IFRS 1 – First-time Adoption of International Financial Reporting Standards
(IFRS 1 – Lần đầu áp dụng IFRS)
Ban hành: 11/2008
Hiệu lực: 07/2009
Lượt xem: 10.921
Giới thiệu về IFRS 1
IFRS 1 quy định các thủ tục mà một đơn vị cần phải tuân thủ khi lập Báo cáo tài chính theo IFRS lần đầu tiên. Báo cáo tài chính theo IFRS lần đầu tiên cần bao gồm một bộ Báo cáo tài chính cho kỳ đầu tiên áp dụng và cả năm liền trước đó.
IFRS 1 được ban hành lần đầu vào tháng 06/2003 thay thế cho SIC-8 - Lần đầu áp dụng IAS làm cơ sở lập báo cáo ban hành vào tháng 04/2001. Sau một vài lần thay đổi nhỏ về nội dung, phiên bản IFRS 1 hiện nay được IASB tái phát hành vào tháng 11/2008 và có hiệu lực cho các Báo cáo tài chính được lập lần đầu tiên theo IFRS có năm tài chính bắt đầu từ ngày 01/07/2009.
Kể từ thời điểm tháng 11/2008 đến nay, IFRS 1 cũng được sửa đổi một số nội dung nhỏ theo các Chương trình cải tiến IFRS (Improvements to IFRSs) 2009, 2010, Chương trình cải tiến hàng năm (Annual Improvements) cho chu kỳ 2009 - 2011 và để phù hợp với sự thay đổi của các Chuẩn mực khác.
Các thuật ngữ sử dụng trong IFRS 1
- Date of transition to IFRSs (Ngày chuyển đổi sang áp dụng IFRS)
- Deemed cost (Giá phí quy ước)
- Fair value (Giá trị hợp lý)
- First IFRS financial statements (Báo cáo tài chính được lập lần đầu theo IFRS)
- First IFRS reporting period (Kỳ báo cáo đầu tiên theo IFRS)
- First-time adopter (Đơn vị lần đầu áp dụng)
- International Financial Reporting Standards (IFRSs) (Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS))
- Opening IFRS statement of financial position (Số dư đầu kỳ trình bày theo IFRS)
- Previous GAAP (Các nguyên tắc kế toán được thừa nhận chung trước đó)
Bản dịch tiếng Việt của Chuẩn mực IFRS 1
Download các tài liệu liên quan đến Chuẩn mực IFRS 1
Các bài viết liên quan đến Chuẩn mực IFRS 1
Tóm tắt Chuẩn mực IFRS 1
Mục tiêu
Mục tiêu của Chuẩn mực này là đưa ra một loạt các quy định và thủ tục đối với Báo cáo tài chính được lập lần đầu theo IFRS và các báo cáo tài chính giữa niên độ của các kỳ trong năm tài chính đó đảm bảo tính minh bạch đối với người sử dụng, khả năng có thể so sánh giữa các kỳ được trình bày, đưa ra xuất phát điểm hợp lý cho việc kế toán theo IFRS và các chi phí phát sinh không vượt quá giá trị lợi ích mang lại.
Một số định nghĩa về Đơn vị lần đầu áp dụng IFRS
Đơn vị lần đầu áp dụng IFRS được định nghĩa là Đơn vị lần đầu lập báo cáo tài chính tuân thủ hoàn toàn và tuyệt đối IFRS. [IFRS 1.3]
Đơn vị cũng được coi là đơn vị lần đầu áp dụng IFRS nếu trong năm trước đó đơn vị đã lập báo cáo tài chính theo IFRS cho mục đích sử dụng nội bộ, mà không cung cấp cho các đối tượng bên ngoài như nhà đầu tư của đơn vị hoặc chủ nợ. Nếu bộ báo cáo tài chính được lập theo IFRS trong năm trước đó, dù với bất kỳ lý do nào, đã được cung cấp cho nhà đầu tư hoặc đối tượng bên ngoài thì đơn vị không được coi là Đơn vị lần đầu áp dụng IFRS, và đơn vị sẽ không được phép áp dụng IFRS 1. [IFRS 1.3]
Đơn vị cũng được coi là đơn vị lần đầu áp dụng IFRS nếu Báo cáo tài chính của năm trước đó: [IFRS 1.3]
- Trình bày việc tuân thủ một số Chuẩn mực nhưng không phải là tất cả các Chuẩn mực của IFRS, hoặc
- Trình bày bảng đối chiếu giữa số liệu được lập theo Chuẩn mực kế toán cũ và số liệu được lập theo IFRS. (Chuẩn mực kế toán cũ, “Previous GAAP”, là các Chuẩn mực kế toán của quốc gia được áp dụng ngay trước khi áp dụng IFRS).
Tuy nhiên, đơn vị không được coi là đơn vị lần đầu áp dụng IFRS nếu Báo cáo tài chính của năm trước đó:
- Trình bày việc tuân thủ hoàn toàn và tuyệt đối các điều khoản của IFRS, ngay cả khi kiểm toán viên của đơn vị đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên báo cáo kiểm toán đối với những báo cáo tài chính đó; hoặc
- Báo cáo tuân thủ đồng thời cả Chuẩn mực quốc gia và IFRS.
Nếu một đơn vị đã áp dụng IFRS ở các kỳ báo cáo trước đó nhưng báo cáo tài chính năm gần nhất không tuân thủ hoàn toàn và tuyệt đối các điều khoản của IFRS, thì đơn vị có thể lựa chọn:
- Áp dụng các quy định của IFRS 1 (bao gồm cả việc áp dụng các ngoại lệ đối với việc điều chỉnh hồi tố); hoặc
- Áp dụng hồi tố các IFRS theo yêu cầu của Chuẩn mực IAS 8 Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót như là đơn vị chưa từng ngừng áp dụng IFRS. [IFRS 1.4A]
Ví dụ về đơn vị lần đầu áp dụng IFRS cho Báo cáo tài chính kết thúc ngày 31/12/2019
Chính sách kế toán
Áp dụng toàn bộ các Chuẩn mực IFRS có hiệu lực tại ngày 31/12/2019.
Kỳ báo cáo tài chính
Lập ít nhất 2 bộ báo cáo tài chính cho năm 2019 và 2018 với số dư đầu kỳ trên Báo cáo tình hình tài chính (tại ngày 01/01/2018) tuân thủ toàn bộ các Chuẩn mực IFRS có hiệu lực tại ngày 31/12/2019.
Do IAS 1 yêu cầu phải trình bày số liệu so sánh của ít nhất 1 năm trước đó nên số dư đầu kỳ trên Báo cáo tình hình tài chính sẽ là ngày 01/01/2018. Điều đó có nghĩa là bộ Báo cáo tài chính cho năm đầu tiên sẽ bao gồm ít nhất:
- 3 (ba) báo cáo tình hình tài chính tại các thời điểm 31/12/2019, 31/12/2018 và 01/01/2018;
- 2 (hai) báo cáo lãi lỗ và thu nhập toàn diện cho năm 2019 và 2018;
- 2 (hai) báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho năm 2019 và 2018;
- 2 (hai) báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu cho năm 2019 và 2018;
- Các thuyết minh liên quan cùng với thông tin so sánh.
Nếu báo cáo tài chính của đơn vị cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019 có bao gồm các số liệu tài chính (không phải là báo cáo tài chính đầy đủ) được lập theo IFRS cho các kỳ kế toán trước năm 2018 cùng với báo cáo tài chính đầy đủ của năm 2018 và 2019 thì số liệu tại ngày 01/01/2018 vẫn được coi là số dư đầu kỳ của bộ báo cáo tài chính được lập lần đầu này.
Một số điều chỉnh bắt buộc khi chuyển từ Chuẩn mực kế toán cũ sang IFRS cho lần đầu tiên áp dụng
Xóa sổ các tài sản và công nợ được ghi nhận theo Chuẩn mực kế toán cũ
Đơn vị cần tiến hành xóa sổ các tài sản và công nợ đã được ghi nhận theo Chuẩn mực kế toán cũ tại thời điểm đầu kỳ trên Báo cáo tình hình tài chính nếu chúng không đủ tiêu chuẩn ghi nhận theo IFRS. [IFRS 1.10(b)] Ví dụ:
- IAS 38 không cho phép ghi nhận các chi phí sau vào nguyên giá tài sản vô hình như: chi phí nghiên cứu ban đầu, chi phí trước hoạt động, chi phí đào tạo, chi phí quảng cáo và khuyến mại, chi phí chuyển dịch địa điểm và tái tổ chức đơn vị. Nếu Chuẩn mực kế toán cũ cho phép ghi nhận các chi phí này vào nguyên giá tài sản thì đơn vị cần xóa sổ các tài sản này trên số dư đầu kỳ của Báo cáo IFRS.
- Nếu Chuẩn mực kế toán cũ mà đơn vị áp dụng cho phép ghi nhận là khoản công nợ đối với các khoản dự phòng “chung chung” như dự phòng tái cấu trúc, dự phòng lỗ trong tương lai hoặc dự phòng các chi phí sửa chữa lớn không đủ tiêu chuẩn ghi nhận theo quy định của IAS 37 thì chúng cần được xóa sổ trên số dư đầu kỳ của Báo cáo IFRS.
- Nếu Chuẩn mực kế toán cũ mà đơn vị áp dụng cho phép ghi nhận các tài sản tiềm tàng như trình bày tại IAS 37 thì chúng cần được xóa sổ trên số dư đầu kỳ của Báo cáo IFRS.
Ghi nhận một số tài sản và công nợ chưa được ghi nhận theo Chuẩn mực kế toán cũ
Ngược lại với việc xóa sổ ở trên, đơn vị cần ghi nhận các tài sản và công nợ theo quy định của IFRS nhưng không được ghi nhận theo Chuẩn mực kế toán cũ. [IFRS 1.10(a)] Ví dụ:
- IAS 19 yêu cầu một số khoản phúc lợi cần được ghi nhận là Tài sản hay công nợ.
- IAS 37 yêu cầu một số khoản dự phòng cần được ghi nhận là công nợ.
- Tài sản hay công nợ thuế thu nhập hoãn lại theo quy định của IAS 12.
Phân loại lại
Đơn vị cần tiến hành phân loại lại một số số dư đầu kỳ đã được ghi nhận theo Chuẩn mực kế toán cũ sang các khoản mục phù hợp theo quy định của IFRS như: [IFRS 1.10(c)]
- IAS 10 không cho phép phản ánh khoản cổ tức được công bố sau ngày kết thúc năm tài chính là một khoản nợ phải trả. Nếu Chuẩn mực kế toán cũ cho phép ghi nhận, chúng cần được điều chỉnh ra khỏi số dư đầu kỳ trên Báo cáo IFRS.
- Nếu Chuẩn mực kế toán cũ cho phép phản ánh cổ phiếu quỹ trên khoản mục tài sản thì chúng cần được phân loại lại là khoản mục thuộc Nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định của IFRS.
- Khoản mục được phân loại như một tài sản cố định vô hình phát sinh từ hợp nhất kinh doanh theo Chuẩn mực kế toán cũ cần được phân loại thành Lợi thế thương mại theo quy định của IFRS 3 do chúng không đáp ứng được điều kiện ghi nhận là một tài sản cố định vô hình theo quy định của IAS 38.
- IAS 32 có quy định về việc phân loại công cụ tài chính là nợ phải trả hay vốn chủ sở hữu. Do đó, một số khoản cổ phiếu ưu đãi cổ tức đang được phân loại là nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định của Chuẩn mực kế toán cũ cần được phân loại lại là Nợ phải trả trên số dư đầu kỳ của Báo cáo IFRS. Tuy nhiên, IFRS 1 cũng đưa ra ngoại lệ đối với trường hợp cấu phần nợ trong công cụ tài chính không còn tồn tại tại thời điểm đầu kỳ trên Báo cáo IFRS thì đơn vị không phải phân loại lại cấu phần nợ này ra khỏi nguồn vốn.
- Một số nguyên tắc phân loại lại có thể ảnh hưởng đối với việc trình bày Bộ phận kinh doanh theo quy định của IFRS 8.
- Một số quy định về bù trừ tài sản và nợ phải trả hay bù trừ chi phí và thu nhập có thể được chấp nhận theo Chuẩn mực kế toán cũ nhưng không được chấp nhận theo quy định của IFRS.
Xác định giá trị tài sản và nợ phải trả
Đơn vị phải xác định giá trị tài sản và nợ phải trả theo các quy định của các Chuẩn mực IFRS có hiệu lực ngoại trừ một số ngoại lệ dưới đây. [IFRS 1.10(d)]
Cách ghi nhận các điều chỉnh khi chuyển đổi từ Chuẩn mực kế toán cũ sang IFRS
Đơn vị phải ghi nhận các điều chỉnh này trực tiếp vào lợi nhuận chưa phân phối (hoặc vào khoản mục khác của vốn chủ sở hữu, nếu phù hợp) tại ngày chuyển đổi sang áp dụng IFRS. [IFRS 1.11]
Ước tính
Các ước tính của đơn vị theo IFRS vào ngày chuyển đổi sang áp dụng IFRS phải nhất quán với các ước tính tại cùng một thời điểm khi áp dụng Chuẩn mực kế toán cũ trước đó (sau khi đã điều chỉnh để phản ánh các khác biệt trong chính sách kế toán), trừ khi có bằng chứng khách quan cho thấy các ước tính được lập trước đây có sai sót. [IFRS 1.14]
Đơn vị không được phản ánh các thông tin mới về các ước tính đã được lập theo các Chuẩn mực kế toán cũ sau ngày chuyển đổi sang áp dụng IFRS vào số dư đầu kỳ trình bày theo IFRS (trừ khi các ước tính đó cần phải điều chỉnh do sự khác biệt trong chính sách kế toán hoặc có bằng chứng khách quan cho thấy ước tính trước đó có sai sót).
Thay đổi về trình bày
Đối với nhiều đơn vị, một số thông tin mới cần được trình bày trên Báo cáo IFRS mà Chuẩn mực kế toán cũ không yêu cầu (như thông tin bộ phận, lãi trên cổ phiếu, bộ phận ngừng hoạt động, giá trị hợp lý của công cụ tài chính) hoặc cần được trình bày chi tiết hơn so với Chuẩn mực kế toán cũ (như trình bày thông tin về các bên liên quan).
Thông tin so sánh không được lập theo IFRS và tóm tắt dữ liệu quá khứ
Một số đơn vị trình bày tóm tắt một số dữ liệu quá khứ cho các giai đoạn trước kỳ đầu tiên đơn vị trình bày đầy đủ các thông tin so sánh theo IFRS. Theo quy định của IFRS 1, các thông tin tóm tắt này không yêu cầu phải phù hợp với các quy định về việc ghi nhận và xác định giá trị của IFRS. [IFRS 1.22]
Nếu đơn vị lựa chọn việc trình bày các thông tin tài chính này theo Chuẩn mực kế toán cũ thay vì theo IFRS, đơn vị phải đặt tiêu đề nổi bật cho phần thông tin trình bày theo các Chuẩn mực kế toán cũ là không phải được lập theo IFRS và thuyết minh bản chất của các điều chỉnh trọng yếu để báo cáo tài chính phù hợp với IFRS. Đơn vị không phải thuyết minh thông tin định lượng của các điều chỉnh này. [IFRS 1.22]
Giải thích quá trình chuyển đổi sang áp dụng IFRS
Đơn vị phải trình bày việc chuyển đổi từ các Chuẩn mực kế toán cũ sang IFRS ảnh hưởng như thế nào đến tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ đã báo cáo trước đây. [IFRS 1.23] Cụ thể:
- Thông tin đối chiếu vốn chủ sở hữu ghi nhận theo các Chuẩn mực kế toán cũ với vốn chủ sở hữu ghi nhận theo IFRS cho cả 2 ngày sau: (a) ngày chuyển đổi sang áp dụng IFRS và (b) ngày kết thúc của kỳ kế toán gần nhất trình bày trên báo cáo tài chính năm gần nhất lập theo các Chuẩn mực kế toán cũ. [IFRS 1.24(a)]
- Thông tin đối chiếu tổng thu nhập toàn diện theo IFRS cho kỳ kế toán gần nhất trình bày trên báo cáo tài chính năm gần nhất với tổng thu nhập toàn diện theo Chuẩn mực kế toán cũ cùng kỳ. Nếu đơn vị không có báo cáo tổng thu nhập toàn diện như vậy thì sử dụng báo cáo lãi hoặc lỗ theo Chuẩn mực kế toán cũ. [IFRS 1.24(b)]
- Trình bày chi tiết các điều chỉnh trọng yếu đã được thực hiện trên Báo cáo IFRS đầu tiên bao gồm Báo cáo tình hình tài chính, Báo cáo thu nhập toàn diện và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. [IFRS 1.25]
- Nếu đơn vị phát hiện các sai sót khi lập báo cáo tài chính theo các Chuẩn mực kế toán cũ, thông tin đối chiếu trình bày ở trên phải trình bày riêng biệt giữa những điều chỉnh do sai sót và những điều chỉnh do thay đổi chính sách kế toán. [IFRS 1.26]
- Thông tin thuyết minh theo quy định của IAS 36 Suy giảm giá trị tài sản nếu đơn vị ghi nhận hoặc hoàn nhập bất kỳ khoản lỗ nào do suy giảm giá trị tài sản lần đầu tiên khi lập số dư đầu kỳ theo IFRS. [IFRS 1.24(c)]
- Các giải thích nếu đơn vị lựa chọn việc áp dụng các phương pháp ghi nhận đặc thù hoặc ngoại lệ cho phép trong việc xác định giá trị theo IFRS 1, ví dụ như sử dụng giá trị hợp lý là giá phí quy ước.
Các điều khoản miễn trừ từ các IFRS khác
Đơn vị có thể áp dụng một hoặc nhiều điều khoản miễn trừ dưới đây: [IFRS 1.Phụ lục B]
- Giao dịch thanh toán trên cơ sở cổ phiếu;
- Giá phí quy ước;
- Thuê tài sản;
- Chênh lệch chuyển đổi báo cáo tài chính lũy kế;
- Đầu tư vào công ty con, liên doanh và công ty liên kết;
- Tài sản và nợ phải trả của công ty con, liên doanh và công ty liên kết;
- Công cụ tài chính phức hợp;
- Chỉ định công cụ tài chính đã được ghi nhận trước đó;
- Xác định giá trị hợp lý của tài sản tài chính hoặc khoản nợ phải trả tài chính tại thời điểm ghi nhận ban đầu;
- Nghĩa vụ nợ phải trả khi ngừng hoạt động trong nguyên giá bất động sản, nhà xưởng và thiết bị;
- Tài sản tài chính hoặc tài sản vô hình kế toán theo IFRIC 12 Thỏa thuận nhượng quyền dịch vụ;
- Chi phí đi vay;
- Phân biệt nợ phải trả tài chính với công cụ vốn chủ sở hữu;
- Siêu lạm phát nghiêm trọng;
- Thỏa thuận chung;
- Chi phí cải tạo ban đầu trong giai đoạn khai thác mỏ lộ thiên;
- Hợp đồng chỉ định mua hoặc bán khoản mục phi tài chính;
- Doanh thu; và
- Xem xét các giao dịch ngoại tệ và các khoản nhận trước.