh toán tiền thuê khả biến không được bao gồm trong việc xác định giá trị của nợ phải trả về thuê tài sản, trong kỳ mà sự kiện hoặc điều kiện kích hoạt các khoản thanh toán đó xảy ra.

Tái xác định nợ phải trả về thuê tài sản

39

Sau ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng, bên thuê phải áp dụng các đoạn 40-43 để tái xác định nợ phải trả về thuê tài sản nhằm phản ánh những thay đổi đối với các khoản thanh toán tiền thuê. Bên thuê phải ghi nhận khoản tái xác định nợ phải trả về thuê tài sản như một khoản điều chỉnh đối với tài sản quyền sử dụng. Tuy nhiên, nếu giá trị ghi sổ của tài sản quyền sử dụng giảm xuống bằng không và có thêm sự giảm trong giá trị nợ phải trả về thuê tài sản, bên thuê phải ghi nhận bất kỳ khoản còn lại nào của việc tái xác định vào báo cáo lãi lỗ.

40

Bên thuê phải tái xác định giá trị nợ phải trả về thuê tài sản bằng cách chiết khấu các khoản thanh toán tiền thuê đã sửa đổi, sử dụng lãi suất chiết khấu đã sửa đổi, nếu xảy ra một trong hai trường hợp sau:

(a)

có sự thay đổi về thời hạn thuê, như được mô tả trong đoạn 20-21. Bên thuê phải xác định các khoản thanh toán tiền thuê đã sửa đổi dựa trên thời hạn thuê đã sửa đổi; hoặc

(b)

có sự thay đổi trong việc đánh giá quyền chọn mua tài sản cơ sở, được đánh giá bằng cách xem xét các sự kiện và tình huống được mô tả trong đoạn 20-21 trong bối cảnh của quyền chọn mua. Bên thuê phải xác định các khoản thanh toán tiền thuê đã sửa đổi để phản ánh sự thay đổi về số tiền phải trả theo quyền chọn mua.

41

Khi áp dụng đoạn 40, bên thuê phải xác định lãi suất chiết khấu đã sửa đổi là lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê cho phần thời hạn thuê còn lại, nếu lãi suất đó có thể được xác định ngay, hoặc lãi suất biên đi vay của bên thuê tại ngày tái xác định, nếu lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê không thể được xác định ngay.

42

Bên thuê phải tái xác định giá trị nợ phải trả về thuê tài sản bằng cách chiết khấu các khoản thanh toán tiền thuê đã sửa đổi, nếu xảy ra một trong hai trường hợp sau:

(a)

có sự thay đổi về giá trị dự kiến phải trả theo giá trị còn lại được đảm bảo. Bên thuê phải xác định các khoản thanh toán tiền thuê đã sửa đổi để phản ánh sự thay đổi về giá trị dự kiến phải trả theo sự đảm bảo giá trị còn lại.

(b)

có sự thay đổi về các khoản thanh toán tiền thuê trong tương lai do thay đổi chỉ số hoặc lãi suất được sử dụng để xác định các khoản thanh toán đó, ví dụ như sự thay đổi để phản ánh các biến động của giá thuê thị trường sau khi đánh giá lại giá thuê thị trường. Bên thuê phải tái xác định giá trị nợ phải trả về thuê tài sản để phản ánh các khoản thanh toán tiền thuê đã sửa đổi chỉ khi có sự thay đổi về dòng tiền (tức là khi việc điều chỉnh các khoản thanh toán tiền thuê có hiệu lực). Bên thuê phải xác định các khoản thanh toán tiền thuê đã sửa đổi cho phần thời hạn thuê còn lại dựa trên các khoản thanh toán theo hợp đồng đã sửa đổi.

43

Khi áp dụng đoạn 42, bên thuê phải sử dụng lãi suất chiết khấu không thay đổi, trừ khi sự thay đổi về các khoản thanh toán tiền thuê là do sự thay đổi về lãi suất thả nổi. Trong trường hợp đó, bên thuê phải sử dụng lãi suất chiết khấu đã sửa đổi để phản ánh sự thay đổi về lãi suất.

Sửa đổi hợp đồng thuê tài sản

44

Bên thuê phải hạch toán sửa đổi hợp đồng thuê như một hợp đồng thuê riêng biệt nếu thỏa mãn cả hai điều kiện sau:

(a)

việc sửa đổi làm tăng phạm vi của hợp đồng thuê bằng cách bổ sung quyền sử dụng một hoặc nhiều tài sản cơ sở; và

(b)

khoản thanh toán cho hợp đồng thuê tăng lên với một số tiền tương ứng với giá bán riêng lẻ cho phần mở rộng phạm vi và các điều chỉnh phù hợp với giá bán riêng lẻ đó để phản ánh hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng.

45

Đối với việc sửa đổi hợp đồng thuê không được hạch toán như một hợp đồng thuê riêng biệt, tại ngày sửa đổi hợp đồng thuê có hiệu lực, bên thuê phải:

(a)

phân bổ khoản thanh toán trong hợp đồng thuê đã sửa đổi theo các đoạn 13-16;

(b)

xác định thời hạn thuê của hợp đồng thuê đã sửa đổi theo quy định tại các đoạn 18-19; và

(c)

tái xác định giá trị khoản nợ phải trả về thuê tài sản bằng cách chiết khấu các khoản thanh toán tiền thuê đã sửa đổi theo lãi suất chiết khấu đã sửa đổi. Lãi suất chiết khấu đã sửa đổi được xác định là lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê cho phần thời hạn thuê còn lại, nếu lãi suất này có thể được xác định một cách dễ dàng, hoặc là lãi suất biên đi vay của bên thuê tại ngày sửa đổi hợp đồng thuê có hiệu lực, nếu lãi suất ngầm định không thể được xác định một cách dễ dàng.

46

Đối với việc sửa đổi hợp đồng thuê không được hạch toán như một hợp đồng thuê riêng biệt, bên thuê phải hạch toán việc tái xác định giá trị khoản nợ phải trả về thuê tài sản bằng cách:

(a)

giảm giá trị ghi sổ của tài sản quyền sử dụng để phản ánh việc chấm dứt một phần hoặc toàn bộ hợp đồng thuê đối với các sửa đổi làm giảm phạm vi của hợp đồng thuê. Bên thuê phải ghi nhận vào báo cáo lãi, lỗ bất kỳ khoản lãi hoặc lỗ nào liên quan đến việc chấm dứt một phần hoặc toàn bộ hợp đồng thuê.

(b)

thực hiện điều chỉnh tương ứng đối với tài sản quyền sử dụng cho tất cả các sửa đổi hợp đồng thuê khác.

46A

Theo phương án thực tiễn, bên thuê có thể lựa chọn không đánh giá việc giảm giá thuê có phải là sửa đổi hợp đồng thuê hay không, nếu việc giảm giá thuê đáp ứng các điều kiện quy định tại đoạn 46B. Nếu lựa chọn phương án này, bên thuê phải hạch toán bất kỳ thay đổi nào trong các khoản thanh toán tiền thuê phát sinh từ việc giảm giá thuê theo cách tương tự như cách hạch toán khi thay đổi đó không được coi là sửa đổi hợp đồng thuê theo Chuẩn mực này.

46B

Phương án thực tiễn quy định tại đoạn 46A chỉ áp dụng cho các trường hợp giảm giá thuê phát sinh trực tiếp từ đại dịch Covid-19, và chỉ khi thỏa mãn tất cả các điều kiện sau:

(a)

việc thay đổi các khoản thanh toán tiền thuê dẫn đến giá trị thanh toán sau khi điều chỉnh bằng hoặc thấp hơn giá trị thanh toán của hợp đồng thuê ngay trước khi có thay đổi;

(b)

việc giảm các khoản thanh toán tiền thuê chỉ ảnh hưởng đến các khoản thanh toán ban đầu có ngày đến hạn vào hoặc trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 (ví dụ: việc giảm giá thuê sẽ đáp ứng điều kiện này nếu dẫn đến các khoản thanh toán giảm vào hoặc trước ngày 30 tháng 6 năm 2022, nhưng các khoản thanh toán tăng lên lại diễn ra sau ngày này); và

(c)

không có thay đổi đáng kể nào về các điều khoản và điều kiện khác của hợp đồng thuê.

Trình bày

47

Bên thuê phải trình bày trong báo cáo tình hình tài chính hoặc thuyết minh báo cáo tài chính các thông tin sau:

(a)

tài sản quyền sử dụng được trình bày tách biệt với các tài sản khác. Nếu bên thuê không trình bày tài sản quyền sử dụng tách biệt trong báo cáo tình hình tài chính, bên thuê phải:

(i)

trình bày tài sản quyền sử dụng trong cùng khoản mục với các tài sản cơ sở tương ứng nếu các tài sản này thuộc sở hữu của bên thuê; và

(ii)

thuyết minh về các khoản mục trong báo cáo tình hình tài chính có bao gồm tài sản quyền sử dụng.

(b)

nợ phải trả về thuê tài sản được trình bày tách biệt với các khoản nợ phải trả khác. Nếu bên thuê không trình bày nợ phải trả về thuê tài sản tách biệt trong báo cáo tình hình tài chính, bên thuê phải thuyết minh về các khoản mục trong báo cáo tình hình tài chính có bao gồm các khoản nợ phải trả này.

48

Yêu cầu trong đoạn 47(a) không áp dụng cho tài sản quyền sử dụng đáp ứng định nghĩa bất động sản đầu tư, mà phải được trình bày trong báo cáo tình hình tài chính như là bất động sản đầu tư.

49

Trong báo cáo lãi, lỗ và thu nhập toàn diện khác, bên thuê phải trình bày chi phí lãi vay của nợ phải trả về thuê tài sản tách biệt với chi phí khấu hao tài sản quyền sử dụng. Chi phí lãi vay của nợ phải trả về thuê tài sản là một phần của chi phí tài chính, theo đoạn 82(b) của IAS 1 Trình bày báo cáo tài chính, chi phí tài chính phải được trình bày riêng trong báo cáo lãi, lỗ và thu nhập toàn diện khác.

50

Trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bên thuê phải phân loại:

(a)

tiền thanh toán cho phần gốc của nợ phải trả về thuê tài sản trong hoạt động tài chính;

(b)

tiền thanh toán cho phần lãi của nợ phải trả về thuê tài sản theo quy định của IAS 7 Báo cáo lưu chuyển tiền tệ về khoản lãi đã trả; và

(c)

thanh toán cho hợp đồng thuê ngắn hạn, thanh toán cho thuê tài sản có giá trị thấp, và khoản thanh toán tiền thuê khả biến không được tính vào giá trị của nợ phải trả về thuê tài sản trong hoạt động kinh doanh.

Thuyết minh

51

Mục đích của việc thuyết minh là để bên thuê cung cấp thông tin trong thuyết minh báo cáo tài chính, kết hợp với các thông tin trong báo cáo tình hình tài chính, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ, nhằm giúp người sử dụng báo cáo tài chính đánh giá ảnh hưởng của các hợp đồng thuê tài sản đến tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và dòng tiền của bên thuê. Các đoạn từ 52-60 quy định chi tiết các yêu cầu để đạt được mục đích này.

52

Bên thuê phải thuyết minh thông tin về các hợp đồng thuê tài sản trong một thuyết minh riêng hoặc một phần riêng trong báo cáo tài chính. Tuy nhiên, bên thuê không cần lặp lại thông tin đã được trình bày ở các phần khác của báo cáo tài chính, với điều kiện thông tin đó được tham chiếu chéo trong thuyết minh riêng hoặc phần riêng về hợp đồng thuê tài sản.

53

Bên thuê phải thuyết minh các khoản mục sau cho kỳ báo cáo:

(a)

chi phí khấu hao của tài sản quyền sử dụng theo từng nhóm tài sản cơ sở;

(b)

chi phí lãi vay của các khoản nợ phải trả từ hợp đồng thuê tài sản;

(c)

chi phí liên quan đến hợp đồng thuê ngắn hạn được hạch toán theo đoạn 6. Chi phí này không bao gồm chi phí của các hợp đồng thuê có thời hạn một tháng hoặc ngắn hơn;

(d)

chi phí liên quan đến hợp đồng thuê tài sản có giá trị thấp được hạch toán theo đoạn 6, không bao gồm chi phí liên quan đến hợp đồng thuê ngắn hạn có giá trị thấp đã nêu ở đoạn 53(c);

(e)

chi phí liên quan đến các khoản thanh toán tiền thuê khả biến không được bao gồm trong việc xác định giá trị nợ phải trả từ hợp đồng thuê tài sản;

(f)

thu nhập từ việc cho thuê lại tài sản quyền sử dụng;

(g)

tổng dòng tiền ra liên quan đến hợp đồng thuê tài sản;

(h)

các khoản tăng thêm của tài sản quyền sử dụng;

(i)

lãi hoặc lỗ phát sinh từ giao dịch bán và thuê lại tài sản; và

(j)

giá trị còn lại của tài sản quyền sử dụng tại cuối kỳ báo cáo, phân loại theo từng nhóm tài sản cơ sở.

54

Bên thuê phải trình bày các thuyết minh được quy định trong đoạn 53 theo dạng bảng, trừ khi một dạng trình bày khác phù hợp hơn. Các giá trị được thuyết minh phải bao gồm các chi phí mà bên thuê đã đưa vào giá trị còn lại của tài sản khác trong kỳ báo cáo.

55

Bên thuê phải thuyết minh giá trị các cam kết thuê đối với hợp đồng thuê ngắn hạn được hạch toán theo đoạn 6 nếu danh mục hợp đồng thuê ngắn hạn mà bên thuê cam kết tại cuối kỳ báo cáo khác với danh mục hợp đồng thuê ngắn hạn liên quan đến chi phí thuê ngắn hạn được thuyết minh theo đoạn 53(c).

56

Nếu tài sản quyền sử dụng đáp ứng định nghĩa về bất động sản đầu tư, bên thuê phải áp dụng các yêu cầu thuyết minh trong IAS 40. Trong trường hợp này, bên thuê không cần thuyết minh theo đoạn 53(a), (f), (h) hoặc (j) đối với những tài sản quyền sử dụng đó.

57

Nếu bên thuê xác định giá trị tài sản quyền sử dụng theo giá trị đánh giá lại theo IAS 16, bên thuê phải thuyết minh thông tin theo yêu cầu tại đoạn 77 của IAS 16 đối với các tài sản quyền sử dụng đó.

58

Bên thuê phải thuyết minh phân tích kỳ hạn của các nợ phải trả về thuê tài sản theo các đoạn 39 và B11 của IFRS 7 Công cụ tài chính: Thuyết minh, tách biệt với phân tích kỳ hạn của các nợ phải trả tài chính khác.

59

Ngoài các thuyết minh theo yêu cầu tại các đoạn 53-58, bên thuê phải thuyết minh bổ sung các thông tin định tính và định lượng về các hoạt động thuê tài sản cần thiết để đáp ứng mục tiêu thuyết minh tại đoạn 51 (như mô tả tại đoạn B48). Thông tin bổ sung này có thể bao gồm, nhưng không giới hạn ở, các thông tin giúp người sử dụng báo cáo tài chính đánh giá:

(a)

bản chất của các hoạt động thuê tài sản của bên thuê;

(b)

các dòng tiền ra trong tương lai mà bên thuê có thể phải đối mặt nhưng không được phản ánh trong việc xác định giá trị nợ phải trả về thuê tài sản. Điều này bao gồm rủi ro phát sinh từ:

(i)

các khoản thanh toán tiền thuê khả biến (như mô tả tại đoạn B49);

(ii)

quyền chọn gia hạn và quyền chọn chấm dứt hợp đồng thuê (như mô tả tại đoạn B50);

(iii)

sự đảm bảo giá trị còn lại (như mô tả tại đoạn B51); và

(iv)

các hợp đồng thuê chưa bắt đầu mà bên thuê đã cam kết.

(c)

các hạn chế hoặc điều kiện ràng buộc do hợp đồng thuê áp đặt; và

(d)

các giao dịch bán và thuê lại (như mô tả tại đoạn B52).

60

Bên thuê áp dụng hạch toán theo đoạn 6 đối với hợp đồng thuê ngắn hạn hoặc tài sản có giá trị thấp phải thuyết minh điều này.

60A

Nếu bên thuê áp dụng phương án thực tiễn trong đoạn 46A, bên thuê phải thuyết minh:

(a)

rằng bên thuê đã áp dụng phương án thực tiễn cho tất cả các ưu đãi về tiền thuê tài sản đáp ứng các điều kiện trong đoạn 46B hoặc, nếu không áp dụng cho tất cả các ưu đãi về tiền thuê tài sản đó, thì phải cung cấp thông tin về bản chất của các hợp đồng mà bên thuê đã áp dụng phương án thực tiễn (xem đoạn 2); và

(b)

giá trị được ghi nhận vào lãi hoặc lỗ trong kỳ báo cáo để phản ánh các thay đổi trong khoản thanh toán tiền thuê phát sinh từ các ưu đãi về tiền thuê tài sản mà bên thuê đã áp dụng phương án thực tiễn theo đoạn 46A.

Bên cho thuê

Phân loại hợp đồng thuê (đoạn B53-B58)

61

Bên cho thuê phải phân loại từng hợp đồng thuê là hợp đồng thuê hoạt động hoặc hợp đồng thuê tài chính.

62

Một hợp đồng thuê được phân loại là hợp đồng thuê tài chính nếu nó chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản cơ sở. Ngược lại, hợp đồng thuê được phân loại là hợp đồng thuê hoạt động nếu không chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản cơ sở.

63

Việc phân loại hợp đồng thuê là hợp đồng thuê tài chính hay hợp đồng thuê hoạt động phụ thuộc vào bản chất của giao dịch thay vì hình thức của hợp đồng. Các ví dụ về những tình huống riêng lẻ hoặc kết hợp thường dẫn đến việc một hợp đồng thuê được phân loại là hợp đồng thuê tài chính bao gồm:

(a)

hợp đồng thuê chuyển giao quyền sở hữu tài sản cơ sở cho bên thuê vào cuối thời hạn thuê;

(b)

bên thuê có quyền chọn mua tài sản cơ sở với mức giá dự kiến thấp hơn đáng kể so với giá trị hợp lý tại thời điểm quyền chọn có thể được thực hiện, khiến cho việc thực hiện quyền chọn vào ngày bắt đầu giao dịch thuê trở nên gần như chắc chắn;

(c)

thời hạn thuê chiếm phần lớn thời gian sử dụng kinh tế của tài sản cơ sở, ngay cả khi quyền sở hữu không được chuyển giao;

(d)

tại ngày bắt đầu giao dịch thuê, giá trị hiện tại của các khoản thanh toán tiền thuê tương đương với ít nhất phần lớn giá trị hợp lý của tài sản cơ sở; và

(e)

tài sản cơ sở có tính chất đặc thù mà chỉ bên thuê có thể sử dụng được mà không cần sửa đổi đáng kể.

64

Các dấu hiệu riêng lẻ hoặc kết hợp có thể dẫn đến việc một hợp đồng thuê được phân loại là hợp đồng thuê tài chính bao gồm:

(a)

nếu bên thuê có thể hủy bỏ hợp đồng thuê, các tổn thất của bên cho thuê liên quan đến việc hủy bỏ hợp đồng do bên thuê chịu;

(b)

lãi hoặc lỗ từ biến động giá trị hợp lý của giá trị còn lại thuộc về bên thuê (ví dụ: dưới dạng giảm giá thuê tương ứng với phần lớn giá trị thu được từ việc bán tài sản vào cuối thời hạn thuê); và

(c)

bên thuê có khả năng tiếp tục thuê tài sản trong một giai đoạn thứ hai với giá thuê thấp hơn đáng kể so với giá thuê thị trường.

65

Các ví dụ và dấu hiệu trong đoạn 63-64 không phải lúc nào cũng mang tính quyết định. Nếu rõ ràng từ các đặc điểm khác rằng hợp đồng thuê không chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản cơ sở, thì hợp đồng thuê được phân loại là hợp đồng thuê hoạt động. Ví dụ: trường hợp này có thể xảy ra nếu quyền sở hữu tài sản cơ sở được chuyển giao vào cuối thời hạn thuê với khoản thanh toán biến đổi, tương ứng với giá trị hợp lý của tài sản tại thời điểm đó, hoặc nếu có các khoản thanh toán tiền thuê khả biến, làm cho bên cho thuê không chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích đó.

66

Phân loại hợp đồng thuê được xác định tại ngày bắt đầu giao dịch thuê và chỉ được đánh giá lại nếu có sửa đổi hợp đồng thuê. Thay đổi về ước tính (ví dụ: thay đổi ước tính về thời gian sử dụng hữu ích hoặc giá trị còn lại của tài sản cơ sở) hoặc thay đổi hoàn cảnh (ví dụ: bên thuê mất khả năng thanh toán) không dẫn đến việc phân loại lại hợp đồng thuê cho mục đích kế toán.

Thuê tài chính

Ghi nhận và xác định giá trị

67

Tại ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng, bên cho thuê phải ghi nhận tài sản được nắm giữ theo hợp đồng thuê tài chính trong báo cáo tình hình tài chính và trình bày chúng dưới dạng một khoản phải thu với giá trị bằng khoản đầu tư thuần trong hợp đồng thuê.

Xác định giá trị ban đầu

68

Bên cho thuê phải sử dụng lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê để xác định giá trị khoản đầu tư thuần trong hợp đồng thuê. Trong trường hợp cho thuê lại, nếu lãi suất ngầm định trong hợp đồng cho thuê lại không thể xác định được, bên cho thuê trung gian có thể sử dụng lãi suất chiết khấu của hợp đồng thuê chính (đã điều chỉnh cho bất kỳ chi phí trực tiếp ban đầu nào liên quan đến hợp đồng cho thuê lại) để xác định giá trị khoản đầu tư thuần trong hợp đồng cho thuê lại.

69

Chi phí trực tiếp ban đầu, trừ những chi phí phát sinh từ bên cho thuê là nhà sản xuất hoặc bên cho thuê là đại lý, được bao gồm trong giá trị ban đầu của khoản đầu tư thuần trong hợp đồng thuê và làm giảm thu nhập được ghi nhận trong suốt thời hạn thuê. Lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê được xác định theo cách mà chi phí trực tiếp ban đầu đã tự động được bao gồm trong khoản đầu tư thuần trong hợp đồng thuê; do đó không cần cộng thêm riêng biệt.

Xác định giá trị ban đầu của các khoản thanh toán tiền thuê được bao gồm trong khoản đầu tư thuần trong hợp đồng thuê

70

Tại ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng, các khoản thanh toán tiền thuê được bao gồm trong xác định giá trị khoản đầu tư thuần trong hợp đồng thuê bao gồm các khoản thanh toán sau đây cho quyền sử dụng tài sản cơ sở trong suốt thời hạn thuê mà chưa được nhận tại ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng:

(a)

khoản thanh toán cố định (bao gồm khoản thanh toán cố định về bản chất, như được mô tả trong đoạn B42), trừ đi bất kỳ ưu đãi cho thuê nào phải trả;

(b)

khoản thanh toán tiền thuê khả biến phụ thuộc vào chỉ số hoặc lãi suất, được xác định giá trị ban đầu bằng cách sử dụng chỉ số hoặc lãi suất tại ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng;

(c)

bất kỳ giá trị còn lại được đảm bảo nào do bên thuê, một bên liên quan đến bên thuê, hoặc một bên thứ ba không liên quan đến bên cho thuê và có đủ khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ theo bảo lãnh, cung cấp cho bên cho thuê;

(d)

giá thực hiện quyền chọn mua nếu bên thuê có đủ chắc chắn sẽ thực hiện quyền chọn đó (được đánh giá bằng cách xem xét các yếu tố được mô tả trong đoạn B37); và

(e)

khoản thanh toán tiền phạt cho việc chấm dứt hợp đồng thuê, nếu thời hạn thuê phản ánh rằng bên thuê sẽ thực hiện quyền chọn chấm dứt hợp đồng thuê.

Bên cho thuê là nhà sản xuất hoặc bên cho thuê là đại lý

71

Tại ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng, bên cho thuê là nhà sản xuất hoặc bên cho thuê là đại lý phải ghi nhận các khoản mục sau cho mỗi hợp đồng thuê tài chính:

(a)

doanh thu là giá trị hợp lý của tài sản cơ sở hoặc giá trị hiện tại của các khoản thanh toán tiền thuê, được chiết khấu theo lãi suất thị trường, tùy theo giá trị nào thấp hơn;

(b)

chi phí bán là nguyên giá hoặc giá trị ghi sổ của tài sản cơ sở, trừ đi giá trị hiện tại của giá trị còn lại không được đảm bảo; và

(c)

lãi hoặc lỗ bán hàng (là chênh lệch giữa doanh thu và chi phí bán) theo chính sách của bên cho thuê đối với bán đứt tài sản được áp dụng theo IFRS 15. Bên cho thuê là nhà sản xuất hoặc bên cho thuê là đại lý phải ghi nhận lãi hoặc lỗ bán hàng cho hợp đồng thuê tài chính tại ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng, bất kể bên cho thuê có chuyển giao tài sản cơ sở theo quy định tại IFRS 15 hay không.

72

Nhà sản xuất hoặc bên cho thuê là đại lý thường đưa ra cho khách hàng lựa chọn giữa việc mua hoặc thuê tài sản. Hợp đồng thuê tài chính tài sản do nhà sản xuất hoặc bên cho thuê là đại lý thực hiện làm phát sinh lãi hoặc lỗ tương đương với lãi hoặc lỗ từ bán đứt tài sản cơ sở, theo giá bán thông thường, có tính đến các chiết khấu thương mại hoặc chiết khấu theo khối lượng áp dụng.

73

Nhà sản xuất hoặc bên cho thuê là đại lý đôi khi đưa ra lãi suất thấp một cách cố ý để thu hút khách hàng. Việc sử dụng lãi suất như vậy sẽ dẫn đến việc bên cho thuê ghi nhận một phần quá mức của tổng thu nhập từ giao dịch tại ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng. Nếu lãi suất thấp một cách cố ý, nhà sản xuất hoặc bên cho thuê là đại lý phải giới hạn lãi hoặc lỗ bán hàng ở mức phù hợp với lãi suất thị trường.

74

Nhà sản xuất hoặc bên cho thuê là đại lý phải ghi nhận chi phí phát sinh liên quan đến việc có được hợp đồng thuê tài chính tại ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng như một chi phí, vì những chi phí này chủ yếu liên quan đến việc thu được lợi nhuận bán hàng của nhà sản xuất hoặc bên cho thuê. Chi phí phát sinh bởi nhà sản xuất hoặc bên cho thuê là đại lý liên quan đến việc có được hợp đồng thuê tài chính không được tính vào chi phí trực tiếp ban đầu, và do đó, không được tính vào khoản đầu tư thuần trong hợp đồng thuê.

Xác định giá trị sau ghi nhận ban đầu

75

Bên cho thuê phải ghi nhận thu nhập tài chính trong suốt thời hạn thuê, dựa trên mô hình phản ánh tỷ lệ lợi nhuận định kỳ không đổi trên khoản đầu tư thuần trong hợp đồng thuê của bên cho thuê.

76

Bên cho thuê có mục tiêu phân bổ thu nhập tài chính trong suốt thời hạn thuê trên cơ sở có hệ thống và hợp lý. Bên cho thuê phải áp dụng các khoản thanh toán tiền thuê liên quan đến giai đoạn này để giảm đầu tư gộp trong hợp đồng thuê và giảm cả doanh thu tài chính chưa thực hiện.

77

Bên cho thuê phải áp dụng các yêu cầu về dừng ghi nhận và giảm giá trị theo IFRS 9 cho khoản đầu tư thuần trong hợp đồng thuê. Bên cho thuê phải xem xét định kỳ giá trị còn lại không được đảm bảo ước tính được sử dụng để tính toán đầu tư gộp trong hợp đồng thuê. Nếu có sự giảm giá trị còn lại không được đảm bảo ước tính, bên cho thuê phải điều chỉnh việc phân bổ thu nhập trong suốt thời hạn thuê và ghi nhận ngay lập tức bất kỳ sự giảm nào liên quan đến các khoản đã được tính dồn tích.

78

Bên cho thuê phân loại tài sản theo hợp đồng thuê tài chính là nắm giữ để bán (hoặc bao gồm tài sản đó trong nhóm thanh lý được phân loại là nắm giữ để bán) theo IFRS 5 Tài sản dài hạn nắm giữ để bán và hoạt động bị chấm dứt, và phải hạch toán tài sản đó theo Chuẩn mực này.

Sửa đổi hợp đồng thuê tài sản

79

Bên cho thuê phải hạch toán việc sửa đổi hợp đồng thuê tài chính như một hợp đồng thuê riêng biệt nếu cả hai điều kiện sau được thỏa mãn:

(a)

việc sửa đổi làm tăng phạm vi của hợp đồng thuê bằng cách bổ sung quyền sử dụng một hoặc nhiều tài sản cơ sở; và

(b)

khoản thanh toán cho hợp đồng thuê tăng lên tương ứng với giá bán độc lập cho phần tăng thêm của phạm vi, cùng với bất kỳ điều chỉnh thích hợp nào để phản ánh hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng.

80

Đối với sửa đổi hợp đồng thuê tài chính không được hạch toán như một hợp đồng thuê riêng biệt, bên cho thuê phải hạch toán việc sửa đổi như sau:

(a)

nếu hợp đồng thuê, sau khi sửa đổi, lẽ ra đã được phân loại là hợp đồng thuê hoạt động tại ngày bắt đầu của giao dịch thuê, bên cho thuê phải:

(i)

hạch toán sửa đổi hợp đồng thuê như một hợp đồng thuê mới từ ngày sửa đổi hợp đồng thuê có hiệu lực; và

(ii)

xác định giá trị ghi sổ của tài sản cơ sở bằng khoản đầu tư thuần trong hợp đồng thuê ngay trước ngày sửa đổi hợp đồng thuê có hiệu lực.

(b)

trong các trường hợp khác, bên cho thuê phải áp dụng các yêu cầu của IFRS 9.

Thuê hoạt động

Ghi nhận và xác định giá trị

81

Bên cho thuê phải ghi nhận các khoản thanh toán tiền thuê từ hợp đồng thuê hoạt động là thu nhập theo phương pháp đường thẳng hoặc phương pháp có hệ thống khác. Bên cho thuê phải áp dụng phương pháp có hệ thống khác nếu phương pháp đó phản ánh chính xác hơn cách thức mà lợi ích từ việc sử dụng tài sản cơ sở bị suy giảm.

82

Bên cho thuê phải ghi nhận các chi phí, bao gồm chi phí khấu hao, phát sinh để thu được thu nhập từ hợp đồng thuê là một khoản chi phí.

83

Bên cho thuê phải cộng chi phí trực tiếp ban đầu phát sinh để có được hợp đồng thuê hoạt động vào giá trị ghi sổ của tài sản cơ sở và ghi nhận các chi phí này là chi phí trong suốt thời hạn thuê theo cùng phương pháp như thu nhập từ hợp đồng thuê.

84

Chính sách khấu hao đối với tài sản cơ sở có thể khấu hao thuộc đối tượng của hợp đồng thuê hoạt động phải nhất quán với chính sách khấu hao thông thường của bên cho thuê đối với tài sản tương tự. Bên cho thuê phải tính khấu hao theo quy định tại IAS 16IAS 38.

85

Bên cho thuê phải áp dụng IAS 36 để xác định liệu tài sản cơ sở thuộc đối tượng của hợp đồng thuê hoạt động có bị suy giảm giá trị hay không và để ghi nhận bất kỳ khoản lỗ nào do suy giảm giá trị.

86

Bên cho thuê là nhà sản xuất hoặc đại lý không ghi nhận bất kỳ khoản lãi bán nào khi tham gia vào hợp đồng thuê hoạt động vì việc này không tương đương với việc bán tài sản.

Sửa đổi hợp đồng thuê tài sản

87

Bên cho thuê phải hạch toán việc sửa đổi hợp đồng thuê hoạt động như một hợp đồng thuê mới kể từ ngày sửa đổi có hiệu lực, đồng thời xem xét bất kỳ khoản thanh toán tiền thuê trả trước hoặc các khoản thanh toán tiền thuê dồn tích liên quan đến hợp đồng thuê ban đầu như một phần của các khoản thanh toán tiền thuê cho hợp đồng thuê mới.

Trình bày

88

Bên cho thuê phải trình bày tài sản cơ sở thuộc đối tượng của hợp đồng thuê hoạt động trong báo cáo tình hình tài chính theo bản chất của tài sản cơ sở.

Thuyết minh

89

Mục đích của việc thuyết minh là để bên cho thuê cung cấp thông tin trong thuyết minh báo cáo tài chính, cùng với thông tin được trình bày trong báo cáo tình hình tài chính, báo cáo lãi hoặc lỗ và báo cáo lưu chuyển tiền tệ, nhằm tạo cơ sở cho người sử dụng báo cáo tài chính đánh giá ảnh hưởng của các giao dịch thuê tài sản đến tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và dòng tiền của bên cho thuê. Các đoạn từ 90⁠–⁠97 quy định các yêu cầu để đáp ứng mục tiêu này.

90

Bên cho thuê phải thuyết minh các giá trị sau cho kỳ báo cáo:

(a)

đối với thuê tài chính:

(i)

lãi hoặc lỗ từ việc bán tài sản;

(ii)

thu nhập tài chính từ đầu tư thuần trong hợp đồng thuê tài sản; và

(iii)

thu nhập liên quan đến khoản thanh toán tiền thuê khả biến không được bao gồm trong việc xác định giá trị của đầu tư thuần trong hợp đồng thuê tài sản.

(b)

đối với thuê hoạt động, thu nhập từ cho thuê, thuyết minh riêng thu nhập liên quan đến khoản thanh toán tiền thuê khả biến không phụ thuộc vào chỉ số hoặc lãi suất.

91

Bên cho thuê phải thuyết minh theo quy định tại đoạn 90 dưới dạng bảng, trừ khi hình thức trình bày khác phù hợp hơn.

92

Bên cho thuê phải thuyết minh thông tin định tính và định lượng bổ sung về hoạt động thuê tài sản của mình, nếu cần thiết để đáp ứng mục tiêu thuyết minh trong đoạn 89. Thông tin bổ sung này bao gồm, nhưng không giới hạn ở, thông tin giúp người sử dụng báo cáo tài chính đánh giá:

(a)

bản chất của các hoạt động thuê tài sản của bên cho thuê; và

(b)

cách thức bên cho thuê quản trị rủi ro liên quan đến bất kỳ quyền nào mà bên cho thuê giữ lại trong tài sản cơ sở. Cụ thể, bên cho thuê phải thuyết minh chiến lược quản trị rủi ro của mình đối với các quyền giữ lại trong tài sản cơ sở, bao gồm bất kỳ phương tiện nào mà bên cho thuê sử dụng để giảm thiểu rủi ro đó. Các phương tiện này có thể bao gồm, ví dụ, thỏa thuận mua lại, giá trị còn lại được đảm bảo hoặc khoản thanh toán tiền thuê khả biến cho việc sử dụng vượt quá giới hạn nhất định.

Thuê tài chính

93

Bên cho thuê phải thuyết minh định tính và định lượng về những thay đổi đáng kể trong giá trị ghi sổ của đầu tư thuần trong hợp đồng thuê tài chính.

94

Bên cho thuê phải thuyết minh phân tích thời gian đáo hạn của các khoản thanh toán tiền thuê phải thu, thể hiện các khoản thanh toán tiền thuê chưa chiết khấu sẽ được nhận hàng năm trong ít nhất 5 năm đầu tiên và tổng số tiền cho các năm còn lại. Bên cho thuê phải đối chiếu các khoản thanh toán tiền thuê chưa chiết khấu với đầu tư thuần trong hợp đồng thuê tài chính. Việc đối chiếu phải xác định doanh thu tài chính chưa thực hiện liên quan đến các khoản thanh toán tiền thuê phải thu và bất kỳ giá trị còn lại không được đảm bảo nào đã được chiết khấu.

Thuê hoạt động

95

Đối với bất động sản, nhà xưởng và thiết bị thuộc đối tượng của thuê hoạt động, bên cho thuê phải áp dụng các yêu cầu thuyết minh theo IAS 16. Khi áp dụng các yêu cầu thuyết minh của IAS 16, bên cho thuê phải phân tách từng loại bất động sản, nhà xưởng và thiết bị thành tài sản thuộc đối tượng thuê hoạt động và tài sản không thuộc đối tượng thuê hoạt động. Theo đó, bên cho thuê phải thuyết minh theo yêu cầu của IAS 16 đối với tài sản thuộc đối tượng thuê hoạt động (theo loại tài sản cơ sở) tách biệt với tài sản sở hữu và sử dụng bởi bên cho thuê.

96

Bên cho thuê phải áp dụng các yêu cầu thuyết minh theo IAS 36, IAS 38, IAS 40IAS 41 đối với tài sản thuộc đối tượng thuê hoạt động.

97

Bên cho thuê phải thuyết minh phân tích thời gian đáo hạn của các khoản thanh toán tiền thuê, thể hiện các khoản thanh toán tiền thuê chưa chiết khấu sẽ được nhận hàng năm trong ít nhất 5 năm đầu tiên và tổng số tiền cho các năm còn lại.

Giao dịch bán và thuê lại tài sản

98

Nếu một đơn vị (bên bán-thuê lại) chuyển giao một tài sản cho đơn vị khác (bên mua-cho thuê) và thuê lại tài sản đó từ bên mua-cho thuê, cả bên bán-thuê lại và bên mua-cho thuê phải hạch toán hợp đồng chuyển giao và hợp đồng thuê tài sản theo quy định tại các đoạn 99-103.

Đánh giá việc chuyển giao tài sản có phải là giao dịch bán hay không

99

Đơn vị phải áp dụng các quy định trong IFRS 15 để xác định thời điểm hoàn thành nghĩa vụ thực hiện nhằm đánh giá liệu việc chuyển giao tài sản có được hạch toán là giao dịch bán tài sản hay không.

Chuyển giao tài sản là giao dịch bán

100

Nếu việc chuyển giao tài sản của bên bán-thuê lại đáp ứng các yêu cầu của IFRS 15 để được hạch toán là giao dịch bán tài sản, thì:

(a)

bên bán-thuê lại phải xác định giá trị tài sản quyền sử dụng phát sinh từ giao dịch thuê lại theo tỷ lệ của giá trị ghi sổ trước đó của tài sản tương ứng với quyền sử dụng mà bên bán-thuê lại giữ lại. Theo đó, bên bán-thuê lại chỉ ghi nhận khoản lãi hoặc lỗ liên quan đến các quyền được chuyển giao cho bên mua-cho thuê.

(b)

bên mua-cho thuê phải hạch toán việc mua tài sản theo các Chuẩn mực áp dụng và hạch toán giao dịch thuê tài sản theo các yêu cầu về kế toán cho bên cho thuê trong Chuẩn mực này.

101

Nếu giá trị hợp lý của khoản thanh toán cho việc bán tài sản không bằng giá trị hợp lý của tài sản hoặc nếu khoản thanh toán tiền thuê không theo giá thị trường, đơn vị phải thực hiện các điều chỉnh sau để xác định giá trị thu được từ việc bán tài sản theo giá trị hợp lý:

(a)

bất kỳ điều khoản nào thấp hơn giá thị trường phải được hạch toán là khoản trả trước cho các khoản thanh toán tiền thuê; và

(b)

bất kỳ điều khoản nào cao hơn giá thị trường phải được hạch toán là khoản tài trợ bổ sung do bên mua-cho thuê cung cấp cho bên bán-thuê lại.

102

Đơn vị phải xác định giá trị điều chỉnh tiềm tàng theo quy định tại đoạn 101 dựa trên cơ sở giá trị dễ xác định hơn giữa:

(a)

chênh lệch giữa giá trị hợp lý của khoản thanh toán cho giao dịch bán tài sản và giá trị hợp lý của tài sản; và

(b)

chênh lệch giữa giá trị hiện tại của các khoản thanh toán theo hợp đồng thuê và giá trị hiện tại của các khoản thanh toán tiền thuê theo giá thị trường.

102A

Sau ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng, bên bán-thuê lại phải áp dụng các đoạn 29-35 đối với tài sản quyền sử dụng phát sinh từ giao dịch thuê lại và các đoạn 36-46 đối với nợ phải trả thuê tài sản phát sinh từ giao dịch thuê lại. Khi áp dụng các đoạn 36-46, bên bán-thuê lại phải xác định ‘các khoản thanh toán tiền thuê’ hoặc ‘các khoản thanh toán tiền thuê đã điều chỉnh’ theo cách mà bên bán-thuê lại không ghi nhận bất kỳ khoản lãi hoặc lỗ nào liên quan đến quyền sử dụng được bên bán-thuê lại giữ lại. Việc áp dụng các yêu cầu trong đoạn này không cản trở bên bán-thuê lại ghi nhận vào kết quả kinh doanh bất kỳ khoản lãi hoặc lỗ nào liên quan đến việc chấm dứt một phần hoặc toàn bộ hợp đồng thuê theo quy định tại đoạn 46(a).

Việc chuyển giao tài sản không phải là một giao dịch bán

103

Nếu việc chuyển giao tài sản của bên bán-thuê lại không đáp ứng các yêu cầu của IFRS 15 để được hạch toán như một giao dịch bán tài sản:

(a)

bên bán-thuê lại phải tiếp tục ghi nhận tài sản được chuyển giao và ghi nhận một khoản nợ phải trả tài chính bằng với số tiền thu được từ việc chuyển giao. Bên bán-thuê lại phải hạch toán khoản nợ phải trả tài chính theo IFRS 9.

(b)

bên mua-cho thuê không được ghi nhận tài sản được chuyển giao mà phải ghi nhận một tài sản tài chính bằng với số tiền thu được từ việc chuyển giao. Bên mua-cho thuê phải hạch toán tài sản tài chính theo IFRS 9.

Ngoại lệ tạm thời phát sinh từ việc cải cách lãi suất chuẩn

104

Bên thuê phải áp dụng các đoạn 105–106 cho tất cả các sửa đổi hợp đồng thuê làm thay đổi cơ sở xác định các khoản thanh toán tiền thuê trong tương lai do kết quả của việc cải cách lãi suất chuẩn (xem đoạn 5.4.6 và 5.4.8 của IFRS 9). Các đoạn này chỉ áp dụng cho những sửa đổi hợp đồng thuê như vậy. Cho mục đích này, thuật ngữ “cải cách lãi suất chuẩn” đề cập đến việc cải cách lãi suất chuẩn trên phạm vi toàn thị trường như được mô tả tại đoạn 6.8.2 của IFRS 9.

105

Theo phương án thực tiễn, bên thuê phải áp dụng đoạn 42 để hạch toán việc sửa đổi hợp đồng thuê do yêu cầu của việc cải cách lãi suất chuẩn. Phương án thực tiễn này chỉ áp dụng cho những sửa đổi như vậy. Cho mục đích này, việc sửa đổi hợp đồng thuê được xem là yêu cầu của việc cải cách lãi suất chuẩn khi và chỉ khi cả hai điều kiện sau được thỏa mãn:

(a)

việc sửa đổi là cần thiết do kết quả trực tiếp của việc cải cách lãi suất chuẩn; và

(b)

cơ sở mới để xác định các khoản thanh toán tiền thuê tương đương về mặt kinh tế với cơ sở trước đó (tức là cơ sở ngay trước khi sửa đổi).

106

Tuy nhiên, nếu việc sửa đổi hợp đồng thuê được thực hiện ngoài những sửa đổi yêu cầu bởi việc cải cách lãi suất chuẩn, bên thuê phải áp dụng các quy định trong Chuẩn mực này để hạch toán tất cả các sửa đổi hợp đồng thuê được thực hiện tại cùng thời điểm, bao gồm cả những sửa đổi do yêu cầu của việc cải cách lãi suất chuẩn.

Phụ lục

Phụ lục A Các thuật ngữ được định nghĩa

Phụ lục này là một phần không thể thiếu của Chuẩn mực.

ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng

Ngày mà bên cho thuê chuyển giao tài sản cho bên thuê và đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.

thời gian sử dụng kinh tế (tuổi thọ kinh tế)

Khoảng thời gian mà tài sản được ước tính sử dụng để đem lại lợi ích kinh tế bởi một hoặc nhiều người sử dụng tài sản; hoặc là số lượng sản phẩm hay đơn vị tương đương có thể thu được từ tài sản do một hoặc nhiều người sử dụng tài sản.

ngày sửa đổi hợp đồng thuê có hiệu lực

Ngày mà các bên đồng ý về các sửa đổi trong hợp đồng thuê.

giá trị hợp lý

cho mục đích áp dụng các yêu cầu kế toán của bên cho thuê trong Chuẩn mực này, Giá trị hợp lý được định nghĩa là giá trị một tài sản có thể được trao đổi, hoặc một khoản nợ phải trả được thanh toán, giữa các bên có hiểu biết và tự nguyện trong một giao dịch ngang giá.

thuê tài chính

một hợp đồng thuê chuyển giao gần như toàn bộ rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu của một tài sản cơ sở.

khoản thanh toán cố định

các khoản thanh toán mà bên thuê trả cho bên cho thuê để có quyền sử dụng tài sản cơ sở trong suốt thời hạn thuê, không bao gồm khoản thanh toán tiền thuê khả biến.

đầu tư gộp trong hợp đồng thuê tài sản

tổng của:

(a)

các khoản thanh toán tiền thuê mà bên cho thuê sẽ nhận được theo hợp đồng thuê tài chính; và

(b)

bất kỳ giá trị còn lại không được đảm bảo nào phát sinh cho bên cho thuê.

ngày bắt đầu của giao dịch thuê

ngày sớm hơn giữa ngày thỏa thuận thuê tài sản và ngày các bên cam kết các điều khoản và điều kiện chính của hợp đồng thuê.

chi phí trực tiếp ban đầu

chi phí tăng thêm để có được hợp đồng thuê mà sẽ không phát sinh nếu không có được hợp đồng thuê, ngoại trừ các chi phí phát sinh bởi bên cho thuê là nhà sản xuất hoặc đại lý liên quan đến thuê tài chính.

lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê tài sản

lãi suất làm cho giá trị hiện tại của (a) các khoản thanh toán tiền thuê và (b) giá trị còn lại không được đảm bảo bằng với tổng của (i) giá trị hợp lý của tài sản cơ sở và (ii) bất kỳ chi phí trực tiếp ban đầu nào của bên cho thuê.

thuê tài sản

một hợp đồng hoặc một phần của hợp đồng, chuyển giao quyền sử dụng tài sản (tài sản cơ sở) trong một khoảng thời gian để đổi lấy khoản thanh toán.

ưu đãi cho thuê

các khoản thanh toán mà bên cho thuê trả cho bên thuê liên quan đến thuê tài sản hoặc việc bên cho thuê hoàn trả hoặc gánh chịu các chi phí của bên thuê.

sửa đổi hợp đồng thuê tài sản

sự thay đổi về phạm vi của hợp đồng thuê hoặc khoản thanh toán tiền thuê, mà không phải là một phần của các điều khoản và điều kiện ban đầu của hợp đồng thuê (ví dụ, bổ sung hoặc chấm dứt quyền sử dụng một hoặc nhiều tài sản cơ sở hoặc kéo dài hoặc rút ngắn thời hạn thuê theo hợp đồng).

các khoản thanh toán tiền thuê

các khoản thanh toán mà bên thuê trả cho bên cho thuê liên quan đến quyền sử dụng tài sản cơ sở trong suốt thời hạn thuê, bao gồm các khoản sau:

(a)

khoản thanh toán cố định (bao gồm khoản thanh toán cố định về bản chất), trừ đi bất kỳ ưu đãi cho thuê nào;

(b)

khoản thanh toán tiền thuê khả biến phụ thuộc vào chỉ số hoặc lãi suất;

(c)

giá thực hiện quyền chọn mua nếu bên thuê có thể thực hiện quyền chọn đó; và

(d)

các khoản thanh toán phạt cho việc chấm dứt hợp đồng thuê, nếu thời hạn thuê phản ánh việc bên thuê thực hiện quyền chọn chấm dứt hợp đồng thuê.

Đối với bên thuê, các khoản thanh toán tiền thuê cũng bao gồm các khoản dự kiến phải trả bởi bên thuê theo sự đảm bảo giá trị còn lại. Các khoản thanh toán tiền thuê không bao gồm các khoản thanh toán được phân bổ cho các cấu phần không phải là thuê tài sản, trừ khi bên thuê lựa chọn kết hợp các cấu phần không phải là thuê tài sản với cấu phần thuê tài sản và hạch toán chúng như một cấu phần thuê tài sản đơn lẻ.

Đối với bên cho thuê, các khoản thanh toán tiền thuê cũng bao gồm bất kỳ sự đảm bảo giá trị còn lại nào được cung cấp cho bên cho thuê bởi bên thuê, một bên liên quan đến bên thuê hoặc một bên thứ ba không liên quan đến bên cho thuê có khả năng tài chính để thực hiện các nghĩa vụ theo việc đảm bảo. Các khoản thanh toán tiền thuê không bao gồm các khoản thanh toán được phân bổ cho các cấu phần không phải là thuê tài sản.

thời hạn thuê

Khoảng thời gian không thể hủy bỏ mà bên thuê có quyền sử dụng tài sản cơ sở, cùng với cả hai yếu tố:

(a)

các giai đoạn được thực hiện bởi quyền chọn gia hạn hợp đồng thuê nếu bên thuê có thể thực hiện quyền chọn đó; và

(b)

các giai đoạn được thực hiện bởi quyền chọn chấm dứt hợp đồng thuê nếu bên thuê có thể không thực hiện quyền chọn đó.

bên thuê

Đơn vị có được quyền sử dụng tài sản cơ sở trong một khoảng thời gian để đổi lấy khoản thanh toán.

lãi suất biên đi vay của bên thuê

Lãi suất mà bên thuê phải trả để vay trong một thời hạn tương tự, với tài sản đảm bảo tương tự, các khoản tiền cần thiết để có được tài sản có giá trị tương tự với tài sản quyền sử dụng trong một môi trường kinh tế tương tự.

bên cho thuê

Đơn vị cung cấp quyền sử dụng tài sản cơ sở trong một khoảng thời gian để đổi lấy khoản thanh toán.

đầu tư thuần trong hợp đồng thuê tài sản

Đầu tư gộp trong hợp đồng thuê tài sản được chiết khấu theo lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê tài sản.

thuê hoạt động

Hợp đồng thuê không chuyển giao đáng kể tất cả các rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản cơ sở.

khoản thanh toán quyền chọn thuê tài sản

Các khoản thanh toán được thực hiện bởi bên thuê cho bên cho thuê để có được quyền sử dụng tài sản cơ sở trong các giai đoạn được thực hiện bởi quyền chọn gia hạn hoặc chấm dứt hợp đồng thuê mà không được bao gồm trong thời hạn thuê.

thời gian sử dụng

Tổng thời gian mà tài sản được sử dụng để thực hiện hợp đồng với khách hàng (bao gồm cả các khoảng thời gian không liên tục).

sự đảm bảo giá trị còn lại

Một khoản đảm bảo được thực hiện bởi một bên không liên quan đến bên cho thuê về giá trị (hoặc một phần giá trị) của một tài sản cơ sở tại thời điểm kết thúc thời hạn thuê sẽ là ít nhất một giá trị cụ thể.

tài sản quyền sử dụng

Một tài sản thể hiện quyền của bên thuê để sử dụng một tài sản cơ sở trong suốt thời hạn thuê.

hợp đồng thuê ngắn hạn

Một hợp đồng thuê có thời hạn thuê tại ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng là 12 tháng hoặc ít hơn. Một hợp đồng thuê có quyền mua không phải là hợp đồng thuê ngắn hạn.

cho thuê lại

Một giao dịch mà một tài sản cơ sở được cho thuê lại bởi bên thuê (‘bên cho thuê trung gian’) cho bên thứ ba, và hợp đồng thuê (‘hợp đồng thuê chính’) giữa bên cho thuê chính và bên thuê vẫn có hiệu lực.

tài sản cơ sở

Một tài sản là đối tượng của hợp đồng thuê, mà quyền sử dụng tài sản đó được cung cấp bởi bên cho thuê cho bên thuê.

doanh thu tài chính chưa thực hiện

Sự khác biệt giữa:

(a)

đầu tư gộp trong hợp đồng thuê tài sản; và

(b)

đầu tư thuần trong hợp đồng thuê tài sản.

giá trị còn lại không được đảm bảo

Phần giá trị còn lại của tài sản cơ sở mà việc thu hồi của bên cho thuê không được đảm bảo hoặc chỉ được đảm bảo bởi một bên liên quan đến bên cho thuê.

khoản thanh toán tiền thuê khả biến

Phần thanh toán được thực hiện bởi bên thuê cho bên cho thuê để có quyền sử dụng một tài sản cơ sở trong suốt thời hạn thuê mà thay đổi do sự thay đổi về thực tế hoặc tình huống xảy ra sau ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng, ngoài thời gian trôi qua.

Các thuật ngữ được định nghĩa trong các Chuẩn mực khác và được sử dụng trong Chuẩn mực này với cùng ý nghĩa

hợp đồng

Một thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên tạo ra các quyền và nghĩa vụ có hiệu lực thi hành.

thời gian sử dụng hữu ích

Khoảng thời gian mà tài sản dự kiến sẵn sàng để sử dụng bởi đơn vị; hoặc số lượng sản phẩm được sản xuất hoặc các đơn vị tương tự dự kiến thu được từ tài sản của đơn vị.

Phụ lục B Hướng dẫn áp dụng

Phụ lục này là một phần không thể tách rời của Chuẩn mực. Phụ lục này mô tả việc áp dụng các đoạn từ 1-103 và có hiệu lực tương tự như các phần khác của Chuẩn mực.

Áp dụng cho danh mục hợp đồng thuê tài sản

B1

Chuẩn mực này quy định việc hạch toán đối với từng hợp đồng thuê tài sản riêng lẻ. Tuy nhiên, như một biện pháp thực tiễn, đơn vị có thể áp dụng Chuẩn mực này cho một danh mục các hợp đồng thuê tài sản có đặc điểm tương tự nếu đơn vị có kỳ vọng hợp lý rằng việc áp dụng Chuẩn mực này cho danh mục sẽ không tạo ra sự khác biệt trọng yếu so với việc áp dụng Chuẩn mực cho từng hợp đồng thuê riêng lẻ trong danh mục đó. Khi hạch toán danh mục, đơn vị phải sử dụng các ước tính và giả định phản ánh đúng quy mô và cấu trúc của danh mục.

Kết hợp các hợp đồng

B2

Khi áp dụng Chuẩn mực này, đơn vị phải kết hợp hai hoặc nhiều hợp đồng được ký kết cùng hoặc gần cùng thời điểm với cùng một đối tác (hoặc các bên liên quan của đối tác) và hạch toán các hợp đồng đó như một hợp đồng duy nhất nếu thỏa mãn một hoặc nhiều tiêu chí sau:

(a)

các hợp đồng được đàm phán như một gói với mục tiêu thương mại tổng thể mà không thể hiểu được nếu không xem xét các hợp đồng cùng nhau;

(b)

khoản thanh toán phải trả theo một hợp đồng phụ thuộc vào giá hoặc việc thực hiện của hợp đồng khác; hoặc

(c)

quyền sử dụng tài sản được chuyển giao trong các hợp đồng (hoặc một số quyền sử dụng tài sản được chuyển giao trong từng hợp đồng) tạo thành một cấu phần thuê như được mô tả tại đoạn B32.

Ngoại lệ ghi nhận: hợp đồng thuê tài sản mà tài sản cơ sở có giá trị thấp (đoạn 5-8)

B3

Ngoại trừ quy định tại đoạn B7, Chuẩn mực này cho phép bên thuê áp dụng đoạn 6 để hạch toán các hợp đồng thuê mà tài sản cơ sở có giá trị thấp. Bên thuê phải đánh giá giá trị của tài sản cơ sở dựa trên giá trị của tài sản khi còn mới, bất kể tuổi đời của tài sản được thuê.

B4

Việc đánh giá liệu tài sản cơ sở có giá trị thấp hay không được thực hiện trên cơ sở tuyệt đối. Hợp đồng thuê tài sản có giá trị thấp đủ điều kiện để áp dụng phương pháp hạch toán theo đoạn 6, bất kể hợp đồng thuê đó có trọng yếu đối với bên thuê hay không. Việc đánh giá không bị ảnh hưởng bởi quy mô, tính chất hoặc hoàn cảnh của bên thuê. Do đó, các bên thuê khác nhau được kỳ vọng sẽ đi đến cùng một kết luận về việc liệu một tài sản cơ sở cụ thể có giá trị thấp hay không.

B5

Một tài sản cơ sở chỉ được coi là có giá trị thấp nếu:

(a)

bên thuê có thể khai thác lợi ích từ việc sử dụng tài sản cơ sở đó một cách độc lập hoặc cùng với các nguồn lực khác sẵn có; và

(b)

tài sản cơ sở đó không phụ thuộc nhiều hoặc không có mối liên kết chặt chẽ với các tài sản khác.

B6

Hợp đồng thuê tài sản không đủ điều kiện là hợp đồng thuê tài sản có giá trị thấp nếu bản chất của tài sản đó, khi còn mới, thường không phải là tài sản có giá trị thấp. Ví dụ, hợp đồng thuê ô tô không đủ điều kiện là hợp đồng thuê tài sản có giá trị thấp vì một chiếc ô tô mới thường không có giá trị thấp.

B7

Nếu bên thuê cho thuê lại một tài sản hoặc dự kiến sẽ cho thuê lại tài sản đó, hợp đồng thuê chính không đủ điều kiện là hợp đồng thuê tài sản có giá trị thấp.

B8

Ví dụ về tài sản cơ sở có giá trị thấp có thể bao gồm máy tính bảng, máy tính cá nhân, các đồ nội thất văn phòng nhỏ và điện thoại.

Xác định hợp đồng thuê (đoạn 9-11)

B9

Để đánh giá liệu hợp đồng có chuyển giao quyền kiểm soát việc sử dụng tài sản xác định (xem đoạn B13-B20) trong một khoảng thời gian hay không, đơn vị phải đánh giá liệu trong suốt thời gian sử dụng, khách hàng có cả hai quyền sau đây hay không:

(a)

quyền thu được gần như toàn bộ lợi ích kinh tế từ việc sử dụng tài sản xác định (như mô tả trong các đoạn B21-B23); và

(b)

quyền quyết định việc sử dụng tài sản xác định (như mô tả trong các đoạn B24-B30).

B10

Nếu khách hàng chỉ có quyền kiểm soát việc sử dụng tài sản xác định trong một phần của thời hạn hợp đồng, thì hợp đồng đó chứa một hợp đồng thuê cho phần thời hạn đó.

B11

Một hợp đồng nhận hàng hóa hoặc dịch vụ có thể được ký kết bởi một thỏa thuận chung, hoặc thay mặt cho một thỏa thuận chung, như được định nghĩa trong IFRS 11 Thỏa thuận chung. Trong trường hợp này, thỏa thuận chung được coi là khách hàng trong hợp đồng. Theo đó, khi đánh giá liệu hợp đồng có chứa hợp đồng thuê hay không, đơn vị phải đánh giá liệu thỏa thuận chung có quyền kiểm soát việc sử dụng tài sản xác định trong suốt thời gian sử dụng hay không.

B12

Đơn vị phải đánh giá liệu hợp đồng có chứa một hợp đồng thuê đối với từng cấu phần thuê tách biệt tiềm năng. Tham khảo đoạn B32 để biết hướng dẫn về cấu phần thuê tách biệt.

Tài sản xác định

B13

Một tài sản thường được xác định rõ ràng bằng cách được chỉ định cụ thể trong hợp đồng. Tuy nhiên, tài sản cũng có thể được xác định ngầm tại thời điểm tài sản được cung cấp cho khách hàng sử dụng.

Quyền thay thế thực chất

B14

Ngay cả khi tài sản được xác định cụ thể, khách hàng không có quyền sử dụng tài sản đó nếu bên cung cấp có quyền thay thế thực chất đối với tài sản trong suốt thời gian sử dụng. Quyền thay thế tài sản của bên cung cấp chỉ được coi là thực chất khi đồng thời thỏa mãn cả hai điều kiện sau:

(a)

bên cung cấp có khả năng thực tế để thay thế tài sản trong suốt thời gian sử dụng (ví dụ, khách hàng không thể ngăn cản bên cung cấp thay thế tài sản và bên cung cấp có sẵn tài sản thay thế hoặc có thể thu xếp tài sản thay thế trong khoảng thời gian hợp lý); và

(b)

bên cung cấp sẽ thu được lợi ích kinh tế từ việc thực hiện quyền thay thế tài sản (tức là, lợi ích kinh tế liên quan đến việc thay thế tài sản dự kiến sẽ vượt quá chi phí thay thế).

B15

Nếu bên cung cấp chỉ có quyền hoặc nghĩa vụ thay thế tài sản vào hoặc sau một ngày cụ thể, hoặc khi xảy ra một sự kiện được xác định trước, thì quyền thay thế đó không được coi là quyền thực chất, vì bên cung cấp không có khả năng thực tế để thay thế tài sản khác trong suốt thời gian sử dụng.

B16

Đơn vị đánh giá liệu quyền thay thế của nhà cung cấp có phải là quyền thực chất hay không dựa trên các sự kiện và tình huống tại thời điểm bắt đầu hợp đồng và không xem xét các sự kiện trong tương lai mà tại thời điểm đó, không được coi là có khả năng xảy ra. Ví dụ về các sự kiện trong tương lai mà tại thời điểm bắt đầu hợp đồng không được coi là có khả năng xảy ra và do đó, không nên xem xét trong quá trình đánh giá, bao gồm:

(a)

thỏa thuận của một khách hàng tương lai để trả mức giá cao hơn giá thị trường để sử dụng tài sản;

(b)

việc ra mắt công nghệ mới mà tại thời điểm bắt đầu hợp đồng chưa được phát triển đầy đủ;

(c)

sự khác biệt đáng kể giữa việc sử dụng tài sản của khách hàng hoặc hiệu suất của tài sản so với việc sử dụng hoặc hiệu suất được kỳ vọng tại thời điểm bắt đầu hợp đồng; và

(d)

sự khác biệt đáng kể giữa giá thị trường của tài sản trong thời gian sử dụng và giá thị trường được kỳ vọng tại thời điểm bắt đầu hợp đồng.

B17

Nếu tài sản nằm tại cơ sở của khách hàng hoặc ở nơi khác, chi phí liên quan đến việc thay thế thường cao hơn so với khi tài sản nằm tại cơ sở của nhà cung cấp và do đó, có nhiều khả năng vượt quá lợi ích kinh tế từ việc thay thế tài sản.

B18

Quyền hoặc nghĩa vụ của nhà cung cấp để thay thế tài sản cho việc sửa chữa và bảo trì, nếu tài sản không hoạt động đúng cách hoặc nếu có nâng cấp kỹ thuật, không làm mất quyền sử dụng tài sản xác định của khách hàng.

B19

Nếu khách hàng không thể xác định rõ liệu nhà cung cấp có quyền thay thế thực chất hay không, khách hàng phải giả định rằng bất kỳ quyền thay thế nào cũng không phải là quyền thực chất.

Phần của tài sản

B20

Một phần công suất của tài sản là một tài sản xác định nếu phần đó tách biệt về mặt vật lý (ví dụ, một tầng của tòa nhà). Một phần công suất hoặc phần khác của tài sản không tách biệt về mặt vật lý (ví dụ, một phần công suất của cáp quang) không phải là tài sản xác định, trừ khi nó đại diện cho gần như toàn bộ công suất của tài sản và qua đó cung cấp cho khách hàng quyền thu được gần như toàn bộ lợi ích kinh tế từ việc sử dụng tài sản.

Quyền thu được lợi ích kinh tế từ việc sử dụng

B21

Để kiểm soát việc sử dụng một tài sản xác định, khách hàng phải có quyền thu được gần như toàn bộ lợi ích kinh tế từ việc sử dụng tài sản trong suốt thời gian sử dụng (ví dụ, bằng cách có quyền sử dụng độc quyền tài sản trong suốt thời gian đó). Khách hàng có thể thu được lợi ích kinh tế từ việc sử dụng tài sản trực tiếp hoặc gián tiếp theo nhiều cách, chẳng hạn như sử dụng, nắm giữ hoặc cho thuê lại tài sản. Lợi ích kinh tế từ việc sử dụng tài sản bao gồm sản phẩm chính và sản phẩm phụ (bao gồm cả các dòng tiền tiềm năng phát sinh từ những sản phẩm này) và các lợi ích kinh tế khác có thể thu được từ việc sử dụng tài sản thông qua một giao dịch thương mại với bên thứ ba.

B22

Khi đánh giá quyền thu được gần như toàn bộ lợi ích kinh tế từ việc sử dụng tài sản, đơn vị phải xem xét lợi ích kinh tế thu được trong phạm vi quyền sử dụng tài sản đã được xác định của khách hàng (xem đoạn B30). Ví dụ:

(a)

nếu hợp đồng giới hạn việc sử dụng xe ô tô chỉ trong một lãnh thổ cụ thể trong suốt thời gian sử dụng, đơn vị chỉ xem xét lợi ích kinh tế từ việc sử dụng xe ô tô trong lãnh thổ đó, không bao gồm ngoài lãnh thổ đó;

(b)

nếu hợp đồng quy định rằng khách hàng chỉ được lái xe ô tô với một số dặm nhất định trong suốt thời gian sử dụng, đơn vị chỉ xem xét lợi ích kinh tế từ việc sử dụng xe ô tô trong phạm vi số dặm được phép đó, không vượt quá số dặm đã quy định.

B23

Nếu hợp đồng yêu cầu khách hàng trả cho nhà cung cấp hoặc một bên khác một phần dòng tiền thu được từ việc sử dụng tài sản như là khoản thanh toán, thì các dòng tiền đó được coi là một phần lợi ích kinh tế mà khách hàng thu được từ việc sử dụng tài sản. Ví dụ, nếu khách hàng phải trả cho nhà cung cấp một tỷ lệ phần trăm doanh thu từ việc sử dụng mặt bằng bán lẻ như là khoản thanh toán cho quyền sử dụng đó, thì yêu cầu này không ngăn cản khách hàng có quyền thu được gần như toàn bộ lợi ích kinh tế từ việc sử dụng mặt bằng bán lẻ. Điều này là do các dòng tiền phát sinh từ doanh thu đó được coi là lợi ích kinh tế mà khách hàng thu được từ việc sử dụng mặt bằng bán lẻ, trong đó một phần dòng tiền này được trả cho nhà cung cấp như là khoản thanh toán cho quyền sử dụng mặt bằng.

Quyền quyết định việc sử dụng

B24

Khách hàng có quyền quyết định việc sử dụng tài sản xác định trong suốt thời gian sử dụng nếu thỏa mãn một trong các điều kiện sau:

(a)

khách hàng có quyền quyết định cách thức và mục đích sử dụng tài sản trong suốt thời gian sử dụng (như mô tả tại các đoạn B25-B30); hoặc

(b)

các quyết định liên quan đến cách thức và mục đích sử dụng tài sản đã được xác định trước và:

(i)

khách hàng có quyền vận hành tài sản (hoặc chỉ đạo người khác vận hành tài sản theo cách thức do mình quyết định) trong suốt thời gian sử dụng mà nhà cung cấp không có quyền thay đổi các hướng dẫn vận hành đó; hoặc

(ii)

khách hàng đã thiết kế tài sản (hoặc các đặc điểm cụ thể của tài sản) theo cách xác định trước cách thức và mục đích sử dụng tài sản trong suốt thời gian sử dụng.

Cách thức và mục đích sử dụng tài sản

B25

Khách hàng có quyền quyết định cách thức và mục đích sử dụng tài sản nếu, trong phạm vi quyền sử dụng được xác định trong hợp đồng, khách hàng có thể thay đổi cách thức và mục đích sử dụng tài sản trong suốt thời gian sử dụng. Khi đánh giá điều này, đơn vị cần xem xét các quyền ra quyết định có liên quan nhất đến việc thay đổi cách thức và mục đích sử dụng tài sản trong suốt thời gian sử dụng. Quyền ra quyết định được coi là có liên quan khi chúng ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế thu được từ việc sử dụng tài sản. Các quyền ra quyết định liên quan nhất có thể khác nhau đối với từng hợp đồng, tùy thuộc vào bản chất của tài sản và các điều khoản, điều kiện trong hợp đồng.

B26

Ví dụ về các quyền ra quyết định có thể cấp quyền thay đổi cách thức và mục đích sử dụng tài sản, trong phạm vi quyền sử dụng được xác định của khách hàng, bao gồm:

(a)

quyền thay đổi loại hình đầu ra được tạo ra từ tài sản (ví dụ: quyết định sử dụng container để vận chuyển hàng hóa hoặc làm kho lưu trữ, hoặc quyết định danh mục sản phẩm được bán tại mặt bằng bán lẻ);

(b)

quyền thay đổi thời điểm tạo ra đầu ra (ví dụ: quyết định thời gian vận hành một thiết bị hoặc nhà máy điện);

(c)

quyền thay đổi địa điểm tạo ra đầu ra (ví dụ: quyết định điểm đến của xe tải hoặc tàu, hoặc quyết định địa điểm sử dụng thiết bị); và

(d)

quyền thay đổi việc có tạo ra đầu ra hay không và số lượng đầu ra (ví dụ: quyết định có sản xuất năng lượng từ nhà máy điện hay không và sản xuất bao nhiêu năng lượng từ nhà máy đó).

B27

Ví dụ về các quyền ra quyết định không trao quyền thay đổi cách thức và mục đích sử dụng tài sản bao gồm các quyền bị giới hạn trong việc vận hành hoặc bảo trì tài sản. Những quyền này có thể thuộc về khách hàng hoặc nhà cung cấp. Mặc dù các quyền như quyền vận hành hoặc bảo trì tài sản thường cần thiết để sử dụng tài sản một cách hiệu quả, chúng không phải là các quyền quyết định cách thức và mục đích sử dụng tài sản mà thường phụ thuộc vào các quyết định về cách thức và mục đích sử dụng tài sản. Tuy nhiên, quyền vận hành tài sản có thể trao cho khách hàng quyền quyết định việc sử dụng tài sản nếu các quyết định liên quan đến cách thức và mục đích sử dụng tài sản đã được xác định trước (xem đoạn B24(b)(i)).

Quyết định được xác định trong và trước giai đoạn sử dụng

B28

Các quyết định liên quan đến cách thức và mục đích sử dụng tài sản có thể được xác định trước theo nhiều cách. Ví dụ, các quyết định này có thể được xác định trước thông qua thiết kế của tài sản hoặc thông qua các hạn chế trong hợp đồng về việc sử dụng tài sản.

B29

Khi đánh giá liệu khách hàng có quyền quyết định việc sử dụng tài sản hay không, đơn vị chỉ nên xem xét các quyền ra quyết định về việc sử dụng tài sản trong giai đoạn sử dụng, trừ khi khách hàng đã thiết kế tài sản (hoặc các đặc điểm cụ thể của tài sản) như được mô tả tại đoạn B24(b)(ii). Do đó, trừ khi các điều kiện trong đoạn B24(b)(ii) được thỏa mãn, đơn vị không nên xem xét các quyết định được xác định trước khi giai đoạn sử dụng bắt đầu. Ví dụ, nếu khách hàng chỉ có thể xác định đầu ra của tài sản trước giai đoạn sử dụng, khách hàng không có quyền quyết định việc sử dụng tài sản đó. Khả năng xác định đầu ra trong hợp đồng trước giai đoạn sử dụng mà không có bất kỳ quyền ra quyết định nào khác liên quan đến việc sử dụng tài sản chỉ mang lại cho khách hàng các quyền tương tự như bất kỳ khách hàng nào mua hàng hóa hoặc dịch vụ.

Quyền bảo vệ

B30

Hợp đồng có thể bao gồm các điều khoản và điều kiện được thiết kế để bảo vệ lợi ích của bên cung cấp tài sản hoặc các tài sản khác, bảo vệ nhân sự của bên cung cấp, hoặc đảm bảo bên cung cấp tuân thủ các luật và quy định. Đây là các ví dụ về quyền bảo vệ. Ví dụ, hợp đồng có thể: (i) quy định mức sử dụng tối đa của tài sản hoặc giới hạn vị trí và thời gian mà khách hàng có thể sử dụng tài sản; (ii) yêu cầu khách hàng tuân theo các quy trình vận hành cụ thể; hoặc (iii) yêu cầu khách hàng thông báo cho bên cung cấp về những thay đổi trong cách thức sử dụng tài sản. Quyền bảo vệ thường xác định phạm vi quyền sử dụng của khách hàng nhưng, khi đứng riêng lẻ, không ngăn cản khách hàng có quyền quyết định việc sử dụng tài sản.

B31

Sơ đồ dưới đây có thể giúp các đơn vị đánh giá liệu hợp đồng có phải là hoặc bao gồm một hợp đồng thuê tài sản hay không.

Có tài sản được xác định không?
Xem các đoạn B13–B20.
Có tài sản được xác định không?…
Khách hàng có quyền thu được gần như toàn bộ lợi ích kinh tế từ việc sử dụng tài sản trong suốt thời gian sử dụng không?
Xem các đoạn B21–B23.
Khách hàng có quyền thu được gần như toàn bộ lợi ích kinh tế t…
Khách hàng, nhà cung cấp hay không bên nào có quyền quyết định phương thức và mục đích sử dụng tài sản trong suốt thời gian sử dụng không? Xem các đoạn B25–B30.
Khách hàng, nhà cung cấp hay không bên nào có quyền quy…
Khách hàng có quyền vận hành tài sản trong suốt thời gian sử dụng mà nhà cung cấp không có quyền thay đổi các hướng dẫn vận hành đó không?
Xem đoạn B24(b)(ii).
Khách hàng có quyền vận hành tài sản trong suốt thời gian…
Khách hàng có thiết kế tài sản theo cách mà đã định trước phương thức và mục đích sử dụng tài sản trong suốt thời gian sử dụng không?
Xem đoạn B24(b)(iii).
Khách hàng có thiết kế tài sản theo cách mà đã định trước phươn…
Hợp đồng có bao gồm
giao dịch thuê tài sản.
Hợp đồng có bao gồm…
Không bên nào; phương thức và mục đích sử dụng tài sản đã được xác định trước
Không bên nào; phương thức và mục đíc…
Không
Không
Hợp đồng không bao gồm
giao dịch thuê tài sản.
Hợp đồng không bao gồm…
Không
Không
Không
Không
Nhà cung cấp
Nhà cung cấp
Không
Không
Khách hàng
Khách hàng

Tách riêng các cấu phần của hợp đồng (đoạn 12-17)

B32

Quyền sử dụng tài sản cơ sở được coi là một cấu phần thuê riêng biệt nếu thỏa mãn đồng thời cả hai điều kiện sau:

(a)

bên thuê có thể thu được lợi ích từ việc sử dụng tài sản cơ sở đó một cách độc lập hoặc cùng với các nguồn lực khác sẵn có cho bên thuê. Các nguồn lực sẵn có là hàng hóa hoặc dịch vụ được bán hoặc cho thuê riêng biệt (bởi bên cho thuê hoặc các nhà cung cấp khác) hoặc là các nguồn lực mà bên thuê đã có được (từ bên cho thuê hoặc từ các giao dịch hoặc sự kiện khác); và

(b)

tài sản cơ sở không phụ thuộc nhiều vào, hoặc không có mối liên quan chặt chẽ với, các tài sản cơ sở khác trong hợp đồng. Ví dụ, nếu bên thuê có thể quyết định không thuê tài sản cơ sở mà không ảnh hưởng đáng kể đến quyền sử dụng các tài sản cơ sở khác trong hợp đồng, điều này có thể cho thấy tài sản cơ sở không phụ thuộc nhiều vào hoặc không có mối liên quan chặt chẽ với các tài sản cơ sở khác đó.

B33

Hợp đồng có thể bao gồm một khoản phải trả của bên thuê cho các hoạt động và chi phí không chuyển giao hàng hóa hoặc dịch vụ cho bên thuê. Ví dụ, bên cho thuê có thể bao gồm trong tổng số tiền phải trả một khoản phí cho các công việc hành chính hoặc các chi phí khác phát sinh liên quan đến hợp đồng thuê mà không chuyển giao hàng hóa hoặc dịch vụ cho bên thuê. Các khoản phải trả này không tạo thành một cấu phần riêng biệt của hợp đồng mà được coi là một phần của tổng giá trị khoản thanh toán được phân bổ cho các cấu phần riêng biệt đã được xác định trong hợp đồng.

Thời hạn thuê (đoạn 18-21)

B34

Khi xác định thời hạn thuê và đánh giá khoảng thời gian không thể hủy ngang của hợp đồng thuê, đơn vị phải áp dụng định nghĩa về hợp đồng và xác định khoảng thời gian mà hợp đồng có hiệu lực thi hành. Hợp đồng thuê không còn hiệu lực thi hành khi cả bên thuê và bên cho thuê đều có quyền chấm dứt hợp đồng mà không cần sự cho phép của bên kia và không phải chịu bất kỳ khoản phạt nào đáng kể.

B35

Nếu chỉ bên thuê có quyền chấm dứt hợp đồng thuê, quyền đó được coi là một quyền chọn chấm dứt hợp đồng thuê mà đơn vị cần xem xét khi xác định thời hạn thuê. Nếu chỉ bên cho thuê có quyền chấm dứt hợp đồng thuê, khoảng thời gian không thể hủy ngang của hợp đồng thuê bao gồm cả khoảng thời gian thuộc phạm vi quyền chọn chấm dứt hợp đồng thuê.

B36

Thời hạn thuê bắt đầu từ ngày tài sản thuê sẵn sàng sử dụng và bao gồm bất kỳ khoảng thời gian miễn phí nào được bên cho thuê cung cấp cho bên thuê.

B37

Tại ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng, đơn vị đánh giá liệu bên thuê có chắc chắn sẽ thực hiện quyền chọn gia hạn hợp đồng thuê, mua tài sản cơ sở, hoặc không thực hiện quyền chọn chấm dứt hợp đồng thuê hay không. Đơn vị cần xem xét tất cả các yếu tố và tình huống liên quan tạo ra động lực kinh tế cho bên thuê để thực hiện hoặc không thực hiện quyền chọn, bao gồm cả các thay đổi dự kiến trong các yếu tố và tình huống từ ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng cho đến ngày thực hiện quyền chọn. Ví dụ về các yếu tố cần xem xét bao gồm, nhưng không giới hạn ở:

(a)

các điều khoản và điều kiện hợp đồng trong các giai đoạn quyền chọn so với mức giá thị trường, chẳng hạn như:

(i)

giá trị các khoản thanh toán tiền thuê trong bất kỳ giai đoạn quyền chọn nào;

(ii)

giá trị của các khoản thanh toán tiền thuê khả biến hoặc các khoản thanh toán tiềm tàng khác, chẳng hạn như các khoản thanh toán phát sinh từ phạt chấm dứt hợp đồng và giá trị còn lại được đảm bảo của tài sản cơ sở; và

(iii)

các điều khoản và điều kiện của các quyền chọn có thể được thực hiện sau các giai đoạn quyền chọn ban đầu (ví dụ: quyền chọn mua có thể được thực hiện vào cuối giai đoạn gia hạn với mức giá hiện tại thấp hơn mức giá thị trường).

(b)

các cải tạo đáng kể đối với tài sản thuê (hoặc dự kiến sẽ thực hiện) trong suốt thời hạn hợp đồng, được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho bên thuê khi quyền chọn gia hạn hoặc chấm dứt hợp đồng thuê, hoặc mua tài sản cơ sở, trở nên có thể thực hiện được;

(c)

chi phí liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng thuê, chẳng hạn như chi phí đàm phán, chi phí di dời, chi phí xác định tài sản cơ sở khác phù hợp với nhu cầu của bên thuê, chi phí tích hợp tài sản mới vào hoạt động của bên thuê, hoặc các khoản phạt chấm dứt hợp đồng và các chi phí tương tự, bao gồm cả chi phí liên quan đến việc trả lại tài sản cơ sở theo điều kiện hoặc địa điểm quy định trong hợp đồng;

(d)

tầm quan trọng của tài sản cơ sở đối với hoạt động của bên thuê, chẳng hạn như tài sản cơ sở có phải là tài sản chuyên dụng hay không, vị trí của tài sản cơ sở và sự sẵn có của các tài sản thay thế phù hợp; và

(e)

các điều kiện đi kèm với việc thực hiện quyền chọn (tức là quyền chọn chỉ có thể được thực hiện khi một hoặc nhiều điều kiện được đáp ứng) và khả năng các điều kiện đó sẽ xảy ra.

B38

Quyền chọn gia hạn hoặc chấm dứt hợp đồng thuê có thể được kết hợp với một hoặc nhiều đặc điểm hợp đồng khác (ví dụ: bảo đảm giá trị còn lại), khiến bên thuê cam kết đảm bảo cho bên cho thuê một khoản hoàn trả tiền mặt tối thiểu hoặc cố định gần như tương đương nhau, bất kể quyền chọn có được thực hiện hay không. Trong các trường hợp như vậy, và bất kể hướng dẫn về các khoản thanh toán cố định theo bản chất tại đoạn B42, đơn vị phải giả định rằng bên thuê gần như chắc chắn sẽ thực hiện quyền chọn gia hạn hợp đồng thuê hoặc không thực hiện quyền chọn chấm dứt hợp đồng thuê.

B39

Khoảng thời gian không thể hủy ngang của hợp đồng thuê càng ngắn thì khả năng bên thuê thực hiện quyền chọn gia hạn hợp đồng thuê hoặc không thực hiện quyền chọn chấm dứt hợp đồng thuê càng cao. Điều này là do chi phí liên quan đến việc tìm kiếm tài sản thay thế thường sẽ tỷ lệ thuận với độ ngắn của khoảng thời gian không thể hủy ngang.

B40

Thực tiễn trước đây của bên thuê liên quan đến thời gian mà bên thuê thường sử dụng một loại tài sản cụ thể (cho dù là tài sản thuê hay tài sản sở hữu), cùng với các lý do kinh tế đằng sau việc làm đó, có thể cung cấp thông tin hữu ích để đánh giá liệu bên thuê có gần như chắc chắn sẽ thực hiện hoặc không thực hiện quyền chọn hay không. Ví dụ, nếu bên thuê thường sử dụng một loại tài sản cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định hoặc có thói quen thường xuyên thực hiện quyền chọn đối với các hợp đồng thuê tài sản thuộc loại tài sản cơ sở cụ thể, bên thuê phải xem xét các lý do kinh tế cho thực tiễn đó khi đánh giá liệu có gần như chắc chắn sẽ thực hiện quyền chọn đối với các hợp đồng thuê tài sản đó hay không.

B41

Đoạn 20 quy định rằng, sau ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng, bên thuê phải đánh giá lại thời hạn thuê khi xảy ra sự kiện hoặc có sự thay đổi đáng kể về hoàn cảnh nằm trong tầm kiểm soát của bên thuê và ảnh hưởng đến việc liệu bên thuê có gần như chắc chắn sẽ thực hiện hoặc không thực hiện quyền chọn mà trước đó chưa được tính đến khi xác định thời hạn thuê. Ví dụ về các sự kiện hoặc thay đổi đáng kể về hoàn cảnh bao gồm:

(a)

các cải tạo đáng kể đối với tài sản thuê mà không được dự đoán tại ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng và được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho bên thuê khi quyền chọn gia hạn, chấm dứt hợp đồng thuê hoặc mua tài sản cơ sở trở nên có thể thực hiện được;

(b)

việc sửa đổi hoặc tùy chỉnh đáng kể đối với tài sản cơ sở mà không được dự đoán tại ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng;

(c)

việc bắt đầu cho thuê lại tài sản cơ sở trong khoảng thời gian vượt quá thời hạn thuê đã được xác định trước đó; và

(d)

quyết định kinh doanh của bên thuê có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện hoặc không thực hiện quyền chọn (ví dụ: quyết định gia hạn hợp đồng thuê tài sản bổ sung, thanh lý tài sản thay thế hoặc thanh lý đơn vị kinh doanh mà tài sản quyền sử dụng đang được sử dụng).

Khoản thanh toán cố định theo bản chất (đoạn 27(a), 36(c) và 70(a))

B42

Các khoản thanh toán tiền thuê bao gồm bất kỳ khoản thanh toán cố định theo bản chất nào. Khoản thanh toán cố định theo bản chất là những khoản thanh toán mà về hình thức có thể chứa sự biến đổi nhưng thực tế là không thể tránh khỏi. Khoản thanh toán cố định theo bản chất tồn tại trong các trường hợp sau:

(a)

các khoản thanh toán được cấu trúc dưới dạng khoản thanh toán tiền thuê khả biến nhưng thực tế không có sự biến đổi thực sự. Những khoản thanh toán này chứa các điều khoản biến đổi nhưng không có bản chất kinh tế thực sự. Ví dụ:

(i)

các khoản thanh toán chỉ phải thực hiện nếu tài sản được chứng minh là có khả năng vận hành trong thời gian thuê, hoặc khi xảy ra một sự kiện mà khả năng không xảy ra là không có; hoặc

(ii)

các khoản thanh toán ban đầu được cấu trúc như các khoản thanh toán tiền thuê khả biến liên quan đến việc sử dụng tài sản cơ sở, nhưng sự biến đổi này sẽ được giải quyết tại một thời điểm sau ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng, để sau đó các khoản thanh toán trở thành cố định cho phần còn lại của thời hạn thuê. Những khoản này trở thành khoản thanh toán cố định theo bản chất khi sự biến đổi được giải quyết.

(b)

có nhiều hơn một tập hợp các khoản thanh toán mà bên thuê có thể thực hiện, nhưng chỉ có một tập hợp là thực tế. Trong trường hợp này, đơn vị phải coi tập hợp khoản thanh toán thực tế đó là các khoản thanh toán tiền thuê.

(c)

có nhiều hơn một tập hợp các khoản thanh toán thực tế mà bên thuê có thể thực hiện, nhưng bên thuê phải thực hiện ít nhất một tập hợp. Trong trường hợp này, đơn vị phải coi tập hợp khoản thanh toán có tổng giá trị thấp nhất (trên cơ sở chiết khấu) là các khoản thanh toán tiền thuê.

Bên thuê có liên quan đến tài sản cơ sở trước ngày tài sản thuê bắt đầu sẵn sàng sử dụng

Chi phí của bên thuê liên quan đến việc xây dựng hoặc thiết kế tài sản cơ sở

B43

Đơn vị có thể đàm phán hợp đồng thuê trước khi tài sản cơ sở sẵn sàng để bên thuê sử dụng. Đối với một số hợp đồng thuê, tài sản cơ sở có thể cần được xây dựng hoặc thiết kế lại để phù hợp với mục đích sử dụng của bên thuê. Tùy thuộc vào các điều khoản và điều kiện của hợp đồng, bên thuê có thể phải thực hiện các khoản thanh toán liên quan đến việc xây dựng hoặc thiết kế tài sản.

B44

Nếu bên thuê phát sinh chi phí liên quan đến việc xây dựng hoặc thiết kế tài sản cơ sở, bên thuê phải hạch toán các chi phí đó theo các Chuẩn mực có liên quan, chẳng hạn như IAS 16. Chi phí liên quan đến việc xây dựng hoặc thiết kế tài sản cơ sở không bao gồm các khoản thanh toán mà bên thuê thực hiện để có quyền sử dụng tài sản cơ sở. Các khoản thanh toán cho quyền sử dụng tài sản cơ sở được xem là khoản thanh toán tiền thuê, bất kể thời điểm thanh toán.

Quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản cơ sở

B45

Bên thuê có thể có được quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản cơ sở trước khi quyền sở hữu đó được chuyển giao cho bên cho thuê và tài sản được cho thuê lại cho bên thuê. Việc có được quyền sở hữu hợp pháp không tự động quyết định cách thức hạch toán giao dịch.

B46

Nếu bên thuê kiểm soát (hoặc có được quyền kiểm soát) tài sản cơ sở trước khi tài sản đó được chuyển giao cho bên cho thuê, giao dịch này được coi là giao dịch bán và thuê lại và phải được hạch toán theo các đoạn 98-103.

B47

Tuy nhiên, nếu bên thuê không kiểm soát tài sản cơ sở trước khi tài sản được chuyển giao cho bên cho thuê, giao dịch này không phải là giao dịch bán và thuê lại. Ví dụ, trường hợp nhà sản xuất, bên cho thuê và bên thuê thỏa thuận về việc bên cho thuê mua tài sản từ nhà sản xuất và sau đó cho thuê lại tài sản đó cho bên thuê. Bên thuê có thể có quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản cơ sở trước khi quyền sở hữu hợp pháp đó được chuyển giao cho bên cho thuê. Trong trường hợp này, nếu bên thuê có quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản cơ sở nhưng không kiểm soát tài sản trước khi tài sản được chuyển giao cho bên cho thuê, giao dịch đó không được hạch toán là giao dịch bán và thuê lại, mà là giao dịch thuê tài sản.

Thuyết minh của bên thuê (đoạn 59)

B48

Để xác định liệu có cần thiết cung cấp thêm thông tin về hoạt động thuê tài sản nhằm đáp ứng mục tiêu thuyết minh trong đoạn 51 hay không, bên thuê phải xem xét:

(a)

Thông tin đó có liên quan đến người sử dụng báo cáo tài chính hay không. Bên thuê chỉ cung cấp thông tin bổ sung được quy định trong đoạn 59 khi thông tin đó dự kiến có liên quan đến người sử dụng báo cáo tài chính. Trong trường hợp này, thông tin đó có thể giúp người sử dụng hiểu rõ:

(i)

Sự linh hoạt mà hợp đồng thuê mang lại. Hợp đồng thuê có thể tạo sự linh hoạt, ví dụ: bên thuê có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách thực hiện quyền chọn chấm dứt hợp đồng thuê hoặc gia hạn hợp đồng với các điều khoản thuận lợi.

(ii)

Các hạn chế do hợp đồng thuê áp đặt. Hợp đồng thuê có thể yêu cầu bên thuê phải duy trì các tỷ lệ tài chính nhất định.

(iii)

Độ nhạy của thông tin được báo cáo đối với các biến số chính. Thông tin được báo cáo có thể nhạy cảm với, ví dụ: các khoản thanh toán tiền thuê khả biến trong tương lai.

(iv)

Rủi ro khác phát sinh từ các hợp đồng thuê.

(v)

Sự khác biệt so với thông lệ trong ngành. Các khác biệt này có thể bao gồm, ví dụ: các điều khoản và điều kiện thuê bất thường hoặc đặc thù ảnh hưởng đến danh mục thuê của bên thuê.

(b)

Thông tin đó có rõ ràng từ những thông tin đã được trình bày trong báo cáo tài chính chính hoặc thuyết minh kèm theo hay không. Bên thuê không cần cung cấp lại thông tin đã được trình bày ở các phần khác trong báo cáo tài chính.

B49

Thông tin bổ sung liên quan đến khoản thanh toán tiền thuê khả biến, tùy thuộc vào từng trường hợp, có thể cần thiết để đáp ứng mục tiêu thuyết minh trong đoạn 51. Thông tin này có thể giúp người sử dụng báo cáo tài chính đánh giá, ví dụ:

(a)

lý do bên thuê sử dụng khoản thanh toán tiền thuê khả biến và mức độ phổ biến của các khoản thanh toán này;

(b)

quy mô tương đối của khoản thanh toán tiền thuê khả biến so với các khoản thanh toán cố định;

(c)

các biến số chính mà khoản thanh toán tiền thuê khả biến phụ thuộc và cách thức các khoản thanh toán dự kiến thay đổi theo những biến số chính đó; và

(d)

các ảnh hưởng hoạt động và tài chính khác của khoản thanh toán tiền thuê khả biến.

B50

Thông tin bổ sung liên quan đến các quyền chọn gia hạn hoặc quyền chọn chấm dứt, tùy thuộc vào từng trường hợp, có thể cần thiết để đáp ứng mục tiêu thuyết minh trong đoạn 51. Thông tin này có thể giúp người sử dụng báo cáo tài chính đánh giá, ví dụ:

(a)

lý do bên thuê sử dụng các quyền chọn gia hạn hoặc quyền chọn chấm dứt và mức độ phổ biến của các quyền chọn này;

(b)

quy mô tương đối của các khoản thanh toán quyền chọn so với các khoản thanh toán tiền thuê;

(c)

mức độ phổ biến của việc thực hiện các quyền chọn không được bao gồm trong việc xác định giá trị của các khoản nợ thuê; và

(d)

các ảnh hưởng hoạt động và tài chính khác của các quyền chọn đó.

B51

Thông tin bổ sung liên quan đến việc đảm bảo giá trị còn lại, tùy thuộc vào từng trường hợp, có thể cần thiết để đáp ứng mục tiêu thuyết minh trong đoạn 51. Thông tin này có thể giúp người sử dụng báo cáo tài chính đánh giá, ví dụ:

(a)

lý do bên thuê cung cấp đảm bảo giá trị còn lại và mức độ phổ biến của các cam kết đảm bảo đó;

(b)

quy mô rủi ro giá trị còn lại mà bên thuê phải đối mặt;

(c)

đặc điểm của tài sản cơ sở được áp dụng cam kết đảm bảo; và

(d)

các ảnh hưởng hoạt động và tài chính khác của các cam kết đảm bảo.

B52

Thông tin bổ sung liên quan đến các giao dịch bán và thuê lại, tùy thuộc vào từng trường hợp, có thể cần thiết để đáp ứng mục tiêu thuyết minh trong đoạn 51. Thông tin này có thể giúp người sử dụng báo cáo tài chính đánh giá, ví dụ:

(a)

lý do bên thuê thực hiện các giao dịch bán và thuê lại và mức độ phổ biến của các giao dịch đó;

(b)

các điều khoản và điều kiện chính của từng giao dịch bán và thuê lại riêng lẻ;

(c)

các khoản thanh toán không được bao gồm trong việc xác định giá trị của các khoản nợ thuê; và

(d)

ảnh hưởng của các giao dịch bán và thuê lại đối với dòng tiền trong kỳ báo cáo.

Phân loại thuê tài sản của bên cho thuê (đoạn 61-66)

B53

Phân loại hợp đồng thuê tài sản của bên cho thuê theo Chuẩn mực này dựa trên mức độ chuyển giao rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản cơ sở. Rủi ro bao gồm khả năng chịu lỗ do công suất nhàn rỗi, lỗi thời công nghệ và sự biến động lợi nhuận do điều kiện kinh tế thay đổi. Lợi ích có thể được thể hiện qua kỳ vọng về hoạt động có lãi trong suốt thời gian sử dụng kinh tế của tài sản cơ sở và lợi nhuận từ việc tăng giá trị hoặc giá trị thanh lý có thể thu hồi.

B54

Hợp đồng thuê có thể bao gồm các điều khoản và điều kiện điều chỉnh khoản thanh toán tiền thuê khi có những thay đổi cụ thể xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày bắt đầu giao kết hợp đồng thuê đến ngày tài sản sẵn sàng sử dụng (chẳng hạn như thay đổi chi phí tài sản cơ sở hoặc chi phí tài chính của bên cho thuê). Trong trường hợp này, cho mục đích phân loại hợp đồng thuê, những thay đổi này được coi như đã xảy ra tại ngày bắt đầu giao kết hợp đồng thuê.

B55

Khi hợp đồng thuê bao gồm cả phần đất và nhà, bên cho thuê phải đánh giá riêng từng phần để phân loại là thuê tài chính hay thuê hoạt động theo các đoạn 62-66 và B53-B54. Khi xác định phần đất thuộc loại thuê tài chính hay thuê hoạt động, cần lưu ý rằng đất thường có thời gian sử dụng kinh tế không xác định.

B56

Khi cần thiết để phân loại và hạch toán hợp đồng thuê đất và nhà, bên cho thuê phải phân bổ các khoản thanh toán tiền thuê (bao gồm cả các khoản thanh toán trả trước một lần) giữa phần đất và phần nhà theo tỷ lệ giá trị hợp lý tương ứng của quyền thuê phần đất và quyền thuê phần nhà tại ngày bắt đầu giao kết hợp đồng thuê. Nếu không thể phân bổ một cách đáng tin cậy các khoản thanh toán tiền thuê giữa hai phần này, toàn bộ hợp đồng thuê sẽ được phân loại là thuê tài chính, trừ khi rõ ràng cả hai phần đều là thuê hoạt động; trong trường hợp đó, toàn bộ hợp đồng thuê sẽ được phân loại là thuê hoạt động.

B57

Đối với hợp đồng thuê đất và nhà, nếu giá trị của phần đất không đáng kể so với hợp đồng thuê, bên cho thuê có thể coi phần đất và nhà là một đơn vị duy nhất cho mục đích phân loại hợp đồng thuê và phân loại là thuê tài chính hoặc thuê hoạt động theo các đoạn 62-66 và B53-B54. Trong trường hợp này, bên cho thuê phải coi thời gian sử dụng kinh tế của phần nhà là thời gian sử dụng kinh tế của toàn bộ tài sản cơ sở.

Phân loại cho thuê lại

B58

Khi phân loại hợp đồng cho thuê lại, bên cho thuê trung gian phải phân loại hợp đồng cho thuê lại là thuê tài chính hoặc thuê hoạt động như sau:

(a)

nếu hợp đồng thuê chính là hợp đồng thuê ngắn hạn mà bên thuê đã hạch toán theo đoạn 6, thì hợp đồng cho thuê lại phải được phân loại là thuê hoạt động.

(b)

trong các trường hợp khác, hợp đồng cho thuê lại phải được phân loại dựa trên tài sản quyền sử dụng phát sinh từ hợp đồng thuê chính, thay vì dựa trên tài sản cơ sở (ví dụ: bất động sản, nhà xưởng và thiết bị là đối tượng của hợp đồng thuê).

Phụ lục C Ngày hiệu lực và chuyển đổi

Phụ lục này là một phần không tách rời của Chuẩn mực và có hiệu lực như các phần khác của Chuẩn mực.

Ngày hiệu lực

C1

Đơn vị phải áp dụng Chuẩn mực này cho các kỳ báo cáo năm bắt đầu vào hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 2019. Việc áp dụng sớm được cho phép đối với các đơn vị áp dụng IFRS 15 – Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng vào hoặc trước ngày áp dụng lần đầu Chuẩn mực này. Nếu đơn vị áp dụng sớm Chuẩn mực này, đơn vị phải thuyết minh thông tin đó.

C1A

Ưu đãi về tiền thuê liên quan đến Covid-19, ban hành vào tháng 5 năm 2020, đã bổ sung các đoạn 46A, 46B, 60A, C20A và C20B. Bên thuê phải áp dụng sửa đổi này cho các kỳ báo cáo năm bắt đầu vào hoặc sau ngày 1 tháng 6 năm 2020. Việc áp dụng sớm được cho phép, bao gồm cả trong báo cáo tài chính chưa được phê duyệt phát hành tại ngày 28 tháng 5 năm 2020.

C1B

Cải cách lãi suất chuẩn – Giai đoạn 2, sửa đổi IFRS 9, IAS 39, IFRS 7, IFRS 4 và IFRS 16, ban hành vào tháng 8 năm 2020, đã bổ sung các đoạn 104-106 và C20C-C20D. Đơn vị phải áp dụng các sửa đổi này cho các kỳ báo cáo năm bắt đầu vào hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 2021. Việc áp dụng sớm được cho phép. Nếu đơn vị áp dụng sớm các sửa đổi này, đơn vị phải thuyết minh thông tin đó.

C1C

Ưu đãi về tiền thuê liên quan đến Covid-19 sau ngày 30 tháng 6 năm 2021, ban hành vào tháng 3 năm 2021, đã sửa đổi đoạn 46B và bổ sung các đoạn C20BA-C20BC. Bên thuê phải áp dụng sửa đổi này cho các kỳ báo cáo năm bắt đầu vào hoặc sau ngày 1 tháng 4 năm 2021. Việc áp dụng sớm được cho phép, bao gồm cả trong báo cáo tài chính chưa được phê duyệt phát hành tại ngày 31 tháng 3 năm 2021.

C1D

Nợ phải trả thuê tài sản trong giao dịch bán và thuê lại, ban hành vào tháng 9 năm 2022, đã sửa đổi đoạn C2 và bổ sung các đoạn 102A và C20E. Bên bán và thuê lại phải áp dụng các sửa đổi này cho các kỳ báo cáo năm bắt đầu vào hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 2024. Việc áp dụng sớm được cho phép. Nếu bên bán và thuê lại áp dụng sớm các sửa đổi này, đơn vị phải thuyết minh thông tin đó.

Chuyển đổi

C2

Để áp dụng các quy định trong đoạn C1-C20E, ngày áp dụng lần đầu là ngày bắt đầu của kỳ báo cáo năm mà đơn vị lần đầu áp dụng Chuẩn mực này.

Định nghĩa về hợp đồng thuê tài sản

C3

Theo phương án thực tiễn, đơn vị không cần phải đánh giá lại liệu một hợp đồng có phải là hợp đồng thuê tài sản hay không vào ngày áp dụng lần đầu. Thay vào đó, đơn vị có thể:

(a)

áp dụng Chuẩn mực này cho các hợp đồng trước đây đã được xác định là hợp đồng thuê tài sản theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế IAS 17 – Thuê tài sản và Giải thích IFRIC 4 – Xác định liệu một thỏa thuận có chứa hợp đồng thuê tài sản hay không. Đơn vị phải áp dụng các yêu cầu chuyển tiếp được nêu trong đoạn C5-C18 cho các hợp đồng thuê này.

(b)

không áp dụng Chuẩn mực này cho các hợp đồng trước đây không được xác định là hợp đồng thuê tài sản theo IAS 17 và IFRIC 4.

C4

Nếu đơn vị lựa chọn phương án thực tiễn như trong đoạn C3, đơn vị phải thuyết minh việc áp dụng phương án này và áp dụng cho tất cả các hợp đồng của đơn vị. Theo đó, đơn vị phải áp dụng các yêu cầu trong đoạn 9-11 chỉ cho các hợp đồng được ký kết (hoặc sửa đổi) vào ngày hoặc sau ngày áp dụng lần đầu.

Bên thuê

C5

Bên thuê phải áp dụng Chuẩn mực này cho các hợp đồng thuê tài sản của mình theo một trong hai cách sau:

(a)

áp dụng hồi tố cho từng kỳ báo cáo trước được trình bày, theo IAS 8 – Chính sách kế toán, thay đổi ước tính kế toán và sai sót; hoặc

(b)

áp dụng hồi tố với ảnh hưởng lũy kế của việc áp dụng Chuẩn mực này lần đầu được ghi nhận tại ngày áp dụng lần đầu, theo các đoạn C7-C13.

C6

Bên thuê phải áp dụng nhất quán lựa chọn được mô tả trong đoạn C5 cho tất cả các hợp đồng thuê tài sản mà bên thuê tham gia.

C7

Nếu bên thuê lựa chọn áp dụng Chuẩn mực này theo đoạn C5(b), bên thuê không được trình bày lại thông tin so sánh. Thay vào đó, bên thuê phải ghi nhận ảnh hưởng lũy kế của việc áp dụng Chuẩn mực này lần đầu như một khoản điều chỉnh vào số dư đầu kỳ của lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (hoặc các cấu phần khác của vốn chủ sở hữu, nếu phù hợp) tại ngày áp dụng lần đầu.

Thuê tài sản trước đây được phân loại là thuê hoạt động

C8

Nếu bên thuê lựa chọn áp dụng Chuẩn mực này theo đoạn C5(b), bên thuê phải:

(a)

ghi nhận nợ phải trả về thuê tài sản tại ngày áp dụng lần đầu đối với các hợp đồng thuê trước đây được phân loại là thuê hoạt động theo IAS 17. Bên thuê phải xác định giá trị nợ phải trả về thuê tài sản bằng giá trị hiện tại của các khoản thanh toán tiền thuê còn lại, chiết khấu theo lãi suất biên đi vay của bên thuê tại ngày áp dụng lần đầu.

(b)

ghi nhận tài sản quyền sử dụng tại ngày áp dụng lần đầu cho các hợp đồng thuê trước đây được phân loại là thuê hoạt động theo IAS 17. Bên thuê phải lựa chọn, trên cơ sở từng hợp đồng thuê, xác định giá trị tài sản quyền sử dụng theo một trong hai cách sau:

(i)

giá trị ghi sổ của tài sản như thể Chuẩn mực này đã được áp dụng từ ngày bắt đầu hợp đồng thuê, nhưng được chiết khấu bằng lãi suất biên đi vay của bên thuê tại ngày áp dụng lần đầu; hoặc

(ii)

giá trị bằng với nợ phải trả về thuê tài sản, được điều chỉnh bởi số tiền của các khoản thanh toán tiền thuê trả trước hoặc phải trả lũy kế liên quan đến hợp đồng thuê đã được ghi nhận trong báo cáo tình hình tài chính ngay trước ngày áp dụng lần đầu.

(c)

áp dụng IAS 36 – Suy giảm giá trị tài sản cho tài sản quyền sử dụng tại ngày áp dụng lần đầu, trừ khi bên thuê áp dụng phương án thực tiễn nêu tại đoạn C10(b).

C9

Mặc dù có các yêu cầu trong đoạn C8, đối với các hợp đồng thuê trước đây được phân loại là thuê hoạt động theo IAS 17, bên thuê:

(a)

không bắt buộc phải thực hiện điều chỉnh chuyển tiếp đối với các hợp đồng thuê mà tài sản cơ sở có giá trị thấp (như được mô tả trong các đoạn B3-B8) và sẽ được hạch toán theo đoạn 6. Bên thuê phải hạch toán các hợp đồng thuê này theo Chuẩn mực này kể từ ngày áp dụng lần đầu.

(b)

không bắt buộc phải thực hiện điều chỉnh chuyển tiếp đối với các hợp đồng thuê trước đây được hạch toán là bất động sản đầu tư theo mô hình giá trị hợp lý trong IAS 40 – Bất động sản đầu tư. Bên thuê phải hạch toán tài sản quyền sử dụng và nợ phải trả về thuê tài sản phát sinh từ các hợp đồng thuê này theo IAS 40 và Chuẩn mực này kể từ ngày áp dụng lần đầu.

(c)

phải xác định giá trị tài sản quyền sử dụng theo giá trị hợp lý tại ngày áp dụng lần đầu đối với các hợp đồng thuê trước đây được hạch toán là thuê hoạt động theo IAS 17 và sẽ được hạch toán là bất động sản đầu tư theo mô hình giá trị hợp lý trong IAS 40 kể từ ngày áp dụng lần đầu. Bên thuê phải hạch toán tài sản quyền sử dụng và nợ phải trả về thuê tài sản phát sinh từ các hợp đồng thuê này theo IAS 40 và Chuẩn mực này kể từ ngày áp dụng lần đầu.

C10

Bên thuê có thể áp dụng một hoặc nhiều phương án thực tiễn sau đây khi áp dụng hồi tố Chuẩn mực này theo đoạn C5(b) đối với các hợp đồng thuê trước đây được phân loại là thuê hoạt động theo IAS 17. Bên thuê được phép áp dụng các phương án thực tiễn này trên cơ sở từng hợp đồng thuê:

(a)

bên thuê có thể áp dụng một lãi suất chiết khấu duy nhất cho một danh mục các hợp đồng thuê có đặc điểm tương tự (ví dụ: các hợp đồng thuê có thời hạn thuê còn lại tương tự nhau đối với cùng một loại tài sản cơ sở trong một môi trường kinh tế tương tự).

(b)

bên thuê có thể dựa trên đánh giá của mình về việc liệu các hợp đồng thuê có phải là hợp đồng thuê có rủi ro lớn theo IAS 37 – Các khoản dự phòng, nợ tiềm tàng và tài sản tiềm tàng ngay trước ngày áp dụng lần đầu, thay cho việc thực hiện đánh giá suy giảm giá trị. Nếu lựa chọn phương án thực tiễn này, bên thuê phải điều chỉnh tài sản quyền sử dụng tại ngày áp dụng lần đầu theo giá trị của bất kỳ khoản dự phòng nào đối với các hợp đồng thuê có rủi ro lớn đã được ghi nhận trong báo cáo tình hình tài chính ngay trước ngày áp dụng lần đầu.

(c)

bên thuê có thể chọn không áp dụng các yêu cầu trong đoạn C8 đối với các hợp đồng thuê mà thời hạn thuê kết thúc trong vòng 12 tháng kể từ ngày áp dụng lần đầu. Trong trường hợp này, bên thuê phải:

(i)

hạch toán các hợp đồng thuê này như hợp đồng thuê ngắn hạn, theo quy định tại đoạn 6; và

(ii)

trình bày chi phí liên quan đến các hợp đồng thuê này trong phần chi phí hợp đồng thuê ngắn hạn của kỳ báo cáo năm có ngày áp dụng lần đầu.

(d)

thuê có thể loại trừ chi phí trực tiếp ban đầu khi xác định giá trị tài sản quyền sử dụng tại ngày áp dụng lần đầu.

(e)

bên thuê có thể sử dụng thông tin thực tế đã biết, chẳng hạn như khi xác định thời hạn thuê nếu hợp đồng có chứa quyền chọn gia hạn hoặc chấm dứt hợp đồng thuê.

Thuê tài sản trước đây được phân loại là thuê tài chính

C11

Nếu bên thuê lựa chọn áp dụng Chuẩn mực này theo đoạn C5(b), đối với các hợp đồng thuê trước đây được phân loại là thuê tài chính theo IAS 17, giá trị ghi sổ của tài sản quyền sử dụng và nợ phải trả về thuê tài sản tại ngày áp dụng lần đầu sẽ bằng với giá trị ghi sổ của tài sản thuê và nợ phải trả về thuê tài sản ngay trước ngày áp dụng lần đầu, được xác định giá trị theo IAS 17. Đối với các hợp đồng thuê đó, bên thuê phải hạch toán tài sản quyền sử dụng và nợ phải trả về thuê tài sản theo Chuẩn mực này kể từ ngày áp dụng lần đầu.

Thuyết minh

C12

Nếu bên thuê lựa chọn áp dụng Chuẩn mực này theo đoạn C5(b), bên thuê phải thuyết minh thông tin về áp dụng lần đầu theo quy định tại đoạn 28 của IAS 8, ngoại trừ thông tin được quy định trong đoạn 28(f) của IAS 8. Thay vì thuyết minh theo đoạn 28(f), bên thuê phải cung cấp:

(a)

lãi suất biên đi vay bình quân gia quyền được áp dụng cho các nợ phải trả về thuê tài sản đã được ghi nhận trong báo cáo tình hình tài chính tại ngày áp dụng lần đầu; và

(b)

giải thích về bất kỳ sự khác biệt nào giữa:

(i)

các cam kết thuê hoạt động được thuyết minh theo IAS 17 tại cuối kỳ báo cáo năm ngay trước ngày áp dụng lần đầu, được chiết khấu bằng lãi suất biên đi vay tại ngày áp dụng lần đầu theo quy định trong đoạn C8(a); và

(ii)

nợ phải trả về thuê tài sản được ghi nhận trong báo cáo tình hình tài chính tại ngày áp dụng lần đầu.

C13

Nếu bên thuê áp dụng một hoặc nhiều phương án thực tiễn quy định trong đoạn C10, bên thuê phải thuyết minh thông tin đó.

Bên cho thuê

C14

Ngoại trừ các trường hợp được mô tả trong đoạn C15, bên cho thuê không phải thực hiện bất kỳ điều chỉnh nào khi chuyển đổi đối với các hợp đồng cho thuê mà bên cho thuê đóng vai trò là bên cho thuê. Các hợp đồng này sẽ được hạch toán theo chuẩn mực này kể từ ngày áp dụng lần đầu.

C15

Bên cho thuê trung gian phải:

(a)

Tái đánh giá các hợp đồng cho thuê lại đã được phân loại là thuê hoạt động theo IAS 17 và vẫn còn hiệu lực tại ngày áp dụng lần đầu để xác định xem mỗi hợp đồng cho thuê lại đó nên được phân loại là thuê hoạt động hay thuê tài chính theo chuẩn mực này. Bên cho thuê trung gian phải thực hiện việc đánh giá này vào ngày áp dụng lần đầu, dựa trên các điều khoản và điều kiện còn lại của hợp đồng thuê chính và hợp đồng cho thuê lại tại ngày đó.

(b)

Đối với các hợp đồng cho thuê lại đã được phân loại là thuê hoạt động theo IAS 17 nhưng được phân loại là thuê tài chính theo chuẩn mực này, phải hạch toán các hợp đồng cho thuê lại đó như một hợp đồng thuê tài chính mới được xác lập tại ngày áp dụng lần đầu.

Giao dịch bán và thuê lại trước ngày áp dụng lần đầu

C16

Đơn vị không được tái đánh giá các giao dịch bán và thuê lại đã thực hiện trước ngày áp dụng lần đầu để xác định xem việc chuyển giao tài sản cơ sở có đáp ứng các yêu cầu của IFRS 15 để được hạch toán như một giao dịch bán hay không.

C17

Nếu giao dịch bán và thuê lại được hạch toán là giao dịch bán và thuê tài chính theo IAS 17, bên bán-thuê lại phải:

(a)

hạch toán giao dịch thuê lại theo cùng cách thức như hạch toán đối với bất kỳ hợp đồng thuê tài chính nào khác đang tồn tại tại ngày áp dụng lần đầu; và

(b)

tiếp tục phân bổ bất kỳ khoản lãi nào từ giao dịch bán trong suốt thời hạn thuê.

C18

Nếu giao dịch bán và thuê lại được hạch toán là giao dịch bán và thuê hoạt động theo IAS 17, bên bán-thuê lại phải:

(a)

hạch toán giao dịch thuê lại theo cùng cách thức như hạch toán đối với bất kỳ hợp đồng thuê hoạt động nào khác đang tồn tại tại ngày áp dụng lần đầu; và

(b)

điều chỉnh giá trị tài sản quyền sử dụng cho bất kỳ khoản lãi hoặc lỗ hoãn lại nào liên quan đến các điều khoản ngoài thị trường đã được ghi nhận trên báo cáo tình hình tài chính ngay trước ngày áp dụng lần đầu.

Giá trị đã được ghi nhận trước đây liên quan đến hợp nhất kinh doanh

C19

Nếu bên thuê trước đây đã ghi nhận một tài sản hoặc một khoản nợ phải trả theo IFRS 3 Hợp nhất kinh doanh, liên quan đến các điều khoản có lợi hoặc bất lợi của một hợp đồng thuê hoạt động được mua trong giao dịch hợp nhất kinh doanh, bên thuê phải dừng ghi nhận tài sản hoặc khoản nợ phải trả đó và điều chỉnh giá trị ghi sổ của tài sản quyền sử dụng với số tiền tương ứng tại ngày áp dụng lần đầu.

Tham chiếu đến IFRS 9

C20

Nếu đơn vị áp dụng Chuẩn mực này nhưng chưa áp dụng IFRS 9 Công cụ tài chính, bất kỳ tham chiếu nào trong Chuẩn mực này đến IFRS 9 sẽ được hiểu là tham chiếu đến IAS 39 Công cụ tài chính: Ghi nhận và xác định giá trị.

Ưu đãi giá thuê liên quan đến Covid-19 cho bên thuê

C20A

Bên thuê phải áp dụng hồi tố đối với ưu đãi giá thuê liên quan đến Covid-19 (xem đoạn C1A), ghi nhận ảnh hưởng lũy kế của việc áp dụng lần đầu sửa đổi này như một điều chỉnh vào số dư đầu kỳ của lợi nhuận chưa phân phối (hoặc thành phần khác của vốn chủ sở hữu, nếu phù hợp) tại thời điểm bắt đầu kỳ báo cáo năm mà bên thuê áp dụng lần đầu sửa đổi này.

C20B

Trong kỳ báo cáo mà bên thuê áp dụng lần đầu ưu đãi giá thuê liên quan đến Covid-19, bên thuê không phải thuyết minh thông tin theo yêu cầu của đoạn 28(f) của IAS 8.

C20BA

Bên thuê phải áp dụng hồi tố đối với ưu đãi giá thuê liên quan đến Covid-19 sau ngày 30 tháng 6 năm 2021 (xem đoạn C1C), ghi nhận ảnh hưởng lũy kế của việc áp dụng lần đầu sửa đổi này như một điều chỉnh vào số dư đầu kỳ của lợi nhuận chưa phân phối (hoặc thành phần khác của vốn chủ sở hữu, nếu phù hợp) tại thời điểm bắt đầu kỳ báo cáo năm mà bên thuê áp dụng lần đầu sửa đổi này.

C20BB

Trong kỳ báo cáo mà bên thuê áp dụng lần đầu ưu đãi giá thuê liên quan đến Covid-19 sau ngày 30 tháng 6 năm 2021, bên thuê không phải thuyết minh thông tin theo yêu cầu của đoạn 28(f) của IAS 8.

C20BC

Áp dụng đoạn 2 của Chuẩn mực này, bên thuê phải áp dụng nhất quán phương án thực tiễn trong đoạn 46A cho các hợp đồng đủ điều kiện có đặc điểm tương tự và trong các tình huống tương tự, bất kể hợp đồng có đủ điều kiện áp dụng phương án thực tiễn hay không do bên thuê áp dụng ưu đãi giá thuê liên quan đến Covid-19 (xem đoạn C1A) hoặc ưu đãi giá thuê liên quan đến Covid-19 sau ngày 30 tháng 6 năm 2021 (xem đoạn C1C).

Cải cách lãi suất chuẩn – giai đoạn 2

C20C

Đơn vị phải áp dụng hồi tố các sửa đổi này theo IAS 8, trừ trường hợp được quy định trong đoạn C20D.

C20D

Đơn vị không bắt buộc phải điều chỉnh hồi tố các kỳ báo cáo trước để phản ánh việc áp dụng các sửa đổi này. Tuy nhiên, đơn vị có thể điều chỉnh hồi tố các kỳ báo cáo trước khi, và chỉ khi, có thể thực hiện được mà không sử dụng thông tin về tương lai. Nếu đơn vị không điều chỉnh hồi tố các kỳ báo cáo trước, đơn vị phải ghi nhận bất kỳ khoản chênh lệch nào giữa giá trị ghi sổ trước đó và giá trị ghi sổ tại thời điểm bắt đầu kỳ báo cáo năm mà đơn vị áp dụng lần đầu các sửa đổi này vào số dư đầu kỳ của lợi nhuận chưa phân phối (hoặc thành phần khác của vốn chủ sở hữu, nếu phù hợp) trong kỳ báo cáo năm mà đơn vị áp dụng lần đầu các sửa đổi này.

Nợ phải trả về thuê tài sản trong giao dịch bán và thuê lại tài sản

C20E

Bên bán-thuê lại phải áp dụng hồi tố quy định về Nợ phải trả về thuê tài sản trong giao dịch bán và thuê lại tài sản (xem đoạn C1D) theo IAS 8 cho các giao dịch bán và thuê lại phát sinh sau ngày áp dụng lần đầu.

Thu hồi các Chuẩn mực khác

C21

Chuẩn mực này thay thế các Chuẩn mực và Diễn giải sau đây:

(a)

IAS 17 Thuê tài sản;

(b)

IFRIC 4 Xác định liệu một thỏa thuận có bao gồm thuê tài sản hay không;

(c)

SIC-15 Thuê hoạt động: Các ưu đãi; và

(d)

SIC-27 Đánh giá bản chất của các giao dịch có hình thức pháp lý là thuê tài sản.

Phụ lục D Sửa đổi các Chuẩn mực khác

Phụ lục này quy định các sửa đổi đối với các Chuẩn mực khác do việc IASB ban hành Chuẩn mực này. Đơn vị phải áp dụng các sửa đổi này cho các kỳ báo cáo năm bắt đầu vào hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 2019. Nếu đơn vị áp dụng Chuẩn mực này cho một kỳ sớm hơn, đơn vị cũng phải áp dụng các sửa đổi này cho kỳ sớm hơn đó.

Đơn vị không được áp dụng IFRS 16 trước khi áp dụng IFRS 15 – Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng (xem đoạn C1).

Do đó, đối với các Chuẩn mực có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2016, các sửa đổi trong phụ lục này được trình bày dựa trên văn bản của các Chuẩn mực đó có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2016, đã được sửa đổi bởi IFRS 15. Văn bản của các Chuẩn mực trong phụ lục này không bao gồm bất kỳ sửa đổi nào khác không có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2016.

Đối với các Chuẩn mực chưa có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2016, các sửa đổi trong phụ lục này được trình bày dựa trên văn bản của các Chuẩn mực đó trong lần ban hành đầu tiên, đã được sửa đổi bởi IFRS 15. Văn bản của các Chuẩn mực trong phụ lục này không bao gồm bất kỳ sửa đổi nào khác không có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2016.

* * * * *

Các sửa đổi có trong phụ lục này khi Chuẩn mực này được ban hành vào năm 2016 đã được đưa vào văn bản của các Chuẩn mực liên quan trong tập tài liệu này.

Từ khóa: